VietinBank vừa công bố báo cáo tài chính quý III với số dư nợ xấu nội bảng tăng hơn 90% sau 9 tháng đầu năm lên hơn 18.097 tỷ đồng.

Mặc dù nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) giảm hơn 41% xuống còn 3.543 tỷ đồng nhưng nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng vọt lên gần 11.631 tỷ đồng, gấp 7,2 lần so với đầu năm và nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) cũng tăng 57% với hơn 2.923 tỷ đồng.

Nợ xấu VietinBank tăng vọt bất chấp dư nợ cho vay khách hàng của chỉ tăng 6,8%. Qua đó, kéo tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ 0,94% vào cuối năm trước lên mức 1,67% tại thời điểm cuối tháng 9.

z2882979134892-99e97f8976161ecaea1e8533f09b0e3e-1635398568.jpg
Nợ xấu (từ nhóm 3 đến nhóm 5) của VietinBank tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm. (Nguồn: BCTC)

Diễn biến tiêu cực của nợ xấu đã khiến ngân hàng này phải đẩy mạnh trích lập dự phòng. Cụ thể, lũy kế 9 tháng đầu năm, VietinBank đã phải trích ra hơn 14.000 tỷ cho chi phí dự phòng, tăng 22% so với cùng kỳ 2020 và chiếm hơn một nửa lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (tỷ lệ trích lập hơn 50%). 

Điều này đồng nghĩa cứ 10 đồng lợi nhuận làm ra, VietinBank phải dành ra 5 đồng để dự phòng rủi ro. Đây là tỷ lệ trích lập cao hàng đầu hệ thống, bỏ xa các ngân hàng khác như MB (33%), Techcombank (11%), ACB (24%),…

Dù đã tăng cường "bộ đệm" dự phòng rủi ro lên gần 21.464 tỷ đồng, nhưng sự gia tăng nhanh chóng của nợ nghi ngờ và nợ dưới tiêu chuẩn đã kéo tỷ lệ bao phủ nợ xấu của VietinBank giảm từ 131,9% xuống còn 118,6%.

Về các mảng kinh doanh trong 9 tháng đầu năm, VietinBank ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt gần 31.400 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ nhờ kiểm soát tốt chi phí vốn. Nguồn thu này đóng góp tới 80% tổng thu nhập hoạt động của VietinBank.

Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cũng tăng trưởng khả quan, riêng quý III đạt 1.154 tỷ đồng và lũy kế 9 tháng đạt 3.794 tỷ tăng 17% so với cùng kỳ năm trước nhờ việc triển khai thúc đẩy bán sản phẩm có thế mạnh như tài trợ thương mại, chuyển tiền, dịch vụ thẻ… 

Ở phía ngược lại, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối, chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư đều sụt giảm ở mức hai con số. Trong đó, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối giảm 10,5% xuống còn 1.355 tỷ, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh giảm 36% xuống 255 tỷ, lãi thuần từ chứng khoán đầu tư giảm hơn 40% còn 144 tỷ.

Tổng hợp các mảng kinh doanh, VietinBank ghi nhận doanh thu thuần 39.261 tỷ đồng, tăng 22% so với 9 tháng đầu năm 2020. Sau khi trừ chi phí hoạt động (11.346 tỷ) và chi phí dự phòng rủi ro (14.004 tỷ), ngân hàng lãi hợp nhất trước thuế 13.911 tỷ đồng, tăng 34,2%. Lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng mẹ là gần 13.634 tỷ đồng, tăng 34,6%.

Tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản VietinBank đạt gần 1,448 triệu tỷ đồng, tăng 7,9% so với hồi đầu năm. Số dư tiền gửi khách hàng tăng 8,3% lên gần 1,073 triệu tỷ đồng với tiền gửi không kỳ hạn (CASA) chiếm 18,6%.

Đến hết quý III, số lượng nhân sự làm việc trên toàn hệ thống VietinBank là 24.939 người, tăng 798 người so với cuối năm 2020. Trong đó, số lượng nhân sự làm việc tại ngân hàng mẹ là 22.917 người, tăng 586 người.

Như vậy, bình quân mỗi nhân sự VietinBank tạo ra 567 triệu đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm.

Báo cáo tài chính cũng cho biết, số tiền VietinBank đã chi ra cho nhân viên trong 3 quý vừa qua là hơn 7.221 tỷ đồng, tăng gần 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, riêng chi phí trả lương và phụ cấp là gần 6.061 tỷ, tăng gần 15,8%. Tính bình quân, mỗi nhân sự VietinBank được trả mức lương và phụ cấp 27,4 triệu đồng/tháng.

z2884178264289-3c76c6d77e852358b84507a8a8cf4be5-1635398529.jpg
Chi phí cho nhân viên của VietinBank. (Nguồn: BCTC hợp nhất quý III)