Sáng nay (21/4/2025), Tổng thống Donald Trump đăng bài trên Truth Social, liệt kê 8 hình thức “gian lận phi thuế quan” mà ông cho rằng các nước đang dùng để “chơi không đẹp” với hàng hóa Mỹ.
Với Việt Nam – một đối tác thương mại lớn của Mỹ – đây không chỉ là một dòng trạng thái, mà là tín hiệu chiến lược. Nếu không chuẩn bị kỹ, chúng ta có thể bị ảnh hưởng nặng nề.

8 “Chiêu trò” Trump nhắm tới & Tác động với Việt Nam
1. Thao túng tiền tệ (Currency Manipulation)
Việt Nam từng bị Mỹ đưa vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ (2020–2021). Dù đã được gỡ, nếu Trump “soi” lại và cho rằng chúng ta giữ tỷ giá thấp để hỗ trợ xuất khẩu, khả năng cao sẽ bị “gọi tên”.
Hành động: Minh bạch chính sách tỷ giá, phối hợp với Mỹ và IMF để tránh rủi ro.
---
2. Thuế VAT và hoàn thuế (VATs as Tariff + Export Subsidies)
Trump cho rằng hoàn thuế VAT cho hàng xuất khẩu là “trợ cấp trá hình”, gây bất lợi cho hàng Mỹ. Việt Nam đang áp VAT 8% (tạm thời, chuẩn 10%), với hàng xuất khẩu được hưởng mức 0% và hoàn thuế.
Nhưng nếu Mỹ siết chặt, các ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khác nhau:
- Dệt may: Đối thủ chính: Trung Quốc (13%), Ấn Độ (12%), Bangladesh (15%), Thái Lan (7%), Indonesia (11%). Nếu Mỹ siết đều, Việt Nam được lợi vì Thái Lan không quá mạnh trong ngành này.
- Điện tử: Đối thủ: Trung Quốc (13%), Hàn Quốc (10%), Nhật Bản (10%), Thái Lan (7%), Malaysia (6%). Nếu siết đều, Việt Nam bị bất lợi vì Thái Lan và Malaysia có VAT thấp hơn, dễ thu hút chuyển dịch sản xuất (ngành này ít dùng nhân công hơn dệt may).
- Nông nghiệp & thủy sản: Đối thủ: Thái Lan (7%), Indonesia (11%), Ấn Độ (12%), Trung Quốc (9-13%). Việt Nam bị bất lợi vì nhiều sản phẩm chính cạnh tranh trực tiếp với Thái Lan (VAT thấp hơn).
Hành động: Đảm bảo quy trình hoàn thuế minh bạch, sẵn sàng đối thoại với Mỹ nếu bị “soi”.
---
3. Chuyển tải để né thuế (Transshipping to Evade Tariffs)
Đây là nguy cơ lớn nhất với Việt Nam. Trump nhắm đến hành vi chuyển hàng Trung Quốc qua nước thứ ba để né thuế Mỹ. Việt Nam từng bị điều tra (như vụ thép năm 2019, bị áp thuế 400%).
Hành động: Số hóa truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chặt chứng nhận xuất xứ (CO). Đừng để “vài con sâu làm rầu nồi canh”.
---
4. Vi phạm sở hữu trí tuệ (IP Theft)
Việt Nam không bị cáo buộc nặng như Trung Quốc, nhưng vẫn còn tình trạng hàng giả, vi phạm bản quyền phần mềm. Trump ước tính thiệt hại từ IP theft toàn cầu là “hơn 1 nghìn tỷ USD/năm”.
Hành động: Phối hợp với doanh nghiệp Mỹ xử lý hàng nhái, cải thiện luật sở hữu trí tuệ trước khi bị “gõ đầu”.
---
5. Rào cản kỹ thuật và nông nghiệp (Technical + Agricultural Barriers)
Trump chỉ trích các tiêu chuẩn bảo hộ như EU cấm ngô GMO hay Nhật kiểm tra ô tô bằng… bóng bowling (?!). Việt Nam không có rào cản “quá đáng” kiểu này, nhưng một số “giấy phép con” (như ủy quyền chính hãng ngành xe hơi, thủ tục cấp phép dược phẩm và thiết bị y tế) có thể bị xem là rào cản trá hình.
Hành động: Rà soát tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định nhập khẩu để tránh bị gắn mác “bảo hộ”.
---
Trump đang thay đổi luật chơi: “Thương mại công bằng” là gì?
Trump không chỉ nhìn vào thuế suất, mà còn xem:
- Hàng Mỹ có được đối xử công bằng không?
- Có trợ cấp trá hình không?
- Có minh bạch nguồn gốc không?
---
Việt Nam cần làm gì để tránh bão?
1. Minh bạch chuỗi cung ứng: Không để bị gắn mác “trung chuyển hàng Tàu”.
2. Kiểm soát hoàn thuế VAT: Tránh bị hiểu nhầm là “trợ cấp xuất khẩu”.
3. Đàm phán với Mỹ: Sẵn sàng đối thoại song phương, tìm cách ký hiệp định thương mại.
4. Cải thiện luật sở hữu trí tuệ & giảm rào cản kỹ thuật: Đừng để bị “bới lông tìm vết”.
5. Đa dạng hóa thị trường: Giảm phụ thuộc vào Mỹ, mở rộng sang EU, Nhật, ASEAN.
---
TÓM LẠI:
Trong cuộc chơi mới, nơi “phi thuế quan” trở thành vũ khí chính trị, Việt Nam cần thông minh, minh bạch và chủ động. Im lặng không phải là cách an toàn!
Nếu bạn thấy bài viết hữu ích, hãy chia sẻ để cộng đồng doanh nghiệp Việt cùng chuẩn bị tốt hơn nhé!