Nhà lãnh đạo gắn bó 23 năm với Vietcombank
Ông Phạm Thanh Hà sinh ngày 11/11/1973, quê quán tại huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1994 chàng thanh niên Phạm Thanh Hà vào làm việc tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, với chức danh cán bộ Phòng Thẩm định Đầu tư và Chứng khoán. 5 năm sau, ông tạm gác lại công việc để theo đuổi tấm bằng Thạc sỹ tại Đại học George Washington - Hoa Kỳ.
Trở về Vietcombank sau thời gian học tập tại nước ngoài, cùng với kinh nghiệm sẵn có, ông Hà ngay lập tức thể hiện được năng lực trong công việc. Thời gian này, ông được lãnh đạo tín nhiệm, liên tiếp thăng chức từ Phó Trưởng Phòng lên Trưởng phòng Quản lý các đề án công nghệ và tiếp quản trong 2 năm (5/2003 – 5/2005).
Giai đoạn 6/2005 – 6/2009, ông là Trưởng Phòng Kinh doanh Ngoại tệ của Vietcombank. Với những thành tích xuất sắc đạt được trong công việc, được sự tin tưởng từ lãnh đạo và ủng hộ của các cấp nhân viên, từ tháng 8/2010, ông vinh dự được bầu làm Phó Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và nắm giữ chức vụ trong 7 năm (2010 – 2017).
Năm 2017, khi 44 tuổi, ông Phạm Thanh Hà tiếp nhận và bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước nhiệm kỳ 5 năm. Đồng thời ông cũng từ nhiệm khỏi vị trí Phó TGĐ Viecombank, đánh dấu quãng thời gian 23 năm cống hiến cho doanh nghiệp. Ông Hà đã luôn thể hiện được những phẩm chất ưu tú của nhà lãnh đạo, đi cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn và phát triển thành 1 trong 4 ngân hàng lớn nhất Viêt Nam.
Đảm nhiệm chức Vụ trưởng hết nhiệm kỳ, ông được Thủ tướng tín nhiệm bổ nhiệm làm Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đây là vinh dự rất lớn với ông Hà nói riêng và Vietcombank nói chung. Như vậy, với sự xuất hiện của ông Hà, hiện nay ban lãnh đạo đương nhiệm của Ngân hàng Nhà nước có Thống đốc Nguyễn Thị Hồng và 4 Phó thống đốc: Đoàn Thái Sơn, Nguyễn Kim Anh, Đào Minh Tú, Phạm Thanh Hà và Phạm Tiến Dũng.
Vietcombank – Ngân hàng nơi ông Phạm Thanh Hà từng phụ trách Phó tổng đang kinh doanh ra sao?
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam là công ty có vốn hóa lớn nhất trên thị trường chứng khoán. Được thành lập năm 1963 với tư cách là doanh nghiệp nhà nước mang tên Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.
Hiện nay, Vietcombank có 20.115 nhân viên (30/06/2020), 1 trụ sở chính và 116 chi nhánh trên toàn quốc. Ngoài ra, ngân hàng này còn có 2100 máy ATM, 49.500 điểm chấp nhận thanh toán thẻ trong lãnh thổ Việt Nam. Hoạt động ngân hàng được hỗ trợ tại 155 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sau 6 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận của Vietcombank giảm 14%. Cụ thể, trong báo cáo hợp nhất tài chính quý 2/2021, lợi nhuận của ngân hàng này đạt 4.938 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2020. Nguyên do cho việc này là do chi phí dự phỏng rủi ro và phí hoạt động tăng mạnh. Tuy nhiên, tổng thu nhập lại tăng 20% so với cùng kỳ.
Tổng chi phí hoạt động 6 tháng tăng 18,5%, ở mức 9.510 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí hoạt động quản lý công vụ (tăng 56%). Tổng thu nhập hoạt động đạt hơn 28.500 tỷ, tăng 24% so với 6 tháng đầu năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu do lãi tăng đột biến từ quý 1.
Chi phí dự phòng rủi ro tăng mạnh lên 5.500 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 9,8% trong 2 quý đầu năm ở mức 921.948 tỷ đồng. Tuy vậy , do giảm mạnh cho vay các tổ chức tín dụng khác, nên tổng tài sản sụt giảm 1,7% xuống còn hơn 1,3 triệu tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng tăng 1,9 % lên 1,05 triệu tỷ đồng. Tiền gửi không kỳ hạn là 316.926 tỷ, tăng 3,2%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi đạt khoảng 33,2%. Nợ xấu của Vietcombank sau quý 2 là 6.865 tỷ đồng, tăng hơn 1.600 tỷ, chiếm 31,3%. Dự phòng nợ xấu đạt tỷ lệ khoảng 350%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,62% đầu năm đến 0,74% cuối tháng 6.
Quý IV năm 2021, Vietcombank đặt mục tiêu kép: thực hiện phòng chống dịch Covid 19, chia sẻ với khách hàng và đẩy mạnh bán lẻ, dịch vụ và đầu tư để hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tiêu kinh doanh.
(*Bài viết cần sự đồng ý của tác giả trước khi dẫn lại về website khác. Mọi hình thức copy không xin phép đều vi phạm bản quyền)
Chí Thanh - Vietnam Business Insider