Tôi rủ bạn bè đặt suất chiếu ngay buổi đầu tiên tại AMC Theater, vì tò mò muốn xem “hiện tượng điện ảnh Việt” ra sao. Từ khi “Mai” ra rạp ở Việt Nam, các ý kiến từ khán giả Việt rất trái chiều. Rất khó để đọc được một review khách quan: những người ghét Trấn Thành sẽ nghiễm nhiên chê và chê rất cực đoan, còn những người khen thì lại tâng bốc lên trời, bị gán mác “seeding.” Dường như thị phi của anh này ảnh hưởng quá nhiều tới cách khán giả đón nhận bộ phim, khiến khó có thể hình thành một ý kiến trung lập về chất lượng tác phẩm.

Đã sống ở Mỹ được hơn 10 năm, tôi không quan tâm đủ để cảm thấy thích hay ghét Trấn Thành. Tôi biết anh này là một người làm nghệ thuật tại Việt Nam, khá nổi tiếng, có vẻ hay khóc, thi thoảng dính vài ồn ào, nhưng thế thì cũng như bao người khác, không có gì to tát lắm. Tôi không quen thuộc với các sản phẩm của Trấn Thành, nên bước vào rạp phim với tâm thế thoải mái, không mang thiên kiến gì để đón nhận tác phẩm một cách công tâm. Vì phim được phát hành tại Mỹ và nhiều nước khác, tôi tin Trấn Thành có mong muốn mang sản phẩm của anh vươn ra thế giới, không chỉ đóng khung trong thị trường Việt Nam. Do vậy, trong bài review này, tôi sẽ nêu cảm nhận về “Mai” theo chuẩn thế giới, dựa vào trải nghiệm làm việc trong ngành giải trí Mỹ trong nhiều năm vừa qua.

[Bài viết có tiết lộ nội dung phim.]

phim-mai-co-du-tam-de-vuon-ra-the-gioi-luyen-tu-duy-contents-nhat-dinh-phai-doc-bai-nay-1713519344.jpeg

I. DIỄN XUẤT

Tôi tin thành công của “Mai” phần nhiều được gánh bởi dàn diễn viên đều, đẹp, ổn. Hai diễn viên chính diễn tự nhiên như đời, điều quan trọng là có chemistry thấy rõ. Chính vì sự có duyên này nên câu chuyện tình yêu của Mai và Dương mới đáng tin. Phong cách diễn nhẹ nhàng, thi thoảng tinh nghịch của Phương Anh Đào gợi nhớ tới Tăng Thăng Hà của thời “Bỗng Dưng Muốn Khóc,” thoạt nhìn khán giả đã cảm mến, đây là một điểm cộng lớn. Tuấn Trần đối với tôi diễn còn hay hơn cả Phương Anh Đào: vừa thấy sự bất cần đời của một thằng playboy, vừa có sự chân thành của một kẻ si tình, lại nhen nhóm chút tội lỗi của một đứa con ăn bám. Trấn Thành trong vai phản diện tròn trịa nhất phim, từng lớp lang của sự độc ác được cởi bỏ dần dần chứ không bị vội vã, khiến khán giả có đủ thời gian để “cảm” nhân vật. NSND Việt Anh trong vai chú Út tuy không xuất hiện nhiều, nhưng mỗi lần xuất hiện là khiến người xem ấm lòng, tin rằng lòng tốt vẫn còn tồn tại trong xã hội. Bốn diễn viên này là điểm sáng của “Mai.”

