z4735651161314-e745859d6fcbc2bf852f0d23f75917a2-1695906591.jpg
 

Có khi nào bạn bận quá sức bận, tới nỗi bật chế độ auto pilot - lái tự động, nghĩa là đó giờ sao cứ y chang như vậy mà làm, cho nó kịp, chớ không có và không còn thời gian suy nghĩ? Hỏi chơi vậy thôi chứ biết mà, rất nhiều người trong chúng ta đang quay cuống cuồng theo vòng xoáy công việc và cuộc sống, nên hoặc là không kịp nghĩ hoặc là vì nhiều lý do khác khiến mình cho là không cần phải nghĩ. Có điều, khi ai đó quá bận không kịp nghĩ nghĩa là bạn không cần dùng tới não, không cần tư duy phản biện, trở thành cái máy xay xát vấn đề cứ bật lên thì đúng qui trình mà chạy. Vậy hoài, thì não không xài hoài nó sẽ bị cùn, đầu óc hết sắc bén, không phân tích lập luận logic, mất kỹ năng critical thinking - tư duy phản biện, và thế là sẽ tự biến mình thành con cừu chỉ biết nhìn cái mông phía trước để đi theo.

Bận quá không kịp nghĩ là bệnh rất thông thường của người không biết quản trị bản thân. Thường lý do mà người ta dựa vào rất đa dạng, nhưng sau đây là những lý do chính:

Sếp bảo sao em làm vậy

Đây là luật bất thành văn của rất nhiều tổ chức. Lý do này có thể đến từ cả 2 phía, sếp và nhân sự. Sếp nào độc tài, chỉ thích ra lệnh bắt nhân viên răm rắp tuân theo, my way or the highway - làm theo tao hoặc là biến, đừng suy nghĩ sáng tạo gì hết, cứ tuân thủ là được. Loại sếp này kỷ luật kiểu quân sự, sử dụng hình thức quản trị top down - trên bảo sao dưới làm vậy, đôi khi là cách lãnh đạo tốt khi chỉ huy một trận chiến nào đó cần độ phối hợp cao, chính xác, ráp từng quân cờ thành bàn cờ. Tuy nhiên, trong thời bất định, vừa dò đường vừa nghiên cứu vừa đánh trận như hiện nay thì sẽ trở thành gánh nặng, vì chỉ có một đứa suy nghĩ còn cả đám còn lại chỉ biết ngồi chờ nghe lệnh. Vậy thì quá sức phí phạm năng lượng não của bao nhiêu đó con người. Khi sếp vậy thì đội ngũ bên dưới sẽ đương nhiên liên quan với việc không suy nghĩ hoặc lười suy nghĩ, vì có suy nghĩ thì biết nói ai nghe, mất công thêm còn bị chửi chớ chả được lợi ích gì. Tổ chức vậy thì good luck cho sếp một mình đánh đông dẹp bắc tới khi nào đuối thì thôi.

Tư duy trắng đen

Có nhiều người tự trói mình vào trắng hay đen, A hay B, Yes hay No, có hai cách chọn cách nào. Thời này, khi nhắc đến kinh tế sáng tạo thì ý tưởng phải tính bằng thúng, có n cách giải quyết vấn đề. Vấn đề là chọn cách nào nó thiên thời địa lợi nhân hoà nhất mà thôi. Cho nên, không việc gì cứ phải trắng hay đen. Xám thì sao? Nâu thì sao? Đỏ xanh vàng tím thì sao? Nếu mở tầm suy nghĩ của mình ra thì hiểu là sẽ có nhiều lựa chọn khác hoặc kết hợp các lựa chọn sẵn có thành một giải pháp tròn trịa hơn chẳng hạn.

