Ngày 25/8, Chính phủ đã có văn bản số 5899/VPCP-KGVX về việc tạo điều kiện hỗ trợ DonaCoop nhập khẩu vaccines phòng Covid-19 của hàng Pfizer.

Trước đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã có văn bản số 9917/UBND-KGVX đề nghị Chính phủ xem xét, tạo điều kiện hỗ trợ DonaCoop nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 của hàng Pfizer. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có ý kiến giao Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long quán triệt thông báo việc khuyến khích các địa phương, tổ chức tìm mua vaccine phòng Covid-19. Bộ Y tế quản lý việc cấp phép, kiểm tra chất lượng, bảo quản vaccine, tổ chức tiêm miễn phí cho người dân.

Ngày 26/8, Tổng giám đốc DonaCoop - Bùi Thanh Trúc cho biết, DonaCoop đã thỏa thuận xong với hãng Pfizer sẽ nhập khẩu khoảng 15 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Bên phía đối tác cũng đã chuẩn bị đủ lượng vaccine để cung ứng cho DonaCoop.

Hiện tại, DonaCoop chỉ đợi Bộ Y tế hoàn thành thủ tục hồ sơ cho đơn vị trong 10 ngày có thể nhập số vaccine trên về Việt Nam. Tuy nhiên, vaccine của hãng Pfizer đòi hỏi bảo quản khá nghiêm ngặt ở nhiệt độ khoảng -600C, đồng thời người được tiêm phòng phải đảm bảo mũi 2 cách nhau 3 tuần.

 Nếu thủ tục hoàn thành sớm và có sẵn kho, tủ bảo quản trong đầu tháng 9-2021, vaccine phòng Covid-19 sẽ được nhập về phân bổ cho Đồng Nai và các tỉnh, thành khu vực Đông Nam bộ.

Nếu DonaCoop phải trả hết tiền 1 lần, với giá trung bình khoảng 20USD/liều, họ sẽ phải chi ra 300 triệu đô, gần 7.000 tỷ đồng để nhập 15 triệu liều Pfizer, chưa kể chi phí vận chuyển bảo quản. Quá khủng! Vậy DonaCoop là ai?

Khi nghe thông tin này, hẳn nhiều người đoán DonaCoop là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược phẩm hoặc ít nhất là y tế, thì mới có thể quen với thị trường và biết đường đi nước bước để thành công thuyết phục Pfizer bán vaccines cho mình; tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, thì ngược lại.

Ban đầu, DonaCoop là liên doanh của 9 HTX thuộc nhiều ngành nghề khác nhau ở tỉnh Đồng Nai

Theo website của doanh nghiệp này, thì họ được thành lập ngày 20/10/2005 từ việc liên kết 9 hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Cụ thể: là HTX dịch vụ nông nghiệp Long Hưng, HTX đóng tàu xà lan Nhơn Trạch, HTX thủ công mỹ nghệ Hố Nai, HTX cung ứng và sản xuất vật liệu xây dựng Phước Tân, HTX tiểu thủ công nghiệp Đại Nam, HTX thương mại dịch vụ Hưng Phước, HTX dịch vụ nông nghiệp Nam Sơn Tùng, HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Thành Công, HTX dịch vụ thương mại Tâm An.

Ông Bùi Thanh Trúc, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DonaCoop cho biết, trước khi thành lập liên minh, các HTX này vẫn chỉ hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, không đủ sức cạnh tranh và thực hiện những dự án lớn.

donacoop1-1629992208.jpg
Ông Bùi Thanh Trúc - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc DonaCoop

Trước nhu cầu bức thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh trong tiến trình hội nhập, chúng tôi quyết định liên kết với nhau nhằm tạo nguồn vốn, nhân lực và cơ sở hạ tầng để thực hiện những dự án lớn hơn, nâng cao tầm vóc, năng lực cạnh tranh cho từng thành viên”, ông Trúc hồi tưởng.

Lúc đầu, DonaCoop được thành lập với sứ mệnh là các HTX trong tỉnh liên kết cùng hợp tác, cùng phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, thủ công mỹ nghệ, đô thị và dịch vụ nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Đồng thời, thu hút được nhiều nguồn lực trong và ngoài nước tham gia phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo thời gian, bất động sản mới là ‘chân ái’

Tuy nhiên, qua thời gian, với sự thay đổi của thời cuộc và tiềm năng vô tận của mảng bất động sản, DonaCoop dần xa rời các lĩnh vực kinh doanh ban đầu và chuyển hẳn sang mảng bất động sản – xây dựng hạ tầng cơ sở.

