Phiên giao dịch ngày 25/10 chứng kiến một loạt cổ phiếu ngành bảo hiểm tăng giá mạnh bất chấp thị trường chung giảm điểm như PVI (7,06%), BVH (+6,97%), BMI (6,97%), PTI (5,13%), BIC (2,34%), MIG (1,61%),…

Cổ phiếu ngành bảo hiểm nổi sóng trong bối cảnh Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đề nghị triển khai thoái vốn năm 2021 đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong đó tập trung thoái vốn tại một số doanh nghiệp bảo hiểm đầu ngành như Tập đoàn Bảo Việt (BVH) và Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI).

Tiền thu từ thoái vốn tại các doanh nghiệp trên nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 20/12 để nộp ngân sách Nhà nước.

z2875901564849-d1e2d42c86992812267b7a170bc7bc63-1635150696.jpg
Cổ phiếu bảo hiểm tăng mạnh trong phiên ngày 25/10.

Hiện tại, SCIC đang nắm giữ 22,15 triệu cổ phiếu BVH (tỷ lệ 2,98%) và 55,44 triệu cổ phiếu BMI (tỷ lệ 50,7%). Tính theo thị giá hiện tại, quy mô thoái vốn của SCIC tại hai doanh nghiệp này rơi vào khoảng 3.700 tỷ đồng.

Trong ngành bảo hiểm, câu chuyện thoái vốn của BMI và BVH luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư bởi kỳ vọng một khi có sự tham gia của cổ đông mới, các doanh nghiệp sẽ có động lực cải thiện hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, thông tin SCIC thoái vốn tại BMI và BVH đã xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng quá trình này gặp nhiều khó khăn và đến nay vẫn chưa thể hoàn tất. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Bảo Minh bà Vũ Thái Huyền cho biết SCIC vẫn chưa thể thoái vốn khỏi BMI do chưa có thông tư hướng dẫn cho Nghị định 140.

“Việc thoái vốn của SCIC tại BMI đã được thực hiện từ năm 2019. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2020, khi mọi công tác thoái vốn đã dần được hoàn thành thì việc ra đời của Nghị định 140 nhưng chưa có thông tư hướng dẫn đã khiến hoạt động này bị gián đoạn. Hiện, Công ty vẫn đang theo sát Bộ Tài chính để chờ thông tư hướng dẫn được công bố”, bà Huyền cho biết.

Trong khi đó, tại BVH, tỷ lệ sở hữu của SCIC không quá lớn, nhưng với thị giá cổ phiếu cao, cơ cấu cổ đông đặc thù thì việc bán lô lớn với giá trị hơn nghìn tỷ đồng thường không thành công vì bên mua chủ yếu nhắm đến mục đích đầu tư tài chính thường không đủ nguồn lực để tham gia. Chính vì thế, chia sẻ với báo chí mới đây, một lãnh đạo của SCIC cho biết sẽ tính đến phương án khác để thoái vốn tại BVH thay vì bán cả lô.

Nhận định về sự ảnh hưởng của việc thoái vốn nhà nước đối với giá cổ phiếu, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, quá trình thoái vốn tại các doanh nghiệp này có thể tạo động lực tăng giá ngắn hạn do giá cổ phiếu trong các thương vụ ở quá khứ thường được trả mức giá trên giá trị sổ sách (PB) cao hơn so với mức giá giao dịch trên thị trường.

Về triển vọng ngành bảo hiểm Việt Nam, BVSC nhận định, Việt Nam luôn nằm trong TOP những quốc gia có tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm cao nhất thế giới, với tăng trưởng trung bình hàng năm luôn trên 9,3%. Tuy liên tục ghi nhận tăng trưởng cao, nhưng tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm tại Việt Nam vẫn có rất thấp, chỉ ở mức 2,7% nếu tính đến năm 2019 (phi nhân thọ là 0,8%, nhân thọ là 1,9%), thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác trong khu vực (trung bình ở mức 3,3%). 

Theo đó, BVSC tin rằng, khi đại dịch Covid-19 đi qua, ngành bảo hiểm phi nhân thọ sẽ nhanh chóng quay trở lại mức tăng trưởng trung bình 15% trong giai đoạn trước, trong khi bảo hiểm nhân thọ vẫn giữ được mức tăng trưởng cao 25 -30%/năm.

Bên cạnh câu chuyện thoái vốn và triển vọng phục hồi sau đại dịch, về dài hạn, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các thay đổi trong Luật Kinh doanh Bảo hiểm sửa đổi dự kiến có hiệu lực từ năm 2023 cho thấy một sự cởi mở trong tư duy quản lý đồng thời đề cao hơn nữa tính công khai, minh bạch trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, từ đó mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho các chủ thể tham gia thị trường.

‘’Chúng tôi cho rằng dự thảo sửa đổi luật này là một bước tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm. Với những thay đổi đối về mô hình quản lý vốn, có thể sẽ có áp lực tăng vốn tại một số công ty bảo hiểm nhất định. Tuy nhiên, các quy định này có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, tạo một khoảng thời gian đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế (2023 – 2027). Do đó, chúng tôi cho rằng điều này sẽ không gây ra những thay đổi đột ngột đối với triển vọng ngắn hạn và trung hạn của ngành.’’, Báo cáo SSI Research viết.

Nhận định về tiềm năng cổ phiếu ngành bảo hiểm, FiinGroup cho biết tính đến đầu tháng 9 được định giá ở mức 1,7x –thấp hơn rất nhiều so với nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán trong cùng ngành tài chính.Tính chung tổng giá trị vốn hoá của nhóm ngành bảo hiểm chỉ tăng 2,8% kể từ đầu năm (phần lớn do thị giá BVH giảm gần 20%).

Hiện vốn hoá của nhóm ngành bảo hiểm trên thị trường chứng khoán còn rất nhỏ bé, chỉ khoảng hơn 1% tổng vốn hoá thị trường. Điều này cho thấy dư địa phát triển của cổ phiếu ngành bảo hiểm còn lớn so với thị trường và tiềm năng của ngành này thời gian tới.