Tuy nhiên, đây chỉ là nửa đầu bộ phim. Khi bi kịch ập tới, cả dàn diễn viên đi theo lối mòn của điện ảnh Việt là “kịch hoá” cảm xúc một các thái quá. Cuộc tranh cãi của Dương và mẹ biến thành một cuộc thi xem ai hét lớn hơn, run người hơn, trợn mắt to hơn. Đỉnh điểm là khi Dương trả lại thẻ ngân hàng và bà Đào vung tay ném thẻ xuống đất, rồi ôm đầu nheo mắt, nước mắt tuôn rơi. Đây là một chi tiết rất kịch và sến, đã thấy quá nhiều trên các phim truyền hình của VTV từ hơn 20 năm trước. Ở một phân đoạn khác, sau khi ba của Mai bị đòi nợ 500 triệu, Mai về nhà, đập tiền xuống bàn, gào thét vào mặt ba. Mai hoàn toàn có quyền uất ức, nhưng sự uất ức không nhất thiết phải được thể hiện bằng âm lượng - nhiều khi chỉ cần một ánh mắt, một cái nhếch mép, một cái nhíu mày, một hơi thở sâu. Cái đó gọi là “nuance” (tạm dịch là sự chuyển dịch rất nhẹ và tinh tế giữa nhiều sắc thái cảm xúc), điều cần có ở một diễn viên giỏi, mà các diễn viên trong phim “Mai” hoàn toàn không có. Họ hoặc là hạnh phúc thì cười nói rất vui vẻ, hoặc buồn bực thì gào thét và nhảy vào đấm đánh nhau, không được xây dựng một “lộ trình cảm xúc” đẩy lên từ từ để kết nối hai thái cực ấy. Điều này khiến nửa sau của phim xem hơi mệt. Diễn viên trên màn hình thì cảm xúc quằn quại, còn khán giả trong cùng rạp với tôi thì hoặc cười vì không thấu cảm nổi nhân vật, hoặc chán ngán nên mở TikTok lên để tự giải trí (họ dùng điện thoại không bị rạp nhắc vì phòng chiếu phim “Mai” chỉ có tầm 6 người đi xem.)

Khi nhìn ra điện ảnh thế giới trong năm vừa rồi, hãy xem cách Sandra Hüller diễn trong “Anatomy of a Fall.” Trong phân cảnh mâu thuẫn với chồng (tham khảo clip “You Are Not A Victim” từ bộ phim này trên YouTube), ban đầu Sandra thể hiện sự uất ức của một người vợ một cách bình tĩnh, như thể vẫn đang kiềm chế ở bên trong để tôn trọng chồng mình. Cô chỉ lên âm lượng ở một số từ ngữ cuối câu để tạo điểm nhấn chứ không gào thét suốt cảnh. Dần dần lớn tiếng, cô vẫn giữ những khoảng lặng ở giữa các câu để tạo nên sự cân bằng. Cô tinh tế đưa người xem tới đỉnh điểm của đoạn độc thoại này khi gào lên hai câu duy nhất, nhưng vẫn tiết chế trong ánh mắt và cơ mặt, giữ được sự tự tôn của bản thân. Đây chính là “lộ trình cảm xúc” (“emotional arc”) trong diễn xuất. Nếu mỗi cảm xúc riêng biệt là một toa tàu lẻ loi, thì “emotional arc” là một đoàn tàu có kết nối, “vận chuyển” khán giả từ cảm xúc này sang cảm xúc khác một cách tự nhiên, khiến họ thấu hiểu được tại sao nhân vật lại có những cảm xúc ấy. Các diễn viên trong phim “Mai” thiếu kỹ năng này. Họ đơn thuần chỉ bộc lộ cảm xúc trên bề mặt, không truyền tải được tại sao nhân vật của họ cảm thấy những “hỉ nộ ái ố” ấy từ bên trong.

