Theo tài liệu Đại hội cổ đông bất thường lần hai của CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tổ chức sáng nay 9/5, ông Lê Thái Sâm đã có văn bản kiến nghị Bamboo Airways phát hành thêm cổ phiếu để chuyển đổi nợ vay thành cổ phiếu.

Ông Lê Thái Sâm, sinh năm 1964, sống tại TP HCM, hiện đang sở hữu 231,74 triệu cổ phần của Bamboo Airways, tương đương 12,53% vốn điều lệ công ty. Ông Sâm đang đồng thời là Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) của Tập đoàn FLC cũng như Bamboo Airways.

le-thai-sam-la-ai-1683601495.jpgÔng Lê Thái Sâm (ngoài cùng bên phải) tại đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC. (Ảnh: FLC).

Theo ông Sâm, tính đến ngày 10/4/2023, ông Sâm đã cho Bamboo Airways vay tổng số tiền gốc và lãi là 7.727 tỷ đồng,  (không lãi suất, lãi thấp và không tài sản đảm bảo) để giúp Bamboo Airways vượt qua giai đoạn khó khăn về tài chính, nhưng đến nay Bamboo Airways vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để hoàn trả nợ.

Do đó, ông Sâm kiến nghị Bamboo Airways phát hành cổ phần để hoán đổi khoản nợ. Cụ thể, ông Sâm kiến nghị phát hành thêm 1,15 tỷ cổ phần với hình thức chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông để tăng vốn điều lệ.

Số lượng cổ phần sau phát hành (dự kiến) 3 tỷ cổ phần, tương ứng giá trị theo mệnh giá là 30.000 tỷ đồng. Trong đó, số lượng cổ phần phát hành cho các chủ nợ để hoán đổi thành cổ phần (dự kiến) là 772.000.000 cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 7.720 tỷ đồng đồng.

Số lượng cổ phần phát hành cho các nhà đầu tư chiến lược (dự kiến) là 378 triệu cổ phần, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 3.780 tỷ đồng. Tỷ lệ số lượng cổ phần dự kiến phát hành/Tổng số cổ phần sau phát hành (dự kiến) là 38,3% và không hạn chế.

Cách đây ít hôm, Ngân hàng Quốc dân (NCB) công bố đang là cổ đông lớn nắm giữ 203 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn của Bamboo Airways và muốn thoái vốn khỏi Bamboo Airways.

le-thai-sam-1683601440.jpg
 

Hôm qua, ngày 8/5, Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn FLC ra nghị quyết thông qua một loạt nội dung liên quan đến Bamboo Airways và ông Lê Thái Sâm.

Thứ nhất , FLC thông qua toàn văn dự thảo hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng cổ phần CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) mà FLC đang sở hữu cho ông Lê Thái Sâm.

Thứ hai , ông Lê Thái Sâm sẽ tài trợ không hoàn lại cho FLC một khoản tiền để FLC thực hiện các nghĩa vụ tài chính đến hạn và/hoặc giải chấp các tài sản thuộc sở hữu của FLC đang được cầm cố, thế chấp.

Thứ ba , FLC thông qua việc ủy quyền toàn bộ và không hủy ngang trong mọi trường hợp quyền cổ đông của FLC tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm tương ứng với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của FLC tại Bamboo Airways. Quyết định này được đưa ra ngay trước khi Bamboo Airways tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 (sáng 9/5/2023).

 Trước đó, tại Đại hội lần 1, cổ đông Bamboo Airways đã không thông qua phương án phát hành mới 772 triệu cổ phiếu BAV để hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần, và phát hành 185 triệu cổ phiếu BAV cho nhà đầu tư mới, giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu. Đại hội lần 2 dự kiến vẫn sẽ biểu quyết lại nội dung này.

Thứ tư , FLC thông qua việc thanh lý hợp đồng vay vốn, việc thanh toán bù trừ công nợ giữa FLC với ông Lê Thái Sâm và giữa FLC với bà Cao Ngọc Kim Ngân.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2022 của FLC, công ty khi đó nợ bà Cao Ngọc Kim Ngân 36 tỷ đồng và nợ ông Lê Thái Sâm 621 tỷ đồng.

Lý lịch trích ngang dài dằng dẵng của ông Lê Thái Sâm

Ông Lê Thái Sâm sinh năm 1964, quê ở Quảng Ngãi. Năm 1986, ông tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân TP Hồ Chí Minh.

Ông Sâm là người có kinh nghiệm sâu rộng về xây dựng chiến lược đầu tư, từ đó am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra là kỹ năng quản lý rủi ro và phân tích thị trường. 

Từ năm 2016 - 2020, ông Lê Thái Sâm từng là Thành viên HĐQT CTCP Khu công nghiệp Suối Dầu (Sudazi). Doanh nghiệp này chịu trách nhiệm phát triển dự án Khu công nghiệp Suối Dầu, với quy mô 133,95ha, tọa lạc tại xã Suối Tân, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

Trước đây, ông Sâm từng làm việc tại Sở Công Nghiệp tỉnh Khánh Hòa, Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, ông Sâm còn từng là Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại DIC (Mã: DIC), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sắt thép Cửu Long.

Đầu tháng 4/2022, hai nhân vật là Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết và Phó Chủ tịch thường trực Hương Trần Kiều Dung không còn đủ tư cách làm lãnh đạo công ty đại chúng, bên cạnh đó, ông Lã Quý Hiển - thành viên HĐQT cũng đã xin từ nhiệm vào cuối tháng 6.

ong-le-thai-sam-nha-dau-tu-bi-an-cho-flc-vay-tin-chap-gan-900-ty-la-ai-1659342856.png
 

Tại Đại hội cổ đông bất thường của Tập đoàn FLC diễn ra vào ngày 2/7 /2022, ông Lê Thái Sâm, ông Doãn Hữu Đoàn và ông Lê Bá Nguyên đã được bầu bổ sung vào HĐQT thay cho ông Quyết, bà Dung và ông Hiển. 

Trong đó, ông Lê Bá Nguyên (anh trai vợ của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết) sinh năm 1977. Ông Nguyên tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành quản lý y tế. Trước khi nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT FLC, ông từng giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dịch vụ Y tế Hà Thành, Công ty cổ phần Tập đoàn Dược phẩm ATS và từng là Thành viên HĐQT Tập đoàn FLC từ năm 2013 đến tháng 10/2017.

Ông Doãn Hữu Đoàn sinh năm 1982, là cử nhân Kinh tế - Luật, Thạc sĩ kế toán. Trước khi đầu quân cho FLC, ông Đoàn có nhiều năm chinh chiến tại các ngân hàng. Ông Đoàn làm việc tại Ngân hàng TMCP Á Châu từ 2005 đến 2007. Từ 2007 đến 2015, ông Đoàn làm việc tại Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Hiện nay, ông Đoàn đang năm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần An Khang Phú Thịnh, đồng thời là Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sách Đại học – Dạy nghề. Từ 2015 đến nay, ông Doãn Hữu Đoàn làm việc tại Công ty cổ phần Chứng khoán MB. 

Vậy nên trong HĐQT của Tập đoàn FLC, ông Lê Thái Sâm không phải là thành viên mới duy nhất. Bên cạnh những chức vụ kể trên, ông Sâm cũng là người sở hữu nhiều mối quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức cũng như tập đoàn kinh tế lớn.