bbb-15788979816091481839952-crop-1578897990384228660353-1633572084.png
Ảnh minh họa.

Theo Báo Đầu tư, trong báo cáo đến cơ quan của Quốc hội phục vụ quá trình thẩm tra về tình hình, kinh tế xã hội trước kỳ hop thứ hai của Quốc hội khóa XV, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đề nghị bố trí, cấp vốn, bổ sung vốn cho các ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ để cải thiện, nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo đủ mức vốn tự có theo chuẩn an toàn vốn của Basel II.

Trước đó, vào tháng 10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP để mở rộng phạm vi đầu tư bổ sung vốn Nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Điều này cho phép Chính phủ được cấp bổ sung vốn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng áp dụng đối với các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Trong tháng 5, VietinBank chính thức được Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung gần 7.000 tỷ đồng vốn nhà nước theo Quyết định số 765/QĐ-TTg. Đây là tin vui không chỉ đối với VietinBank, mà của cả cơ quan quản lý sau một thời gian nỗ lực phối hợp, làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thúc đẩy quá trình phê duyệt đối với phương án tăng vốn điều lệ của ngân hàng này.

Yêu cầu cấp bách tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại nhà nước liên tục được trao đổi tại các cuộc họp và gần đây nhất, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với Ngân hàng Nhà nước ngày 17/4/2021, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, vấn đề quan tâm lớn hiện nay của công tác tái cơ cấu ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước.

“Nếu không được bổ sung vốn điều lệ, nhóm này sẽ hạn chế khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, thu hẹp thị phần, khó hiện thực hóa chỉ tiêu có ít nhất một đến hai ngân hàng thương mại nằm trong Top 100 ngân hàng lớn nhất về tổng tài sản khu vực châu Á theo chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030 được Chính phủ phê duyệt”, bà Hồng nói.

Số liệu của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, các ngân hàng quốc doanh đã mất 1,42 điểm % thị phần tín dụng trong 5 năm qua. Trong đó, chỉ có Vietcombank là ngoại lệ khi có được tăng 0,64 điểm %.

Theo nhóm phân tích, áp lực về vốn có sự khác biệt trong số bốn nhà cho vay lớn nhất gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank. Điều này dẫn đến việc phân hóa về tăng trưởng tín dụng.

Vietcombank là ngân hàng duy nhất trong nhóm Big4 đạt được tốc độ tăng trưởng cao hơn trung bình toàn ngành (16,2% so với 14,6%). Ngân hàng này đã duy trì tốt đà tăng trưởng tín dụng với hệ số an toàn vốn (CAR) ổn định và mức ROE cao (trên 20%).

Trong khi đó, VietinBank bị hạn chế bởi nền tảng vốn mỏng, tỷ lệ đòn bẩy cao, hiệu quả thấp và không đủ dư địa để pha loãng tỷ lệ sở hữu của Nhà nước. Kết quả là, ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng tín dụng hàng năm một con số trong giai đoạn 2018 - 2020 và thị phần của ngân hàng đã giảm đáng kể trong 5 năm qua (-1,51 điểm %).

Agribank cũng bị mất thị phần tín dụng. Tỷ lệ CAR của ngân hàng, theo chuẩn Basel II, chỉ ở mức 6% trong năm 2020 và thị phần giảm 0,8 điểm % so với mức đỉnh năm 2018.

BIDV cũng đã chứng kiến tăng trưởng tín dụng chậm lại những năm gần đây, khi tác động tích cực từ đợt phát hành riêng lẻ giảm dần. Tỷ lệ CAR của nhà băng này tính đến nửa đầu năm 2020 ở mức 8,97%, gần mức yêu cầu 8% của Basel II. Dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tại BIDV tăng trưởng âm đã mang lại dư địa cho dư nợ cho vay khách hàng, do áp lực từ nền vốn mỏng lên hạn mức mở rộng tín dụng.