Tam Quốc: Nhà Hán suy vong như thế nào? (Phần 1)
Trong phần trước chúng ta đã biết Hán Hoàng Đế Lưu Chí đăng cơ trở thành Hoàng đế thứ 11 của nhà Đông Hán. Nhưng dù ông lên ngôi nhanh như vậy, thực quyền hiện giờ lại hoàn toàn thuộc về Lương gia, bao gồm Đại tướng quân Lương Ký, em gái ông Hoàng thái hậu Lương Nạp, người vẫn còn là nhiếp chính cho Hoàng đế, và em út Hoàng hậu Lương Nữ Oánh.
Trong số 3 người này, Lương Ký giữ nhiều quyền lực nhất, khi ông tự phong mình là Đại tướng quân, trở thành vị tướng có chức cao nhất trong triều. Thêm nữa, Lương Ký còn có quyền chỉ định tất cả chức quan trong triều, và ông lạm quyền ngay lập tức, khi phong 2 em trai và con mình lên tước công. Và trong nhiều năm, Lương Ký đưa tất cả những người trung thành với mình lên nắm giữ các chức vị quan trọng, gây rối loạn hết cả triều đình.
Tất nhiên là không phải ai cũng ủng hộ Lương Ký và sự lộng quyền của ông, và có những người sẵn sàng đứng ra phản đối. Nhưng Lương Ký là người tàn bạo và ngang ngược, ông cai trị thông qua sợ hãi. Và để biết Lương Ký là người như thế nào, sau đây là 4 câu chuyện nổi tiếng nhất về ông:
Chuyện kể có một thương nhân rất giàu có tên là Sĩ Tôn Phấn, một ngày nọ Lương Ký muốn xin tiền của ông, nhưng thay vì hỏi mượn trực tiếp, Lương Ký đòi bán cho ông 4 con ngựa, với giá cao ngất ngưỡng là 500,000 ngũ thù. Đây là một điều hoàn toàn không thể chấp nhận, và mặc dù Sĩ Tôn Phấn biết rằng không nên chọc giận Lương Ký, ông cũng không muốn mất nửa triệu, xin Lương Ký giảm giá xuống còn 300,000. Việc này làm Lương Ký không vui, bèn loan tin thất thiệt ra ngoài rằng mẹ của Sĩ Tôn Phấn từng là nô tỳ của nhà họ Lương đã bỏ trốn, lại ăn trộm và mang theo rất nhiều châu ngọc, sau đó sai quan dưới quyền bắt giữ, tra tấn và chém đầu cả nhà Sĩ Tôn Phấn mà không cần xét xử. Lương Ký sau đó cho người đến tịch thu toàn bộ tài sản của người này, trị giá 170,000,000 ngũ thù.
Ngoài giết thương nhân ra thì Lương Ký còn giết các quan lại chống đối nữa. Và một trong những quan lại này là một người tên Ngô Thọ, một nha huyện ở quê Lương Ký. Và vì Lương Ký là người quyền lực nhất trong triều nên ở quê có những người thuộc Lương gia ỷ thế mà hống hách, không coi pháp luật ra gì. Nhưng Ngô Thọ là một nha huyện công tâm nên tất cả những người phạm tội đều bị xử theo pháp luật, với những tội danh lớn như giết người, Ngô Thọ cũng dựa trên pháp luật là xử trảm. Và như mọi người có thể đoán là vì vậy mà Lương Ký không vui, nên đòi chuyển Ngô Thọ sang giữ chức quan ở Kinh Châu. Và tại thời điểm đó có một luật bất thành văn là tất cả những quan chức mới lên nhậm chức đều phải đến gặp mặt Lương Ký trước khi đến chỗ làm việc, để tỏ lòng trung thành với người nắm giữ thực quyền. Và Lương Ký nhân cơ hội mở tiệc tiếp đãi ông, nhưng tất cả các đồ ăn và rượu của Ngô Thọ đều bị tẩm độc, nên Ngô Thọ chưa bước ra khỏi cửa nhà Lương Ký thì đã chết rồi.
