fb-img-1673167225124-1673168343.jpg
 

Tôi đã có một thời gian đủ dài chia sẻ bài viết trên các diễn đàn và group. Ấn tượng nhất, tôi thực sự tin rằng thị trường chứng khoán có những vấn đề quá lớn. Vấn đề lớn nhất có lẽ vẫn là hạn chế về kiến thức, kinh nghiệm và gian lận từ mọi hướng. Ngay cả giới “chuyên gia” phân tích trên “báo chính thống” cũng tương tự. “Nội chiến HBC” có vẻ gây nhiều tranh cãi từ quan sát phản biện của bài viết “HBC: Ông Phú lật kèo và vết nhơ trong sự nghiệp?” trên các group. Vì vậy, tôi viết bổ sung bài này để giải đáp thêm nhiều ý kiến từ bạn đọc.

Thực ra, nguyên nhân sâu xa của “cuộc nội chiến” nó không phải là những thứ trên mặt báo. Chúng ta sẽ phân tích sâu hơn ngay sau đây. Hy vọng bài viết sẽ trả lời những vấn đề băn khoăn của nhiều bạn đọc.

Mục đích của tôi là gì?

Vì nhận được nhiều phản biện rằng tôi mang “ý đồ” cá nhân về lái hay làm giá đối với HBC. Và cả những ý đồ khác. Do vậy, tôi nên khẳng định thêm.

Chia sẻ kiến thức khách quan

Tôi muốn nói rõ ràng một lần nữa mục đích của tôi trên tất cả các bài viết tại trang hoangtungthien.com này, và về HBC. Đó là chia sẻ kiến thức một cách khách quan nhất. Riêng với các bài viết về HBC, tôi không khuyên mua, không khuyên bán, không đưa ra bất kỳ ý kiến nào về rủi ro hay cơ hội. Nhà đầu tư tự đánh giá và quyết định.

Nếu muốn phân tích về rủi ro hay cơ hội, tôi sẽ có bài riêng. Vì giới hạn một bài viết không đủ để đề cập đến quá nhiều khía cạnh.

Không tuyệt đối cá nhân hay bảo vệ ông Hải

Tôi cũng không có ý định tuyệt đối hoá cá nhân cũng như bảo vệ ông Hải. Vì đơn giản, mọi người đều có ưu, nhược điểm. Hơn thế, mục đích của tôi là làm rõ bản chất vấn đề, chứ không công kích hay bảo vệ ai. Bạn sẽ thấy điều này trong các nội dung còn lại.

Tôi cũng đã có ý kiến thẳng thắn tại HBC

Điều này cũng là để giải thích rằng những cái tốt nên thừa nhận. Tuy nhiên, những cái chưa tốt cũng nên thẳng thắn, một cách công khai và minh bạch. Và vì vậy, tôi không có vấn đề gì trong lập luận tốt cho HBC hay bảo vệ ông Lê Viết Hải. Hoặc rằng tôi có ý đồ nào đó như nhiều người quy chụp.

Tôi thực sự có may mắn đã làm việc tại HBC vào những năm phát triển thịnh vượng nhất. Nếu nói về hoạt động thú vị mà tôi quan tâm hàng đầu, đó là chiến lược phát triển của HBC.

Ý kiến của tôi được thể hiện trên Báo cáo thường niên vào những năm 2014 đến 2017. Tôi muốn hàm ý rằng, nó đã được công khai và minh bạch. Nói cách khác, trước hết, không có vấn đề liên quan đến “tiết lộ thông tin”.

Ý kiến về các công ty con

Đó là trên Báo của Ban kiểm soát, trong Báo cáo thường niên năm 2016 về việc một số công ty con làm ăn không hiệu quả. Đồng thời đề nghị Tập đoàn xem xét các vấn đề dài hạn của các công ty này trước khi tăng vốn.

Ý kiến về chiến lược phát triển

Đây là phần tôi tập trung hơn cả vào năm 2014 và năm 2015. Bởi vì tôi tin rằng Ban lãnh đạo Hoà Bình đã có hướng đi đúng đắn nên muốn đóng góp. Tôi không định nhấn mạnh vai trò của bản thân. Bởi vì những kết quả đạt được là do năng lực lãnh đạo của HĐQT và Ban Tổng giám đốc. Bạn thấy rằng tôi thể hiện sự bất đồng với Ban lãnh đạo HBC rất rõ ràng. Ý kiến được thể hiện trên Báo cáo thường niên của Hoà Bình năm 2015.

Với tình hình kinh doanh như hiện tại, tôi tin HBC vẫn có vấn đề lớn về chiến lược.

Các quy chụp về “gia đình trị”

Tôi đã có ý kiến công khai về những vấn đề của Hoà Bình như đã nêu trên. Và rõ ràng, đúng sai cần có sự phân minh.

