nha-thuoc-pharmacity-tai-so-1-lien-ke-1-van-la-van-phu-ha-dong-ha-noi-se-khai-truong-vao-ngay-1010-1633925426.jpg
 

Ngoài ra, mục tiêu tới năm 2025 của công ty là có khoảng 5,000 cửa hàng khắp cả nước, cho phép 50% dân số di chuyển đến nhà thuốc Pharmacity trong khoảng 10 phút.

“Mục tiêu này luôn gắn liền với tầm nhìn đưa Pharmacity là chuỗi nhà thuốc tiện lợi nhất, nơi mỗi người dân Việt Nam trao trọn niềm tin và sức khoẻ,” ông Chris Blank, nhà sáng lập kiêm chủ tịch, tổng giám đốc Pharmacity. “Đặc biệt, trong giai đoạn đại dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay, việc cung ứng các sản phẩm thuốc và chăm sóc sức khoẻ đảm bảo về chất lượng với giá cả bình ổn, cùng dịch vụ chuyên nghiệp của đội ngũ Dược sĩ của Pharmacity, sẽ góp phần bảo vệ và chăm sóc sức khỏe của người dân và cộng đồng địa phương”.

Trước tác động của dịch bệnh, Pharmacity cũng không thể tránh khỏi ảnh hưởng. Cụ thể, năm ngoái công ty này đặt ra mục tiêu sẽ mở khoảng 1.000 nhà thuốc khắp cả nước năm 2021. Tuy nhiên đến nay, số lượng này chỉ đạt 643 cửa hàng. Điều này có nghĩa là từ giờ đến cuối năm trung bình mỗi ngày Pharmacity phải mở thêm 4 cửa hàng để hoàn thành mục tiêu.

Ngoài ra, năm 2020 cũng là một năm không may mắn của doanh nghiệp dược ngoại với mức lỗ gần 194 tỷ đồng suốt nửa đầu năm ngoái, tăng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước áp lực nguồn kinh phí để mở cửa hàng, Pharmacity vốn đã thực hiện tăng vốn sở hữu thêm 408 tỷ đồng vào giữa năm 2020, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/ vốn chủ sở hữu đã giảm từ 1,2 xuống còn 0,48 tại thời điểm đó.

Tương tự như các ngành mới nổi như thương mại điện tử, ví điện tử, hay fintech, bán lẻ dược phẩm tại Việt Nam đến nay vẫn đang gánh lỗ. Dù vậy, nó vẫn là mảnh đất béo bở cho các tay chơi dược bởi đến nay vẫn chưa có doanh nghiệp tư nhân nào chiếm thị phần đáng kể trong mảng bán lẻ dược. Chiếm đa số thị phần là các nhà thuốc nhỏ lẻ tự mở dựa vào lợi thế “nhà mặt phố.”

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dược Việt Nam, thị trường bán lẻ dược phẩm hiện có 2 kênh chính là bệnh viện và hệ thống nhà thuốc OTC (Over The Counter - bán thuốc không cần toa của bác sĩ).

Trong đó, mảng bệnh viện chiếm 68% doanh số bán lẻ dược phẩm, còn lại là doanh số của khoảng gần 60.000 nhà thuốc tư nhân trên cả nước.

Đối thủ của Pharmacity là chuỗi nhà thuốc Long Châu thuộc FPT Retail cũng trong hoàn cảnh tương tự. Nửa đầu năm 2020, lợi nhuận của FPT Retail giảm đến 90% (âm 142 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019. Theo đó, việc liên tục mở rộng chuỗi cửa hàng là một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm này. Đến nay Long Châu có 135 cửa hàng.

"Do FPT Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng chuỗi dẫn đến chi phí tăng", ông Hoàng Trung Kiên (tổng giám đốc FPT Retail) thay mặt đơn vị giải trình kết quả kinh doanh.

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, việc chạy đua mở cửa hàng vẫn sẽ tiếp tục giữa các doanh nghiệp dược bán lẻ bởi “nhu cầu chi cho sức khoẻ của người dân có xu hướng tăng.”

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu và tư vấn Ken Research, tốc độ lão hóa dân số tại Việt Nam đang gia tăng và tuổi trung bình sẽ đạt 42,1 tuổi vào năm 2050. Như vậy, chi tiêu cho dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe sẽ ngày càng phình ra. Với tốc độ tăng trung bình hơn 14%/năm trong thập niên vừa qua, hiện giá trị thị trường này ở Việt Nam khoảng 7,5 tỷ đô la Mỹ, nhưng mảng bán lẻ chỉ chiếm 30% (tỷ lệ này ở Brazil là 64%, ở Philippines là 80%).