II. KỊCH BẢN

Nhìn chung, ý tưởng của phim “Mai” không có gì mới lạ và độc đáo. Đây là một bộ phim tâm lý tình cảm đơn giản, dễ đoán, dễ xem, thoả mãn mục đích giải trí nhẹ nhàng của khán giả. Điểm cộng của kịch bản là ở những chi tiết hài hước thi thoảng được nêm nếm vào câu chuyện. Khi ba của Mai, lúc đang làm bảo vệ ở quán cà phê, đon đả mở cửa xe cho bà Đào, chỉ để bà ấy kêu “Đây là cửa tự động” tận hai lần, tôi đã bật cười trong rạp. Hay như câu khẩu hiệu của cuộc đời bà Đào, “Life’s too short,” mỗi lần vang lên là lại buồn cười, do nó ngắn, bắt tai, lại châm biếm tính sính ngoại của nhân vật. Thiết nghĩ, nếu Trấn Thành bỏ bớt drama, viết thêm các chi tiết hài nhẹ nhàng để xây dựng “Mai” thành một bộ phim thuần “rom com,” hoặc các chi tiết hài sâu cay để biến phim thành “dark comedy” theo kiểu châm biếm xã hội như văn Vũ Trọng Phụng, thì thật ra sẽ hay và độc đáo hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, đây lại là một bộ phim chính kịch, mà như vậy thì “Mai” lại có quá nhiều bất ổn trong kịch bản. Tính chất công việc cho phép tôi đọc và phân tích hàng trăm kịch bản điện ảnh và truyền hình trong nhiều năm vừa rồi. Câu hỏi đầu tiên tôi và đồng nghiệp đặt ra khi đọc kịch bản luôn luôn là: “Nhân vật chính muốn gì?” Ngay đầu phim, ta cần phải biết rõ họ muốn gì để còn đầu tư cảm xúc (“emotionally invest”) của mình vào chặng đường của họ, ủng hộ và cổ vũ họ đạt được mục tiêu của mình. Trong “Mai,” ta biết ngay từ 15 phút đầu là Dương muốn tán được Mai để thắng cược với bạn, hay từ lần đầu gặp nhân vật ông Hoàng của Trấn Thành, ta đã hiểu ông này cần tiền để trả nợ, thì ta chẳng biết Mai – nhân vật chính của phim – muốn gì. Mai chưa bao giờ tỏ ra quá túng thiếu, nên nói mưu sinh cũng không phải. Đúng là Mai cần trả nợ hộ ba, nhưng cô không thương ba tới mức biến đây thành mục đích sống. Bình Minh, con gái của Mai, thì có cuộc sống khá bình lặng, nên nói Mai cần tiền để nuôi con thì cũng chẳng thuyết phục lắm. Mai cũng thích yêu đấy, nhưng lại ngại yêu, vào phim tới gần hai tiếng mới nói được một câu, “Em muốn được yêu!” thì khán giả cũng chẳng hiểu tình yêu có phải mong muốn cao cả của cuộc đời cô hay không. Nếu như mục đích của Mai chỉ là sống và kiếm tiền từ ngày này qua ngày khác, không va vấp với hàng xóm, xã hội, thì điều gì khiến Mai khác biệt với hàng triệu người Việt Nam khác để xứng đáng có cả một bộ phim về cuộc đời mình? Câu trả lời là không. Mai không hề đặc biệt. Mai nhạt một cách đáng thương, nên xuyên suốt bộ phim tôi không quan tâm tới nhân vật này. Tôi quan tâm hơn tới Dương, ông Hoàng, bà Đào, chị Trinh, chú Út và hàng loạt nhân vật phụ khác (thậm chí cả bà hàng xóm có ông chồng ngoại tình), vì tất cả những nhân vật này đều có mục đích rõ ràng, khác hẳn với Mai.

Không cần nhìn các bộ phim quốc tế, Trấn Thành cũng có thể coi các bộ phim Việt Nam khác để tham khảo cách xây dựng nhân vật trung tâm. Trong “Áo Lụa Hà Đông” của đạo diễn Lưu Huỳnh, ta thấy nhân vật Dần (Trương Ngọc Ánh) tha thiết muốn thoát khỏi kiếp nô lệ, xây dựng một cuộc sống mới với chồng và đứa con vừa sinh. Trong “Đập Cánh Giữa Không Trung” của chị Nguyễn Hoàng Điệp, mục tiêu của Huyền (Thuỳ Anh) là giải quyết cái thai không mong muốn giữa sự đời chông chênh. Trong “Hot Boy Nổi Loạn và Câu Chuyện về Thằng Cười, Cô Gái Điếm và Con Vịt” (Vũ Ngọc Đãng), nhân vật Lam (Lương Mạnh Hải) và Khôi (Hồ Vĩnh Khoa) cố gắng vượt qua mọi rào cản kinh tế, xã hội để có được một tình yêu bình yên. Mỗi nhân vật này, đối diện với hoàn cảnh gian khó, đều quyết tâm đi theo một mục đích cao cả, là ngôi sao Bắc Đẩu dẫn dắt mạch truyện. Còn Mai, dù là tên phim luôn, thì lại chẳng có mục đích gì đủ mạnh mẽ và kịch liệt để khán giả quan tâm.

