Theo nguồn tin từ Theleader, đại diện một quỹ đầu tư có hoạt động ở Việt Nam cho biết đã nhận được lời đề nghị bán vốn tại Pharmacity, nhưng không tiết lộ con số cụ thể.

sau-cuoc-dua-dot-tien-co-dong-dang-ngoai-thao-chay-khoi-pharmacity-1701418208.PNG

***Cổ đông ngoại nào đang muốn “tháo chạy” khỏi Pharmacity?

Cuối tuần qua, ông lớn trong ngành dược phẩm Pharmacity vừa có sự thay đổi nhân sự cấp cao. Theo đó, Pharmacity đón tân CEO ngoại là ông Deepanshu Madan. Đây là lần thứ 2 Pharmacity thay đổi CEO trong vòng hơn một năm trở lại đây. Trước ông Deepanshu Madan, người tiền nhiệm là bà Trần Tuệ Tri được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc chuỗi này hồi tháng 9/2022.

Được biết, trong thời gian gần đây không chỉ vị trí CEO mà nhiều nhân sự quản lý của chuỗi này cũng được thay thế.

Cùng với sự biến động nhân sự thượng tầng, theo nguồn tin từ Theleader, đại diện một quỹ đầu tư có hoạt động ở Việt Nam cho biết đã nhận được lời đề nghị bán vốn tại Pharmacity, nhưng không tiết lộ con số cụ thể.

“Sự thiếu hiệu quả trong kinh doanh thời gian dài trước đó, cũng như những thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông, ban lãnh đạo ở thượng tầng doanh nghiệp đã khiến cho các cổ đông ngoại còn lại của Pharmacity cảm thấy "lo lắng", Theleader dẫn lời một nguồn tin cho biết.

Theo nhiều dự đoán cổ đông này nằm trong nhóm các quỹ đã rót vốn cho chuỗi Pharmacity trong vòng huy động Series C đầu năm 2020 nhưng chưa được tiết lộ danh tính. Được biết, Pharmacity đã gọi thành công 730 tỷ đồng, tương đương 31,8 triệu USD trong vòng Series C.

Tại Pharmacity, hai nhóm cổ đông ngoại quen thuộc lộ diện là SK Group và Mekong Capital.

Với SK Group, vào tháng 11/2021, truyền thông đã từng đưa tin rằng SK Group đang trong bước đàm phán cuối cùng để rót 100 triệu USD vào Pharmacity. Tại thời điểm đó các bên chưa xác nhận gì về thương vụ này. Nhưng theo số liệu vào tháng 7/2022, cho thấy, SK Group đang là cổ đông nước ngoài lớn nhất sở hữu 14,5% cổ phần của Maroon Bells - công ty mẹ sở hữu Pharmacity.

Với Mekong Capital, quỹ này đã thông qua Mekong Enterprise Fund III đã đầu tư vào Pharmacity năm 2019, tuy nhiên họ không tiết lộ con số cụ thể.

sau-cuoc-dua-dot-tien-co-dong-dang-ngoai-thao-chay-khoi-pharmacity-1-1701418305.PNG

*** Cuộc đua ‘đốt tiền’ mở chuỗi đã thấy hồi kết?

Trên thị trường dược phẩm, Pharmacity là ông lớn tích cực trong việc chạy đua mở chuỗi cửa hàng. Trước quý IV/2022, Pharmacity đang dẫn đầu thị trường về số lượng điểm bán. Cụ thể tại thời điểm tháng 8 năm ngoái, Pharmacity đang sở hữu khoảng 1.100 cửa hàng.

Tuy nhiên sau giai đoạn quý IV/2022, Pharmacity bắt đầu chững lại và để mất vị trí dẫn đầu vào tay đối thủ Long Châu. Đây cũng là giai đoạn chuỗi này, chứng kiến sự rời đi của nhà sáng lập Chris Blank ở vị trí Tổng Giám đốc và người đại diện theo pháp luật.

Theo giới thạo tin một trong những lý do khiến Chris Blank phải rời đi là bởi nguồn cơn của khoản lỗ lũy kế chủ yếu đến từ ban điều hành của Pharmacity.

Theo số liệu được công bố cho thấy giai đoạn 2016 – 2021 chuỗi này liên tục thua lỗ. Năm 2020, Pharmacity ghi nhận lỗ sau thuế 421 tỷ đồng, đến năm 2021 tiếp tục lỗ hơn 363 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 2016-2018, chuỗi này lần lượt lỗ tăng dần đều là 45 tỷ đồng, 65 tỷ đồng và 166 tỷ đồng.

Với bức tranh tài chính không mấy khả quan như trên, thông qua động thái đóng bớt số lượng cửa hàng, có lẽ cuộc đua ‘đốt tiền’ mở chuỗi của Pharmacity đã thấy hồi kết. Cụ thể, hiện nay Pharmacity đang có khoảng 936 cửa hàng – giảm gần 200 cửa hàng so với thời điểm quý IV/2022.

Trong khi theo như thông tin được Pharmacity công bố trước đó, chuỗi này đặt mục tiêu tới năm 2025 sẽ tiếp tục mở rộng hệ thống lên đến 5.000 nhà thuốc trên khắp cả nước với hơn 35.000 dược sĩ.