Tại Hội nghị Tổng kết công tác Đảng và hoạt động đầu tư kinh doanh năm 2022, triển khai kế hoạch năm 2023, ông Đinh Việt Tùng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước SCIC đã công bố sô liệu liên quan đến hoạt động của Tổng công ty.
Theo đó, trong năm 2022, doanh thu cổ tức đạt 8.222 tỷ đồng, bằng 141% kế hoạch 2022 và bằng 188% cùng kỳ năm 2021; doanh thu bán vốn đạt 1.358 tỷ đồng, đạt 101% so với kế hoạch 2022. Tính chung, Tổng công ty đạt doanh thu 10.698 đồng, tăng 39% so với kết quả kiểm toán năm 2021, vượt 51% kế hoạch năm.
Lợi nhuận trước thuế đạt 6.785 tỷ đồng, 189% kế hoạch năm 2022 và bằng 72% so với cùng kỳ năm trước; Lợi nhuận sau thuế: 6.785 tỷ đồng, bằng 189% kế hoạch năm 2022 và bằng 81% cùng kỳ năm 2021.
Trong công tác quản trị doanh nghiệp, SCIC tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty có quy mô vốn lớn, mới tiếp nhận có tình hình tài chính phức tạp.
Về công tác tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, SCIC đã tiếp nhận 10 doanh nghiệp, với tổng vốn nhà nước là 8.524 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ là 13.548 tỷ đồng. SCIC cũng đã chủ động đẩy mạnh triển khai công tác thoái vốn nhà nước và thực hiện bán vốn thành công tại 26 doanh nghiệp.
Triển khai hoạt động đầu tư, SCIC nghiên cứu một số cơ hội đầu tư, như: Đầu tư tái cơ cấu Bệnh viện Giao thông vận tải, xây dựng cơ chế sử dụng Quỹ khoa học và Công nghệ, dự án Hệ thống cung cấp nhiên liệu tàu bay (bên trong Cảng Hàng không quốc tế Long Thành), dự án Cảng đầu nguồn và hệ thống đường ống cung cấp nhiên liệu tàu bay cho Cảng HKQT Long Thành, dự án Cảng Cái Mép Hạ, phương án đầu tư mua cổ phần một số ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, SCIC tăng cường tham gia hỗ trợ các doanh nghiệp có vốn của SCIC trong việc triển khai các dự án nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Năm 2023, SCIC đưa ra các chương trình công tác lớn, trong đó tập trung chủ yếu vào công tác xây dựng thể chế, chiến lược; tiếp nhận bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước; quản trị doanh nghiệp; tái cơ cấu, cổ phần hóa và bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động đầu tư kinh doanh vốn, tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty trong hệ sinh thái của Ủy ban, từng bước thực hiện tốt vai trò nhà đầu tư của Chính phủ tham gia đầu tư vào các ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm.
SCIC kinh doanh ra sao?
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước là doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, được Nhà nước đầu tư vốn điều lệ và giao quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuyển giao. Vốn điều lệ của Tổng Công ty theo quy định tại Nghị định 148 là 50.000 tỷ đồng.
Hiện tại, SCIC mới có báo cáo tài chính hợp nhất quý 2. Tổng số cán bộ và nhân viên của Tổng Công ty và công ty con tại ngày 30/6/2022 là 257 người, tăng 9 người so với cuối năm 2021.
Tổng Công ty có công ty con và các công ty liên kết (thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn của Tổng Công ty) bao gồm 1 công ty con là Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC, 7 công ty liên kết có tỉ lệ sở hữu cổ phần từ 27 - 50% bao gồm Công ty Cổ phần Hạ tầng và Bất động sản, Công ty Cổ phần Cảng Quốc tế Lào, Công ty Cổ phần Đầu tư SCIC - Bảo Việt, Công ty Cổ phần Tháp Truyền hình Việt, Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư và Đầu tư Việt Nam, Công ty Cổ phần Thuốc Ung thư Benovas và Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP.
Tính đến hết ngày 30/6, mục tiền của công ty đạt 7,6 tỷ đồng, trong đó tiền mặt là 2,1 tỷ đồng, phần còn lại là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn.
SCIC có các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn bao gồm 23.854 tỷ đồng tiền mặt, 1.449 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu. Công ty cũng tiến hành dự phòng giảm giá đầu tư là hơn 1.247 tỷ đồng, cao hơn so với mức 88,76 tỷ đồng hồi đàu năm.
Các khoản đầu tư dài hạn giảm từ mức 18.202 tỷ đồng của cuối năm 2021 xuống còn 16.041 tỷ đồng. Trong đó, vốn góp tại các công ty niêm yết là 11.985 tỷ đồng, vốn góp tại các công ty chưa niêm yết là 3.931 tỷ đồng, trái phiếu là 150 tỷ đồng và đầu tư khác là 296,3 tỷ đồng, dự phòng giảm giá đầu tư hơn 321,4 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết giảm nhẹ, từ mức 14.755,5 tỷ đồng cuối năm 2021 xuống còn 12.592 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vào các công ty liên kết nhận chuyển giao là 3.127 tỷ đồng, các công ty liên kết Tổng công ty đầu tư là hơn 7.321 tỷ đồng, phận lợi nhuận phát sinh sau ngày đầu tư trừ cổ tức được chia là âm 857 tỷ đồng.
Vốn điều lệ được duyệt của Tổng công ty theo quy định tại Nghị định số 148/2017/NĐ-CP ngày 25/12/2017 của Chính phủ là 50.000 tỷ VND. Vốn đầu tư của chủ sở hữu đã góp vào Tổng công ty tại ngày 30/6/2022 là 48,786 tỷ đồng (97,57%).
Tổng tài sản của doanh nghiệp đạt gần 60.255 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 63.493 tỷ đồng của cuối năm 2021.