Đáng tiếc nhất, cái “twist” của bộ phim này của không được xử lý một cách văn minh. Ở đoạn flashback trong nửa cuối phim, ta biết được Mai đã bị xâm hại tình dục, có thai ngoài ý muốn và muốn tìm tới cái chết. Phim đưa chi tiết này vào để giải thích cho nỗi giận ba, sự sợ yêu, và nỗi buồn lay lắt của nhân vật. Hợp lý đấy, nhưng nếu chỉ có thế thì ai cũng làm được, không chỉ Trấn Thành. Cái tài của một đạo diễn giỏi, có góc nhìn riêng và độ nhạy cảm hơn người, là khai thác tâm lý nhân vật sau sự kiện chấn động ấy: Mai đã trải qua những cảm xúc gì? Cái nhìn của Mai về cơ thể mình đã thay đổi ra sao? Mai đối mặt với sự dè bỉu của xã hội phụ hệ thế nào? Mối quan hệ ba con của Mai với ông Hoàng đã dần rạn nứt ra sao? Mai có đau đáu sẽ phải giải thích cho Bình Minh về bố của nó như thế nào không? Tất cả những điều này chỉ được kể cẩu thả qua một đoạn “montage” trên nền nhạc rầu rĩ, chứ không được khai thác sâu, khiến tôi cảm thấy yếu tố xâm hại tình dục được đưa vào phim như để gây sốc, giải quyết mâu thuẫn một cách dễ dãi, thiếu trách nhiệm, chứ không phải để khán giả thấu hiểu Mai.

Hơn nữa, đã năm 2024 rồi, chúng ta có thể mong đợi một bộ phim Việt Nam không có đề tài hiếp dâm, làm đĩ nữa được không? Tôi chắc chắn đời sống của người Việt Nam rất đa dạng, phong phú, có hàng trăm hàng triệu những câu chuyện thú vị khác, cớ sao phim nào cũng có yếu tố tình dục, hiếp dâm? Bộ đàn ông Việt Nam chỉ nghĩ bằng dương vật và phụ nữ Việt Nam chỉ có cách làm gái để kiếm tiền? Nếu làm phim về tình dục thì hãy làm một cách văn minh và sâu sắc, nhìn qua những lăng kính mới, mang tới những chiêm nghiệm mới. Nếu chỉ đặt yếu tố đó vào kịch bản để làm một cú “twist” ú oà thì cũ và nhạt lắm rồi, có ra mắt ở 200 rạp phim trên thế giới thì cũng không nâng nền trí thức Việt đi lên được mấy centimet đâu.

III. KỸ THUẬT

Đối với tôi, kỹ thuật quay và dựng phim là điểm mất kết nối nhất của “Mai.”

Về quay, đạo diễn lạm dụng các cảnh quay vòng tròn, nghiêng ngả, ngay từ cảnh đầu tiên đi theo nhân vật Mai lên chung cư đã quay vòng vòng từ trên trời xuống đất. Lựa chọn những góc máy này mang tính “chiêu trò” và “tỏ ra biết kỹ thuật” là chủ yếu, chứ không có dụng ý gì trong việc kể chuyện. Trong điện ảnh, mỗi chuyển động camera đều phải liên kết với cảm xúc của nhân vật. Tôi nghĩ Trấn Thành lựa chọn sự quay cuồng trong chuyển động máy này để ẩn ý cuộc đời của Mai cũng chông chênh, quay cuồng; tuy nhiên, khi ta chưa biết gì về nhân vật này (đây mới là cảnh đầu tiên), thì khán giả sẽ chỉ thấy chóng mặt chứ không kết nối được kỹ thuật quay với ý nghĩa đằng sau nó.