Nếu giết một nha huyện chưa đủ thì sau đây là câu chuyện về một người tên là Hậu Mạnh Cương, được chỉ thị làm Thái thú Lưu Đông, Thái thú là một chức quan rất cao thời đó. Và Hậu Mạnh Cương hơi đi quá xa một chút, khi ông từ chối tới gặp Lương Ký trước khi tới chỗ làm việc. Lương Ký không vui, cho rằng đây là một hành động thách thức ông. Và thứ đợi Hậu Mạnh Cương ở Liêu Đông không phải là một chức quan mới mà là một Thánh Chỉ nói phải chém đầu Hậu Mạnh Cương ngay tại chỗ. Vậy là Lương Ký đòi chém đầu một Thái thú chỉ vì không tuân thủ luật bất thành văn của ông.
Những lúc Lương Ký rảnh rỗi không giết người, ông cũng có những thú vui tao nhã khác là nuôi thú, và ông là người rất thích nuôi thỏ, ông cho xây dựng cả một khu vực nuôi thỏ tại gia. Một ngày nọ, có một thương gia ngoại quốc người Tây Thành đến nhà Lương Ký để làm việc, người này vô tình té ngã đè chết một con thỏ ông nuôi. Và mọi người cũng biết số phận của người này như thế nào rồi đấy, nhưng chưa hết, ông cho người tìm và giết hơn 10 người thương gia vô tội khác, chỉ vì những người này cũng đến từ Tây Thành. Và còn nhiều trường hợp khác được sử sách ghi lại về những hành động tàn bạo khác của Lương Ký.
Cũng vì sự tàn bạo này Lưu Chí quyết định không làm Lương Ký tức giận, và giả vờ là một Hoàng đế bù nhìn nghe lời ông, biết rằng Lương Ký không có lý do gì mà không hãm hại ông như đã làm với Lưu Toản. Vậy nên trong 4 năm đầu trên ngai vàng của mình, Hán Hoàn Đế sống dưới sự theo dõi chặt chẽ của Thái hậu Lương Nạp và các lính gác trong cung trung thành với Lương Ký, ông cũng phải giả vờ thân mật với Hoàng hậu Lương Nữ Oánh, người mà ông không yêu, nhưng biết rằng phải làm bà vui để có thể giữ ngôi.
Nhưng mọi thứ thay đổi vào năm 150, khi nhiếp chính là Thái hậu Lương Nạp mất, nên trên lý thuyết là quyền lực sẽ được trả về cho vị Hoàng đế 19 tuổi. Nhưng một lần nữa, ông biết kiên nhẫn và cho phép Lương Ký tiếp tục quản lý triều đình. Tuy nhiên cái chết của Thái hậu cũng cho phép ông có chút không khí để thở, khi Lưu Chí hoàn toàn bỏ mặc Hoàng hậu Lương Nữ Oánh và đưa rất nhiều phi tần vào cung. Việc này tất nhiên làm Hoàng hậu rất ghen tức, và bà quyết phải đảm bảo rằng bất kỳ phi tần nào có thai đều phải chết cả mẹ lẫn con.
Cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Hoàng đế và Hoàng hậu tiếp diễn đến tận năm 159, khi cả Lương Nữ Oánh cũng qua đời và phải lập Hoàng hậu mới. Điều bất ngờ là cả Lưu Chí và Lương Ký đều cùng ủng hộ một phi tần được sủng ái là Lương Mãnh Nữ, thật tế, Lương Mãnh Nữ lúc nhỏ không phải họ Lương mà là họ Đặng, do cha mất sớm, mẹ bà tái hôn nên phải chuyển họ từ Đặng sang Lương. Và người cha dượng của bà lại trùng hợp là em trai của Lương Ký. Nên Lương Ký cho rằng Lương Mãnh Nữ sẽ là người thích hợp để thay thế vị trí Hoàng hậu cho em gái mình. Tuy nhiên Lương Mãnh Nữ và mẹ bà lại phản đối Lương Ký và sự chuyên quyền của ông. Vì vậy Lương Ký cho sát thủ tới giết cả nhà Hoàng hậu mới, may mắn thay mẹ bà thoát được và chạy vào cung cầu cứu Hoàng đế.