Theo đó, họ đã nắm bắt thời cơ và lợi thế nhiều mặt của tỉnh Đồng Nai về vị trí chiến lược, tài nguyên đất đai nhiều nơi còn chưa được quy hoạch và sử dụng ít hiệu quả, DonaCoop đã tập trung hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề với việc mạnh dạn đề xuất và được tỉnh giao thực hiện phát triển nhiều dự án có tính chất trọng điểm - quy mô.

Trong đó, dự án Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng được coi là dự án trọng điểm của doanh nghiệp này và cả tỉnh Đồng Nai.

Trước đây, Long Hưng là một xã thuần nông nghèo nhất của huyện Long Thành, hạ tầng kém phát triển, đất đai nhiễm mặn dẫn đến sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả nên phần lớn người dân bỏ sản xuất, chuyển nhượng đất đai cho những người ngoài địa phương theo hình thức mua đi bán lại.

Khi đó, Liên hiệp HTX mạnh dạn đề xuất Nhà nước cho phép được bỏ vốn thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch 1/500 theo hướng chuyển vùng đất này trở thành một khu đô thị, thương mại, dịch vụ du lịch với các công trình hạ tầng điện nước, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại… để người dân nơi đây thực sự được ‘đổi đời’”, Tổng Giám đốc DonaCoop nhận định.

long-hung-1629992208.jpg
Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng mang lại nhiều tai tiếng cho DonaCoop.

Mạnh miệng là thế, song dự án Long Hưng cũng mang lại không ít điều tiếng cho DonaCoop. Trong một bài trên báo SGGP vào tháng 12/2020, đã thông tin rằng: Dự án Khu đô thị mở Long Hưng (KĐT Long Hưng) đã kéo dài 13 năm, làm hàng trăm hộ gia đình lâm vào cảnh khốn đốn, vẫn còn gần 1.700 hộ trong diện phải bồi thường, giải phóng mặt bằng (giai đoạn 2).

Do những thiếu sót ngay từ đầu nên dự án không nhận được sự đồng thuận của đại đa số người dân. Suốt hơn 10 năm nay, người dân vẫn kiên trì khiếu nại, tố cáo và vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo điều chỉnh diện tích phải thu hồi của dự án.

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh, năm 2008, DonaCoop đã hợp tác với Tập đoàn Keppel và Công ty cổ phần An Phú Long thành lập Công ty liên doanh phát triển đô thị Waterfront với số vốn đăng ký ban đầu lên tới 750 triệu USD.

Song song đó, DonaCoop cùng với VinaCapital và Công ty cổ phần An Phú Long thành lập Công ty liên doanh phát triển bất động sản AquaCity với số vốn ban đầu là 550 triệu USD. Các dự án này, phía nước ngoài góp 50% vốn, DonaCoop 30% và An Phú Long 20% vốn.

Tháng 3/2017, công ty AquaCity thực hiện chia tách. DonaCoop rút toàn bộ vốn và thành lập pháp nhân mới là công ty TNHH Thành phố Aqua Dona. Nhóm cổ đông VinaCapital nhờ vậy sở hữu 100% vốn của AquaCity. Đi kèm với chia tách doanh nghiệp, dự án 305ha cũng được phân làm hai: Nhóm VinaCapital thực hiện dự án AquaCity rộng 110,5ha, DonaCoop triển khai dự án Aqua Dona với phần diện tích còn lại.

Ngoài ra, DonaCoop cũng đang triển khai các dự án lớn khác như: Long Thành Plaza – dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, căn hộ tại thị trấn Long Thành có quy mô 21 tầng, diện tích sàn xây dựng 110.000m2: dự án hạ tầng nhà ở xã hội tại xã Tam Phước quy mô 45 ha phục vụ các chủ đầu tư tại các KCN; dự án đầu tư khu sản xuất vật liệu gạch ngói không nung bằng nguyên liệu đá phong hóa tại xã Phước Tân với quy mô 9 ha, công suất dự kiến 450 triệu viên/năm…

DonaCoop cũng chủ trương hình thành HTX vận tải phục vụ san lấp mặt bằng, thi công cầu đường tại các dự án của đơn vị và liên doanh. Đồng thời, vận động nhân dân có đất bị thu hồi tham gia đầu tư vào HTX. Những hộ dân làm việc trong HTX sẽ có việc làm ổn định, được chia lợi nhuận hằng tháng, hằng năm từ việc tham gia góp vốn theo hình thức chuyển đổi thu nhập.

screen-shot-2021-08-26-at-102137-pm-1629992208.png
Các dự án xây dựng hạ tầng và phát triển bất động sản tiêu biểu của DonaCoop.