Một dự án tôi đã từng tham gia là phim truyền hình “Euphoria” của HBO. Phần một của “Euphoria” cũng có một phân cảnh mà camera lẫn bối cảnh đều quay vòng tròn khi nhân vật di chuyển (tham khảo clip “Rotating Room Scene” từ phim này trên YouTube). Đạo diễn Sam Levinson giải thích cho máy quay quay tròn là vì nhân vật chính Rue (Zendaya) đang say thuốc trong một bữa tiệc và bị mất phương hướng cũng như mất năng lực giao tiếp xã hội, vì thế lựa chọn chuyển động máy là có chủ tâm, có tính toán, có dụng ý. Nhìn lại “Mai,” có rất nhiều cảnh quay nghiêng ngả, góc máy lạ lạ, trên bề mặt cũng xịn xò đấy, nhưng lại không có ý nghĩa mấy ngoại trừ việc khoe là mình có cái cần cẩu cho camera. Các nhà làm phim Việt Nam cần ngừng tự ti về khả năng làm phim của mình, để bỏ đi cái áp lực phải “show off” kỹ năng như thế này. Hãy làm ơn tập trung vào câu chuyện.

Về dựng, Mai pha trộn quá nhiều thể loại, khiến phần giữa bộ phim bị loãng. Đang là một bộ phim tình cảm tâm lý, tự dưng lại có một đoạn kinh dị doạ ma như “Paranormal Activity,” sau đó lại có một cảnh hành động dùng slow-motion như “Mission: Impossible,” rồi lại có một cảnh ca nhạc giông giống mấy bộ phim musical như “La La Land.” Tôi không hiểu dụng ý của đạo diễn là gì khi pha trộn các thể loại khác nhau như vậy, nhưng có thể kết luận là phương pháp này không hiệu quả. Khán giả sẽ bị rối loạn cảm xúc, vì một khi khán giả đã sợ, do đoạn kinh dị khá vô duyên ở trung tâm massage, thì sẽ “đề phòng” với trái tim của mình hơn, khó cởi mở cảm xúc để đón nhận những điều nhẹ nhàng, sâu lắng diễn ra ở cuối phim.

“Mai” cũng không đủ câu chuyện và chẳng đủ sâu sắc để kể trong thời lượng 2 tiếng 11 phút, vì vậy có khá nhiều cảnh lề mề, quá dài, cắt đi cũng không ảnh hưởng tới phim. Đơn cử là cảnh nóng của Mai và Dương. Nghe nói đoàn làm phim quay cảnh này tận 4 ngày mà tôi thấy thật phí thời gian tiền của, vì lên phim rất thừa thãi. Cái thú vị nhất của đoạn này trong cậu truyện là khi Mai rụt rè phô ra cơ thể của mình vì cô đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục, nhưng vì tình yêu dành cho Dương, cô đã dũng cảm vượt qua nỗi tủi hờn để vừa trân trọng anh, vừa trân trọng mình nhiều hơn. Thay vì khai thác những chuyển biến trong cảm xúc của Mai, đạo diễn lại tập trung quay slow motion các đoạn da thịt, khiến tình yêu của hai nhân vật chính mang tính “khoa trương” nhiều hơn là “chữa lành.” Một cảnh khác là khi toàn bộ các nhân vật gặp nhau ở nhà bà Đào, rồi bà dùng cái học bổng Thuỵ Sĩ để van xin Mai hãy chia tay Dương, trận cãi nhau dài dòng không thấy tính điện ảnh đâu mà chỉ thấy tính kịch và truyền hình. Bao nhiêu cảnh slow-motion bà Đào quằn quại, đau đầu, khóc lóc, rồi mãi mới ngất lịm trong tay Má Mi, làm người xem mệt mỏi, mất kiên nhẫn. Cảnh này là đặc trưng của kiểu phim drama gia đình, giống kiểu “Cô Dâu Tám Tuổi,” phù hợp với phim bộ trên TV hơn là một phim điện ảnh chiếu ngoài rạp.

Điểm yếu nhất của hậu kỳ phim là nhạc. Thật sự để sản phẩm của mình tiệm cận với thế giới, tôi nghĩ Trấn Thành nên một, hợp tác với những nhà sản xuất âm nhạc có tư duy hiện đại và văn minh hơn, và hai, sử dụng bớt âm nhạc để tạo nên khoảng lặng cho nhân vật. Không phải diễn xuất, không phải góc quay, mà chính âm nhạc là thứ phá hỏng đường dây cảm xúc của “Mai.” Nhạc của “Mai” rất sến. Những đoạn buồn thì dùng quá nhiều nhạc mang tính giao hưởng, nghe kịch hơn đời thật. Những đoạn vui tươi, tình yêu ngập tràn thì dùng quá nhiều lời bài hát để định hướng khán giả, thay vì vận dụng diễn xuất của nhân vật. Có những cảnh nhân vật đang “process” cảm xúc, cần không gian yên tĩnh để “mời” khán giả vào nội tâm của họ, thì tự dưng lại có violin vang lên giữa cảnh, hơi sai thời điểm, sến sẩm và vô duyên.

