duoc-ntog-1630064690.jpg
Ảnh minh họa

Nhiều cổ phiếu tăng gấp đôi trong 3 tháng

Cổ phiếu ngành dược ‘’nổi sóng’’ trong phiên giao dịch 27/8 với hàng loạt mã tăng mạnh như DP1 của Dược Trung Ương CPC1 (+15%), DDN của Dược - Thiết bị Y tế Đà Nẵng (+14,87%), CDP của Dược phẩm Trung ương Codupha (+10,29%), PBC của Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco (+9,42%), DMC của Domesco (+6,98%), DHG của Dược Hậu Giang (+6,95%), DBT của Dược Bến Tre (+6,93%), VMD của Dược phẩm Vimedimex Bình Dương (mã +6,98%),...

Cổ phiếu ngành dược bật tăng sau thông tin Công ty Donacoop ở Đồng Nai cho biết đã thỏa thuận xong với hãng Pfizer để nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vắc xin phòng COVID-19. Phía đối tác cũng đã chuẩn bị đủ lượng vắc xin để cung ứng cho Donacoop.

Hiện Công ty Donacoop đang đợi Bộ Y tế hoàn thành thủ tục hồ sơ cho đơn vị để có thể nhập số vắc xin trên về Việt Nam. Nếu thủ tục hoàn thành sớm và có sẵn kho, tủ bảo quản trong đầu tháng 9/2021, vắc xin phòng COVID-19 sẽ được nhập về phân bổ cho Đồng Nai và các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ.

Được xếp vào nhóm phòng thủ, các cổ phiếu dược thường ít được quan tâm trong giai đoạn thị trường tăng trưởng. Tuy nhiên, nhà đầu tư bắt đầu quan tâm tới ngành này khi đại dịch COVID-19 bùng phát tạo ra nhiều thông tin hỗ trợ đối với ngành dược, đặc biệt liên quan đến xắc xin. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến thị trường chung biến động, thúc đẩy nhà đầu tư tìm đến cổ phiếu ngành này như một phương án phòng thủ rủi ro.

Vào đầu tháng 6, Bộ Y tế công bố danh sách 36 đơn vị được cấp giấy phép chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phạm vi nhập khẩu xắc xin, kinh doanh dịch vụ bảo quản xắc xin. Trong danh sách này có một số doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn như Công ty CP Dược phẩm Bến Tre (DBT  -HOSE); Công ty CP Dược phẩm Trung ương CPC1 (DP1 - UPCoM); Công ty CP Dược- Thiết bị Y tế Đà Nẵng (DDN - UPCoM); Dược phẩm Vimedimex Bình Dương (VMD - HOSE); Dược phẩm Trung ương Codupha (CDP - UPCoM); Xuất nhập khẩu Y tế TP HCM ( YTC - UPCoM). Một số công ty thuộc Tổng công ty Dược Việt Nam (DVN - UPCoM) như Dược liệu Trung ương 2, Xuất nhập khẩu y tế Việt Nam…

Phản ứng với thông tin trên, cổ phiếu những công ty này đồng loạt tím lịm trong những phiên giao dịch sau đó. Tính chung trong vòng 3 tháng qua, nhiều cổ phiếu nhóm này đã tăng hàng chục, hàng trăm % như VMD (+156%), CDP (+155%), DDN (+92%), DP1 (+72%), DVN (+52%)…

Ngược lại, cổ phiếu những doanh nghiệp đầu ngành niêm yết tại HOSE như Dược Hậu Giang (mã DHG), Domesco (mã DMC), Pymepharco (mã PME), Dược phẩm OPC (mã OPC), Imexpharm (mã IMP) lại gần như đi ngang hoặc thậm chí giảm giá trong những tháng qua. Cổ phiếu nhóm này chỉ mới bắt đầu bật tăng trong một vài phiên giao dịch gần đây.

z2715408967087-9cf44721f1be76775f8efce42e725dde-1630064569.jpg
Diễn biến một số cổ phiếu dược trong 3 tháng qua. (Nguồn: Tradingview)

Lợi nhuận ngành dược phân hóa

Theo kết quả khảo sát của Vietnam Report cuối năm ngoái, không phải doanh nghiệp dược và vật tư y tế nào cũng được hưởng lợi nhờ COVID-19. Thay vào đó, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp dược sẽ tương đối phân hóa trong bối cảnh dịch bệnh.

Thực tế, kết quả kinh doanh nửa đầu năm cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ giữ các của các doanh nghiệp dược phẩm.
Các công ty đầu ngành như Dược Hậu Giang, Traphaco tiếp tục duy trì mức tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ. Đặc biệt, Công ty Dược phẩm Trung ương I - Pharbaco đã vượt 1,7 lần kế hoạch lợi nhuận năm chỉ sau hai quý.
Ngược lại, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp dược vừa và nhỏ lại đi xuống rõ rệt. 

Trong nửa đầu năm, doanh thu Dược Hà Tây (mã DHT) đạt hơn 838 tỷ đồng, giảm 8,4% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận sau thuế giảm hơn 20% so với nửa đầu năm ngoái xuống còn gần 42 tỷ đồng

Hai quý vừa qua, Dược Bến Tre ghi nhận doanh thu 304 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4 tỷ đồng, tương ứng giảm 18% và 47% so với nửa đầu năm ngoái. Như vậy, công ty mới chỉ thực hiện 33% kế hoạch doanh thu và 21% mục tiêu lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm.

Tương tự, lợi nhuận Dược Trung ương Mediplantex và Dược phẩm Trung ương 3 cũng giảm lần lượt 30% và 13% so với cùng kỳ.

Đánh giá về triển vọng ngành dược năm 2021, Chứng khoán Phú Hưng cho rằng phụ thuộc vào diễn biến của dịch Covid 19. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh, làm suy giảm nhu cầu khám bệnh của người dân, tác động đến doanh thu kênh ETC (kênh đấu thầu tại sở và bệnh viện). Do đó, sự phục hồi của kênh ETC trong năm 2021 phụ thuộc lớn vào tình hình kiểm soát dịch của Việt Nam trong năm nay

Năm 2021, kênh ETC có thể sẽ không tăng trưởng đột biến như dự báo trước đây do tâm lý sợ lây nhiễm từ bệnh viện. Điều đó sẽ góp phần làm cho kênh OTC (bán hàng qua hiệu thuốc) phát triển. Mặt khác giá thuốc OTC không bị ràng buộc về luật đấu thầu nên sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp Dược cạnh tranh, cải tiến R&D và đa dạng hóa chủng loại sản phẩm.