Theo kế hoạch, trong những tháng tới, các ngân hàng trên sẽ tung ra thị trường hàng tỷ cổ phiếu thông qua chia cổ tức, phát hành riêng lẻ, bán cổ phiếu ESOP cho người lao động.
Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án bổ sung vốn nhà nước thêm gần 7.700 tỷ đồng cho Vietcombank để duy trì tỷ lệ sở hữu. Đây là bước đệm để ngân hàng phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 27,6%, từ lợi nhuận còn lại năm 2019 theo kế hoạch đã được cổ đông thông qua.
Không kém cạnh, VPBank cũng có kế hoạch phát hành thêm gần 1,98 tỷ cổ phiếu, để nâng vốn điều lệ lên từ gần 25.300 tỷ đồng lên gần 45.058 tỷ đồng. Trong đó, tỷ lệ phát hành cổ tức bằng cổ phiếu là 62,15%, tỷ lệ phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu là 17,85%. Thời điểm thực hiện dự kiến vào quý III và/hoặc quý IV năm nay.
Trước đó, ngân hàng này thông báo bán 15 triệu cổ phiếu cổ phiếu quỹ với giá 10.000 đồng cho cán bộ nhân viên dưới dạng ESOP. Hiện VPBank đã hoàn tất việc nhận tiền đăng ký mua cổ phiếu của cán bộ nhân viên.
Tại SHB, ngân hàng này cũng vừa được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 7.413 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu chia cổ tức và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Theo đó, SHB sẽ phát hành hơn 741 triệu cổ phiếu để thực hiện tăng vốn, tương đương hơn 38% lượng cổ phần đang lưu hành.
BIDV cũng dự kiến phát hành 207,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành 281,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%). Thời gian thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu dự kiến trong quý III và quý IV/2021.
Hai nhà băng khác là Kienlongbank và MSB cũng có kế hoạch phát hành lần lượt là 41,5 và 352,5 triệu cổ phiếu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020.
Theo thống kê của người viết, các ngân hàng đã đưa hơn 6 tỷ cổ phiếu lên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, nâng tổng số cổ phần lưu hành lên trên 43,6 tỷ đơn vị.
Việc các ngân hàng ồ ạt đưa thêm cổ phần ra thị trường chỉ trong thời gian ngắn làm gia tăng tăng áp lực pha loãng giá. Thực tế, cổ phiếu ngân hàng đã bắt đầu có dấu hiệu ‘’đuối sức’’ khi đồng loạt giảm sâu vào tháng 7 và tháng 8, mất khoảng 20% - 30% giá trị so với mức đỉnh tạo lập vào giữa tháng 6. Trong đó, CTG của VietinBank và VIB của ngân hàng VIB là hai mã giảm sâu nhất ngành sau khi tiến hành chia cổ tức và thưởng bằng cổ phiếu.
Tính đến ngày 22/8, lượng cổ phiếu ngân hàng đang lưu hành trên 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM là hơn 43,6 tỷ cổ phiếu, chiếm khoảng 26% tổng lượng cổ phiếu lưu hành toàn thị trường.
Trong đó, VietinBank hiện đang là ngân hàng có số cổ phần lưu hành lớn nhất thị trường với 4,806 tỷ đơn vị, tương đương mức vốn điều lệ gần 48.058 tỷ đồng. Đây cũng là doanh nghiệp niêm yết có mức vốn điều lệ lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam.
Xếp ngay sau VietinBank là BIDV và MB với số cổ phiếu lưu hành lần lượt đạt 4,022 tỷ và 3,778 tỷ đơn vị.
Vietcombank hiện đứng thứ tư với gần 3,709 tỷ cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, sau khi chia cổ tức 27,6% bằng cổ phiếu, nhà băng này sẽ vượt mặt BIDV và MB về lượng cổ phiếu lưu hành và vốn điều lệ.