Chính sự kiện này là giọt nước tràn ly, khiến Lưu Chí tức giận và chuẩn bị lên kế hoạch lật đổ Lương Ký. Nhưng việc này lại nói dễ hơn làm, bởi ngoại thích Lương Ký đã xây dựng một hệ thống chính trị trung thành với ông rồi, và cho dù có bất kỳ ai phản đối, cũng sẽ quá sợ Lương Ký để lên tiếng. Chỉ có một phe mà Hoàng đế có thể tin tưởng được là các hoạn quan. Bởi vì mặc dù Lương Ký có đầy nội gián là các hoạn quan và lính gác khắp trong cung, sau khi Thái hậu Lương Nạp qua đời, Hoàng đế cũng có một số quyền hành trong nhà mình nên biết được rằng có một số hoạn quan trung thành với mình và coi thường Lương Ký.
Và một trong số các hoạn quan này là một người tên Đường Hành, hoạn quan đầu tiên mà Hoàng đế thông báo cho kế hoạch. Một ngày nọ trong lúc đang đi vệ sinh, Lưu Chí hỏi Đường Hành rằng ông có biết còn hoạn quan nào trong cung ghét Lương Ký nữa không, Đường Hành vốn thông minh, ngay lập tức hiểu ý Hoàng đế và đưa ra tên 4 hoạn quan có tư thù với Lương Ký. Trong vòng vài ngày tới, Đường Hành đưa từng người một tới nhà vệ sinh, nơi Hoàng đế sẽ vừa xả nỗi buồn, vừa bàn kế hoạch với các hoạn quan. Cùng với Đường Hành và 4 hoạn quan khác là Đơn Siêu, Từ Hoàng, Cụ Viên, Tả Quán.
Lương Ký cũng nghe phong phanh về một cuộc nổi loạn của hoạn quan, và gọi cho một tướng quân trung thành với mình vào cung điều tra thử. Nhưng Hoàng đế và các hoạn quan nhanh chóng nhân cơ hội đảo ngược tình thế và bắt giữ vị tướng này vì tội xâm phạm cấm cung, lấy đi binh phù của tướng quân đó. Sau đó họ nhanh chóng cắt chức đội trưởng đội lính gác, vì tội lơ là công việc để cho người khác vào cung, tịch thu luôn binh phù. Hoàng đế sau đó dùng cả hai binh phù này để tập hợp hơn một nghìn vũ lâm quân, và trong nhanh chóng cùng 5 hoạn quan ập vào dinh thự của Lương Ký, ép Lương Ký tự sát.
Ngày hôm sau ở triều đình, tất cả các thành viên thuộc Lương gia, và những người trung thành với Lương Ký đều bị xử trảm. Hoàng Đế đồng thời bãi chức hơn 300 đại thần do Lương Ký bổ nhiệm, khiến đa số các vị trí triều đình gần như trống rỗng. Toàn bộ tài sản của Lương Ký bị tịch thu, trị giá hơn 3,000,000,000 ngũ thù, Hoàng đế cũng phải hốt hoảng vì con số này và hạ lệnh cho giảm nửa số thuế trên cả nước trong nhiều năm để làm an lòng nhân dân.
Giờ mọi người có thể nghĩ sau khi diệt trừ được ngoại thích rồi thì Hán Hoàng Đế đã có thể an lòng rồi, nhưng những việc tiếp theo lại không thể nào lường trước được. Và một loạt các sự kiện chính trị trong 8 năm cầm quyền độc lập sắp tới của Lưu Chí sẽ khiến cả triều Đông Hán rơi vào khủng hoảng. Hãy đón chờ phần 3 để xem những sự kiện đó là gì nhé.

Minh Hoang Phuc dịch từ Serious Trivia