Series bài viết “Cá mập thứ 6” là chuỗi bài viết phân tích từng case cụ thể trong Shark Tank, dưới góc nhìn của Shark, để khán giả hiểu rõ những phân tích đầu tư, lý do quyết định của các Shark. Từ những phân tích kinh doanh, mỗi CEO, doanh nghiệp sẽ rút ra được bài học riêng cho bản thân.

Đến với Shark Tank Việt Nam mùa 4, CEO kiêm co-founder công ty Ánh Dương - Phùng Ngọc Toàn giới thiệu về sản phẩm công nghệ Smart Call Center, đồng thời kêu gọi số vốn 2 tỷ đồng cho 8% cổ phần.

Trong cuộc đàm phán với CEO kiêm co-founder công ty Ánh Dương, Shark Hưng gây bất ngờ khi "chặt chém" startup, đòi chi phối luôn công ty. Tuy nhiên, cả hai bên đã đi đến thoả thuận cuối cùng, 2 tỷ cho 36% kèm điều kiện trả lại cổ phần.

Dưới đây là bài Review chốt deal thương vụ theo Góc nhìn của Cá mập thứ 6.

194344634-10216272995372263-8633941015454860356-n-1622429694.jpg
 

CEO: Xin chào các Shark, tôi đến đây kêu gọi 2 tỷ đồng cho 8% cổ phần của công ty. Định giá pre-money công ty là 23 tỷ đồng (2 tỷ/8*100 – 2 tỷ).

CEO: Doanh thu 2019 là 1.6 tỷ. Lợi nhuận gộp 724 triệu. Doanh thu 2020 là 924 triệu, lợi nhuận là 220 triệu.

Shark X: Vậy là doanh thu lại thụt lùi à? Tỷ suất lợi nhuận năm 2019 là 45.25% (724 triệu/1,6 tỷ), nhưng năm 2020 lại là 23.8% (220 triệu/924 triệu). Điều này chứng tỏ khi tăng doanh thu thì chi phí thay đổi không tăng nhiều. Có thể đạt được tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2020 là 23.8% thì chi phí cố định cũng không quá cao. Lúc đầu nghe có vẻ không tốt nhưng cơ cấu chi phí như thế này lại là điểm mạnh đấy.

Shark Việt: Tại sao lại 2 tỷ cho 8%? Anh thấy hơi cao.

Shark X: Nếu các Shark đầu tư và lấy được 8% lợi nhuận gộp (chưa tính trừ thuế và một số chi phí) thì được 57.92 triệu/năm nếu doanh số như năm 2019. Cần 34.5 năm mới thu hồi được 2 tỷ vốn đầu tư, coi như công ty có tăng trưởng mạnh thì cũng phải mất khoảng 10 năm là ít. Đó là lý do Shark Việt than đắt.

CEO nói giảm nói tránh: Tôi muốn nhìn nhận giá trị con người nhiều hơn, còn giá kia thì hơi cao chút xíu.

Shark Bình và Shark Liên rút vì không nhìn thấy tiềm năng phát triển và đã đầu tư công ty tương tự.

Shark Việt: Tôi không đầu tư vì lĩnh vực y tế bạn chưa giải quyết được và giá quá cao.

Shark X cười: CEO lúc đầu rất tự tin với cơ thể mở, tay “chặt chém” khi trình bày. Nhưng sau khi Shark Liên và Shark Bình từ chối thì mất tự tin. Ngay khi Shark Việt vừa nói thì CEO đã bước sang một bước, để gần Shark Việt hơn. Điều này thể hiện sự mất tự tin, nôn nóng của CEO khi bị từ chối, và đang hi vọng một lời đề nghị hấp dẫn từ Shark Việt.

Shark Phú: Anh không đầu tư vì không phải hệ sinh thái của anh.

Shark Hưng cười tươi: Bây giờ còn một mình tôi, đúng không? Hi vọng cuối cùng của bạn.

Shark X: Chưa gì Shark Hưng đã ra đòn phủ đầu, thể hiện mình là “cửa trên”, lấy lợi thế trước khi đàm phán. Nói xong, Shark Hưng còn dừng một lúc để CEO tăng thêm lo lắng, hồi hộp. Đây là “tâm lý chiến” trong đàm phán.

Shark Hưng chê dùng công nghệ cũ và hỏi về cơ cấu cổ phần nếu tham gia.

Shark X: Vừa chê để dìm CEO xuống, lấy lợi thế khi đàm phán mà câu 2 Shark Hưng đã hỏi luôn về cơ cấu cổ phần nếu đầu tư rồi. Sao Shark Hưng bộc lô ý đồ sớm thế? Hay là muốn đánh nhanh, rút gọn.

Shark Hưng “đá ép sân” luôn. Shark Hưng đề nghị 2 tỷ cho 51% cổ phần (Tâng Bóng Cao: giảm xuống là vừa). Nếu CEO không đồng ý đề nghị thì Shark Hưng sẽ phát triển nền tảng riêng để cạnh tranh (Đe Dọa).

CEO: Tôi đồng ý để Shark 2 tỷ cho 36% cổ phần, với điều kiện được mua lại 16% cổ phần nếu đạt chỉ tiêu. Nếu doanh thu là 1,2 tỷ/tháng thì 20% cho 2 tỷ là quá rẻ. Tôi có thể đạt được điều đó trước Tết 2022. Shark Hưng như vậy có lời rồi.

Shark X: Như vậy, theo giả định, một năm doanh thu là 14.4 tỷ (1.2 tỷ*12 tháng), tỷ suất lợi nhuận là 45.25%, lãi gộp sẽ là 6.51 tỷ (14.4 tỷ*45.25%). Nếu Shark Hưng có 20% thì sẽ thu về khoảng 1.3 tỷ/năm. Với 2 tỷ đầu tư thì chỉ khoảng 2 năm là hoàn vốn. Quá tốt!

Shark Hưng: Nếu không đạt được chỉ tiêu thì anh mua lại toàn bộ công ty với 2 tỷ nhé?

Shark X: Shark Hưng “khát máu” thật sự rồi. Shark Hưng đi nước đôi này quá hiểm. Nếu CEO sợ và không đồng ý thì sẽ không lý do để mua lại cổ phần, bị thiệt trong thỏa thuận. Nếu CEO đồng ý thì Shark Hưng có cơ hội thâu tóm tất cả. Lựa chọn nào thì cũng có lợi cho Shark Hưng.

CEO đưa lại đề nghị khác nhưng Shark Hưng từ chối thẳng thừng. Shark Hưng không nhượng bộ khi mình đang có lợi thế quá rõ ràng. Chơi “ép sân” là phải ép triệt để.

CEO: Tôi đồng ý với 2 tỷ cho 36% cổ phần như Shark đề nghị, kèm thêm một số điều khoản khác.

Các Shark vỗ tay chúc mừng.

Shark X vỗ tay: Chúc mừng Shark Hưng chốt thỏa thuận thành công. Shark Hưng thể hiện đúng phong thái “cá mập” trong trận này. Ra đòn nào, thấm đòn đấy!

Vũ Minh Trường - NCS Tiến sĩ Lãnh Đạo Chiến Lược, ĐH James Madison