Nhìn chung, phong cách quay và dựng của phim “Mai” giống phong cách của một music video hơn một bộ phim điện ảnh. Đoạn camera đi sâu vào mắt của Mai để chiếu flashback về quá khứ không khác mấy so với video “Past Life” của Trevor Daniel và Selena Gomez, còn đoạn nhân vật này bị đẩy xuống hố sâu trong tâm tưởng thì giống “Look What You Made Me Do” của Taylor Swift. Ngôn ngữ của một tác phẩm dạng dài (“long-form”), tức phim điện ảnh, truyền hình, có nhiều điểm khác biệt với ngôn ngữ của một tác phẩm dạng ngắn (“short-form”), như music video, trailer, phim ngắn. Với dạng ngắn, ta có thể sử dụng nhiều chiêu trò trong việc quay dựng, cắt ghép để tạo điểm nhấn, vì ta chỉ có 3-4 phút để gây ấn tượng với khán giả. Với dạng dài, khi ta đã có 120 phút của khán giả trong rạp chiếu phim, ta nên từ từ, nhẹ nhàng, tập trung phát triển câu chuyện, phát triển nhân vật, trước khi tăng thêm gia vị bằng cách thả vào một vài chiêu trò “cool cool” trong việc cắt dựng, nhưng không thể lạm dụng vì sẽ làm lu mờ câu chuyện. Trấn Thành mắc lỗi này đối với phim “Mai.” Anh quá tập trung “thể hiện” mình biết quay phim nhiều góc, biết dựng phim, chuyển cảnh một cách thú vị, mà quên đi rằng mỗi lựa chọn kỹ thuật phải bắt rễ từ nhu cầu của câu chuyện, chứ không phải cho vào cho “cool.” Câu chuyện của “Mai” không đủ thú vị để biện minh cho những lựa chọn này.

IV. KẾT LUẬN

“Mai” lập kỷ lục phòng vé Việt không phải không có lý do. Phải công nhận Trấn Thành hiểu thị hiếu khán giả Việt, do vậy biết cách viết lời thoại hài hước, khiến người xem bật cười, xây dựng một câu chuyện không quá phức tạp, dễ tiêu hoá để tiếp cận được với mọi tầng lớp khán giả. Đây là cái tài của Trấn Thành, không thể vì thị phi mà phủ nhận. Chất lượng hình ảnh cũng ổn hơn nhiều phim Việt Nam trước đây, và dàn diễn viên diễn tự nhiên là điểm cộng lớn của phim. Khán giả cảm mến được nhân vật đã là một xuất phát tốt.

Tuy nhiên, xét về cả kịch bản lẫn kỹ thuật, “Mai” hoàn toàn không có gì đặc sắc, không có chất riêng. Đề tài đồng tiền và tình yêu không mới lạ chút nào với điện ảnh Việt, càng không đối với thế giới. Tình cảm của hai nhân vật cũng không có gì sâu sắc, có vẻ giống sự tình cờ hơn là một kết nối mang tính định mệnh. Nói chung là hoan nghênh tinh thần làm phim của Trấn Thành, nhưng “Mai” chưa đủ để “ra thế giới.” Khán giả đi xem phim sẽ đa phần là người Việt ở nước ngoài và người yêu ngoại quốc của họ. Khán giả Việt sẽ cười và “cảm” đôi chút, chứ các đối tượng từ các nền văn hoá khác sẽ thấy “Mai” nhạt và phí thời gian.

Không thể dùng doanh thu ở Việt Nam để nói đây là một bộ phim xuất sắc được. Nên nhớ doanh thu phản ánh thị hiếu của khán giả nhiều hơn phản ảnh tài năng của nhà làm phim.

Nguồn từ FB Nguyễn Siêu