Trước tiên, tôi không đồng ý với những gì, và những người quy chụp “gia đình trị” đối với ông Lê Viết Hải. Tuy nhiên, đây chỉ là lấy ví dụ cho nhiều lập luận thiếu căn cứ và thiếu tính thuyết phục khác. Bạn có thể tìm thấy chúng tràn ngập trên mặt báo.

Tôi không đồng ý bởi vì các lý do dưới đây:

Phẩm chất đạo đức và năng lực

Trong mối quan hệ hợp tác, tôi tin phải lựa chọn những cá nhân đảm bảo về đạo đức và năng lực. Đây không phải do tôi tự nghĩ ra. Mà tôi đã học và cũng phần nào trải nghiệm. Nó đã được tổng kết trong những cuốn sách kinh điển của Jim Collins. Bao gồm cuốn “Xây dựng để trường tồn” và “Từ tốt đến vĩ đại”. Đó là chủ trương “tìm người đi trên cùng chuyến xe” của các công ty vĩ đại, trường tồn.

Mà cũng không chỉ Jim Colins. Ít nhất, bạn còn thấy thêm trong một cuốn sách kinh điển khác là “7 thói quen của người thành đạt” của Stephen R. Covey.

Bạn đã bao giờ hợp tác chưa? Và đã bao giờ phải trả giá về hoặc đạo đức, hoặc năng lực, hoặc cả hai? Tôi sợ rằng nhiều là đằng khác.

Tìm đến người thân trong gia đình

Mối quan hệ gia đình sẽ giúp người ta đặt nhiều niềm tin hơn. Có ai không như vậy? Vấn đề còn lại là ngoài niềm tin, cần có thêm cả năng lực.

Dù Việt Nam hay thế giới, niềm tin là thứ ai cũng quan tâm. Thông thường, người ta hướng về các thành viên gia đình.

Ví dụ? Gia đình Tổng thống Donald Trump trong nội các, Hoàng Gia của Vương Quốc Anh. Chúng ta có đi cả cái đất nước hình chữ S này, chỗ nào chẳng gặp? Khi bạn xây dựng công ty, chọn đối tác, xét về niềm tin, bạn chọn ai? Khả năng cao bạn hướng về các thành viên gia đình? Ngược lại, chúng ta buộc phải đặt nghi vấn về một trong hai, hoặc cả hai tiêu chuẩn. Đó là năng lực và đạo đức từ chính các thành viên gia đình mình cho một loại công việc cụ thể?

Bị trả giá vì niềm tin?

Như bạn đã được đề cập trong bài “HBC: Ông Phú lật kèo và vết nhơ trong sự nghiệp?”. Đó có phải là cái giá phải trả cho niềm tin? Bởi được biết, chính ông Hải đưa ông Phú về HBC trong Ban cố vấn. Bạn có muốn bị đặt vào tình trạng mất quyền kiểm soát đối với công ty không? Chắc chắn là không? Ai mà chẳng vậy? Ông Phú cũng không ngoại lệ. Tôi ư? Chắc chắn là không!

Xã hội Việt Nam có nhiều cơ sở để đặt niềm tin không? Có lẽ bạn sẽ tự trả lời. Còn cá nhân tôi, giải pháp đề phòng rủi ro luôn ở mức rất cao vì niềm tin thấp. Do đó, đôi khi người ta nên đề cao lòng tin hơn là năng lực, bằng cách dựa vào người thân.

Dường như ông Hải hơi thái quá?

Trong những hiểu biết của mình, tôi tin ông Hải và gia đình có nhiều thứ để tự hào. Nhưng trên truyền thông, và trước đây, cả trên Báo cáo thường niên, tính gia đình hơi nặng.

Cá nhân tôi cũng có cảm nhận như vậy. Nhưng chưa đến mức “gia đình trị”. Bởi vì tôi có may mắn gặp những thành viên gia đình ông. Nhưng rõ ràng, cộng đồng cũng có cái lý riêng của họ. Những lùm xùm như vậy có lẽ gây thiệt hại, hơn là có lợi cho chính các thành viên gia đình. Ít nhất, ông đã trao cho nhóm đối lập phương tiện để “tấn công rất thuyết phục”.

Thế bí của ông Lê Viết Hải

Trước đây, ông Hải kiêm nhiệm cả chức vụ Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc. Tuy nhiên, khi Luật doanh nghiệp 2020 có hiệu lực, mọi thứ đã thay đổi. Ở những điểm dưới đây:

Không thể kiêm nhiệm hai vị trí

Đó là theo quy định tại Khoản 2, Điều 156, Luật doanh nghiệp:

“Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty đại chúng và công ty cổ phần quy định tại điểm b khoản 1 Điều 88 của Luật này không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”.