Các dự án đã hoàn tất và đang trong quá trình xây dựng của DonaCoop: Dự án Trung tâm Đào tạo – dạy nghề xã An Hòa, dự án đường từ Quốc lộ 51 đến cầu An Hòa, dự án đường Long Hưng – Phước Tân, khu đô thị cù lao Phước Hưng, dự án Waterfront City, dự án Aqua City, khu đô thị Long Hưng và Long Thành Plaza.

Và như nhiều công ty bất động sản khác, DonaCoop cũng hay xây dựng hạ tầng cho Nhà nước nhằm đổi các khu đất sạch. Vì vậy, mới có tranh chấp vô cùng kỳ lạ giữa họ là công ty Cường Hưng giữa năm 2020: DonaCoop kiện Cường Hưng - Đỗ Tịnh làm đại diện pháp luật, ra tòa vì đã vi phạm hợp đồng kinh doanh giữa 2 bên.

Theo nội dung đơn kiện: vào tháng 11/2010, Công ty TNHH Cường Hưng và DonaCoop ký hợp đồng với nội dung hợp tác đầu tư thực hiện dự án Khu dân cư thương mại - dịch vụ với diện tích gần 92 ha ở P.Phước Tân (TP.Biên Hòa). Theo thỏa thuận, DonaCoop sẽ thực hiện thi công hạ tầng giao thông, lo các khâu đền bù giải tỏa, làm đường, xây cầu, san lấp mặt bằng… DonaCoop hưởng lợi nhuận khoán 200 ngàn đồng/m trong phần việc của mình.

Thời điểm này, bà Phan Thị Mỹ Thanh - vợ ông Tịnh - đang làm TVTU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai phụ trách khối đầu tư xây dựng và công nghiệp; kiêm Chủ tịch - Giám đốc Cường Hưng. Lúc này, hai bên đã cùng thương thảo, chuyển hợp đồng hợp tác kinh doanh có lợi nhuận thành “hợp đồng hỗ trợ vốn” không tính lãi.

Theo đó, từ giữa năm 2011 đến đầu 2012, phía Donacoop đã “hỗ trợ cho Cường Hưng hơn 260 tỷ đồng, đổi lại họ được hứa hẹn sẽ nhận lại bằng “đất sạch” khi hoàn thiện các tuyến đường chính và được san lấp đủ cốt nền với giá hơn 1,3 triệu đồng/m2 từ Cường Hưng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2014, Cường Hưng đã không giao đất cho DonaCoop như cam kết.

Vì vậy DonaCoop khởi kiện Cường Hưng ra tòa và yêu cầu phải trả hơn 811 tỷ đồng (gồm nợ gốc hơn 260 tỷ đồng và lãi hơn 550 tỷ đồng).

Trước đó, năm 2014, bà Phan Thị Mỹ Thanh được bổ nhiệm chức Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Năm 2017, bà Thanh bị Trung ương kỷ luật, cách hết các chức vụ, cho thôi đại biểu Quốc hội vì hàng loạt vi phạm nghiêm trọng.

Lấn sân về các tỉnh miền Tây

ben-tre-1629992208.jpg
DonaCoop đang có ý định về đầu tư tại tỉnh Bến Tre.

Sau hơn 10 năm tung hoành ở Đồng Nai, DonaCoop đang dần vươn vòi về các tỉnh miền Tây, ví dụ như Bến Tre. Vào tháng 10/2020, họ đã mời Công ty tư vấn Rogal Haskining DHV đến quy hoạch đô thị - cảng biển nước sâu Bến Tre.

Dự kiến, đề án phát triển khoảng 20.000ha khu công nghiệp, tương đương khoảng 25% diện tích khu công nghiệp hiện hữu ở Việt Nam. Quy hoạch lấn biển tỉnh vận chuyên bùn cát dọc bờ, mục tiêu sơ bộ ban đầu xây dựng 20.000ha làm khu công nghiệp, cảng nước sâu có chiều dài bến khoảng 9km, 20.000ha khu đô thị và nghỉ dưỡng.

Công ty Tư vấn Rogal Haskining DHV đề xuất 3 phương án thực hiện đề án. Cụ thể, các phương án: vị trí gần bờ - cảng và khu công nghiệp ở phía Nam; vị trí xa bờ - cảng và khu công nghiệp ở phía Nam; vị trí gần bờ - cảng và khu công nghiệp ở phía Bắc.

Còn DonaCoop thống nhất về việc hỗ trợ kinh phí lập đề án và đầu tư vào địa bàn tỉnh cũng như triển khai các công việc liên quan. Cùng thời gian, bộ phận chuyên môn của Tập đoàn DonaCoop đã khảo sát sơ bộ cảng nước sâu và các vị trí đề xuất khu đô thị lấn biển tại tỉnh.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng vừa ủng hộ 200 tấn gạo và 2600 thùng mì gói trị giá 3 tỷ đồng cho Trung tâm hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19.