Qui chụp

Mỗi con người chúng ta mang theo bên mình một kho dữ liệu quá khứ, và vì vậy luôn xách theo thành kiến khi ra khỏi nhà. Vậy là tốt, vầy là xấu, vậy là được, vậy là không OK, vv. Khi cho phép mình đặt để cứng nhắc kiểu này, khi có bất kỳ dấu hiệu gì rơi vào vùng tốt thì tốt hết mà có nhấp nháy đèn báo vùng xấu là xấu hết. Ta quá nhanh quá nguy hiểm đi qui chụp, dán nhãn, rồi phân loại xa cạ kiểu bỏ vô sọt tốt xấu liền mà không kịp tìm hiểu xem trong cái mớ bị qui chụp xấu có cái gì xài được không và ngược lại. Làm vậy như lựa mướp theo sọt, mấy trái ở trên đẹp thì cả sọt nó đẹp, rồi cứ vậy đùa qua trái phải cho nhanh, đỡ mất công suy nghĩ. Kiểu qui chụp này thì nhiều lắm trong xã hội ngày nay, khi con người muốn cái gì cũng tức thì, có kết quả ngay để còn post social cho nó giật gân, đúng sai không còn quan trọng.

Dán nhãn

Tổ chức nào có thời gian hoạt động cũng nhiều nhiều thì dễ rơi vào trạng thái phân loại quá khứ. Canh theo lịch sử, vấn đề cứ phân loại thành những cách giải quyết trước nay, cái nào nguy hiểm dán nhãn “bỏ”, cái nào mất công mất nhiều nguồn lực dán nhãn “từ từ nghiên cứu thêm”, cái nào báo cáo kết quả nhanh lấy thành tích được liền dán nhãn “ưu tiên quan trọng”, cái nào đụng chạm nhiều người dễ gây phiền phức dán nhãn “đẩy lửa vào tay kẻ khác”…. Cách phân loại và dán nhãn của mỗi người, mỗi tổ chức khác nhau tuỳ thuộc vào trải nghiệm quá khứ và kinh nghiệm sẹo trường. Lâu ngày dài tháng thành thói quen, cứ thế dán nhãn xử lý vậy cho nó đỡ phiền, an toàn và dễ dàng cho mình, còn ai khác sao kệ họ.

Sợ thay đổi

Não người đương nhiên chỉ muốn bảo vệ người khỏi nguy hiểm nên auto gặp chuyện gì sẽ đẩy những cách giải quyết đã có tiền lệ, an toàn nhất, đơn giản nhất ra ứng phó. Còn chuyện gì nó mới, nó chưa biết làm xong kết quả ra sao, nó có thể fail, nó có thể ảnh hưởng tới mặt mày và đe doạ chiếc ghế quyền lực của mình thì báo đèn đỏ ầm ầm bắt phải tránh xa. Đó cũng là lý do vì sao con người luôn luôn, thời nào cũng sợ thay đổi và chống lại sự thay đổi, chuyển đổi hay bất kỳ cái gì mới lạ. Cho nên, khi gặp chuyện gì cần phải vận não và vật vã suy nghĩ thì đi vòng qua liền để khỏi phải đối diện, khỏi phải lo âu, khỏi phải mất công vận động trí óc. Bộ lọc này nhạy lắm, bắt tín hiệu cái là gạt vấn đề qua liền, không thèm nghĩ về vấn đề luôn huống chi là giải pháp.

Nếu bạn thấy bản thân hay tổ chức của mình đang phản ứng như trên, vì những lý do như trên, thì cá nhân hay tổ chức đang không có xài tư duy phản biện. Ở đây khoan nói đúng sai, vì trong nhiều hoàn cảnh khác nhau có thể có khi đúng khi sai. Nhưng nói riêng trong cái thế chuyển động của tương lai bất định thì, too busy to think là hết phim, không có cửa để linh hoạt ứng phó và thay đổi theo tình huống. Mà tình huống là bài toán mà hiện tại và tương lai đang bày ra liên tục cho con người và tổ chức, một cách không có tiền lệ, và ép con người phải tư duy khác, suy nghĩ khác, lựa chọn khác. Cho nên, nếu đang quá bận không nghĩ kịp thì chắc phải xem lại, vì bận nghĩa là đang không giải quyết cho tới chuyện gì.

www.nguyenphivan.com/post/too-busy-to-think