Quy định với Giám đốc, Tổng GĐ

Tại Điểm b, Khoản 5, Điều 162, Luật doanh nghiệp đối với công ty đại chúng:

“Không được là người có quan hệ gia đình của người quản lý doanh nghiệp…”

Trong đó, “Người quản lý doanh nghiệp” được định nghĩa tại Khoản 24, Điều 4, Luật doanh nghiệp năm 2020. Theo đó, người quản lý doanh nghiệp là “…, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, …”

Nên ông Phú mới có cơ hội

Với các quy định trên, ông Hải cũng như ông Hiếu (con ông Hải) buộc phải từ nhiệm chức danh Tổng giám đốc.

Và cũng vì như thế ông Nguyễn Công Phú mới có cơ hội. Nhưng cũng trong bài viết về “lật kèo” nêu trên, dường như đang có vấn đề khủng hoảng niềm tin giữa hai ông.

Cá nhân tôi thì dám đánh cược rằng: Nếu không có ông Hải ủng hộ, ông Phú sẽ không bao giờ được bổ nhiệm chủ tịch. Quan trọng hơn cả, đây là công ty đối vốn và ông Hải hình thành nhóm cổ đông lớn nhất.

Nói như vậy tôi không định thuyết phục bạn tin tôi. Bạn có niềm tin riêng của mình, từ những trải nghiệm riêng. Ít ra, tôi cũng từng làm việc ở HBC, nên tôi nghĩ niềm tin là có cơ sở. Hoặc phản biện rằng tôi không có cơ sở, bạn đưa ra cơ sở của riêng mình.

Ông Hải có tin ông Phú không?

Nếu trả lời dứt khoán “Có” hoặc “Không” thì không hẳn vậy. Ông Hải có tin, nhưng không đặt niềm tin quá lớn. Vì thế mới dẫn đến cam kết “đồng thuận” giữa “Hội đồng sáng lập” và “Hội đồng quản trị”.

Tại sao vậy?

Trước hết, bạn đã biết quy định mới của Luật doanh nghiệp đã nêu trên. Chức vụ Tổng giám đốc sẽ giúp ông Hải điều hành Tập đoàn hàng ngày. Cam kết “đồng thuận” giữa hai ông là để ông Hải vẫn kiểm soát quyền lực ở cấp cao hơn, hay ở cấp Hội đồng quản trị.

Cũng chính vì vậy mà trên Vnexpress, ông Hải khẳng định:

“Với cách làm như vậy, tôi vẫn kiểm soát công ty chứ không mất quyền hoàn toàn”. Nên về bản chất, đây dường như là khủng hoảng niềm tin. Điều này đã được đề cập trong nghi vấn có cơ sở rằng ông Phú “lật kèo”.

Mối lo nhà đầu tư ngoại kiểm soát?

Nhiều bạn đặt vấn đề, và dường như cả nhóm của ông Phú “lo lắng” về việc Hoà Bình rơi vào tay “cổ đông ngoại”. Giống như CTD (Conteccons) vậy.

Tôi nghĩ không ai cần thiết phải lo lắng về vấn đề này. Vì đơn giản, thị trường chứng khoán là vậy. Một nhóm cổ đông đang kiểm soát mà làm không tốt, hoặc kiểm soát không tốt thì nhóm khác thay thế. Nước ngoài hay trong nước để làm gì? Nếu họ làm cho công ty, làm cho các cổ đông, đóng góp ngân sách, giúp cán bộ nhân viên, …, tốt hơn thì sao?

Hơn nữa, ai dám đảm bảo rằng nhóm ông Phú không khiến cho HBC rơi vào tay nhà đầu tư ngoại? Ít nhất thì đến thời điểm này, HBC vẫn trong tầm kiểm soát của nhóm nhà đầu tư nội.

Câu hỏi sai về CTD

Như đã đề cập, một số, thậm chí có vẻ nhiều bạn “lo lắng” HBC sẽ giống như CTD (Conteccons). Tôi tự tin rằng trong giai đoạn làm việc cho HBC, từ 2014 đến 2017, CTD là doanh nghiệp tôi quan tâm nhất. Đó là khi tham gia một cách hứng thú vào chiến lược phát triển của HBC.

Tất cả các chỉ tiêu phân tích hiệu quả đều cho thấy CTD vượt trội, và HBC nên học tập. Bạn thấy CTD hiệu quả như thế nào vào những năm đó.

Nhưng câu hỏi đúng nên là: Tại sao khi nhà đầu tư ngoại dần kiểm soát, CTD lại tụt dốc nghiêm trọng? Từ giữ khoảng cách vượt trội về cả quy mô và hiệu quả so với HBC, CTD giờ đã khác. Nếu theo ông Dương nói trên Vnexpress, vấn đề là từ năm 2017.

Tôi đành để ngỏ câu hỏi “Tại sao…” nêu trên bởi nếu trả lời sẽ khiến bài viết quá dài.

Nguồn: Hoang Tung Thien