Cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm sâu
Sau giai đoạn bùng nổ nửa đầu năm, nhóm cổ phiều ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh trong tháng 7, tháng 8 và tiếp tục duy trì ở mức thấp trong tuần giao dịch đầu tháng 9.
Theo thống kê của người viết, trong thời gian 30/6 – 10/9, 27 cổ phiếu ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đã giảm bình quân 11,8% với 23 mã giảm và 4 mã tăng giá.
Cổ phiếu có mức giảm sâu nhất giai đoạn vừa qua là VIB khi giảm một mạch từ mức 49.450 đồng/cp xuống 36.300 đồng/cp, tương đương mức giảm 26,6%. Đợt lao dốc này khiến vốn hóa của VIB bốc hơi hơn 20.400 tỷ đồng, xuống mức 56.379 tỷ vào cuối tuần trước.
Chỉ đứng sau VIB, cổ phiếu CTG khi mất gần 21% thị giá xuống 32.300 đồng. Xét theo vốn hóa, đà giảm nói trên đã khiến giá trị thị trường của VietinBank “bốc hơi” gần 41.000 tỷ đồng từ đầu tháng 7 đến nay.
Mặc dù vậy, VietinBank không phải ngân hàng bị sụt giảm vốn hóa mạnh nhất giai đoạn này. Với mức giảm gần 15% kể từ cuối tháng 6, giá trị thị trường của Vietcombank đã mất gần 63.800 tỷ, từ mức 431.700 tỷ đồng hồi cuối tháng 6 xuống còn 367.920 tỷ. Đây là mức giảm vốn hóa mạnh nhất không chỉ trong nhóm ngân hàng mà tính trên toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Riêng lượng vốn hóa ‘’bốc hơi’’ của Vietcombank đã chiếm gần 30% tổng giá trị vốn hóa sụt giảm của nhóm ngân hàng trong giai đoạn trên.
Không kém cạnh VietinBank và Vietcombank, giá trị thị trường của BIDV cũng mất gần 30.600 tỷ kể từ cuối tháng 6 khi giá cổ phiếu BID giảm hơn 16%. Cổ phiếu này hiện vẫn tiếp tục “ngụp lặn’’ tại vùng đáy ngắn hạn 39.000 – 40.000 đồng thiết lập từ cuối tháng 8.
Ngoài những mã nói trên, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng khác cũng ghi nhận mức giảm giá mạnh trong đợt điều chỉnh vừa qua như KLB (-15,7%), EIB (-14,9%), BVB (-13,8%), LPB (-13,6%),MBB (-12,2%), SGB (-11,7%), STB (-11,1%),…
Ước tính, đợt giảm từ cuối tháng 6 đã thổi bay gần 229.700 tỷ đồng giá trị vốn hóa của các cổ phiếu ngân hàng, tương đương hơn 10 tỷ USD.
Nguyên nhân của đợt bán tháo cổ phiếu vừa qua được cho là bắt nguồn từ sự lo ngại của nhà đầu tư về ảnh hưởng tiêu cực của đợt bùng dịch Covid-19 lần 4 đối với kết quả kinh doanh ngành ngân hàng trong nửa cuối năm. Tâm lý ‘’chốt lời’’ càng được thúc đẩy khi cổ phiếu ‘’vua” đã trải qua giai đoạn tăng giá phi mã nửa đầu năm nay.
Ngoài ra, việc các ngân hàng ồ ạt phát hành cổ phần chia cổ tức cũng làm gia tăng tăng áp lực pha loãng giá khi mà lượng cổ phiếu khổng lồ đã được đẩy lên sàn chứng khoán chỉ trong một thời gian ngắn. Trong 8 tháng đầu năm 2021, các ngân hàng đã đưa hơn 6 tỷ cổ phiếu lên thị trường chứng khoán Việt Nam và nâng tổng số cổ phần lưu hành lên trên 43,6 tỷ đơn vị.
Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, các ngân hàng trên sẽ tiếp tục tung ra thị trường hàng tỷ cổ phiếu nữa thông qua chia cổ tức, phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược, bán cổ phiếu ESOP cho người lao động.
Cơ hội gom cổ phiếu giá ‘’hời’’?
Tại báo cáo chiến lược tháng 9, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng đã điều chỉnh khoảng 20% - 30% so với đỉnh cũ vì vậy có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trung và dài hạn.
Theo VDSC, việc điều chỉnh room tín dụng sắp tới có thể được công bố vào cuối tháng 9 sẽ là yếu tố hỗ trợ. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng có thể tích cực hơn trong tháng 9 do các ngân hàng chưa sử dụng hạn mức nhiều sẽ tập trung cho vay ngắn hạn để sử dụng room. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến có thể tác động tiêu cực nếu các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt như hiện tại không được dỡ bỏ và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các quý sắp tới.
‘’Do đó, chúng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm có khả năng biến động mạnh trong tháng 9 và tác động trực tiếp VN Index. Nhìn chung, chúng tôi kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.250 - 1.380’’, Báo cáo VDSC cho hay.
Nhận định về cổ phiếu ngân hàng giai đoạn này, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) cho rằng phần lớn kỳ vọng lạc quan về kết quả kinh doanh trong cả năm 2021 đã được phản ánh vào giá cổ phiếu các ngân hàng.
Đến giữa tháng 7, cổ phiếu ngân hàng có P/E (giá trên thu nhập) và P/B (giá thị trường trên giá trị sổ sách) lần lượt là 14,1 lần và 2,4 lần, tương đương mức đỉnh lịch sử 5 năm. Cùng với mức ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của ngành là 18,6% và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận cao (khoảng 46,9%), cổ phiếu ngân hàng khó có thể ghi nhận đà tăng mạnh thêm từ nay đến cuối năm.Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc cổ phiếu ngân hàng chịu tác động mạnh từ đợt điều chỉnh vừa qua của thị trường sẽ là cơ hội để mua vào.
Đồng quan điểm, Chứng khoán VnDirect nhận định giá cổ phiếu các ngân hàng hiện đã điều chỉnh mạnh so với mức đỉnh, và phần nào đã phản ánh tác động tiêu cực của đợt bùng phát dịch hiện nay. Vì vậy cổ phiếu ngân hàng trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro và hiệu quả đầu tư.
Theo VnDirect, rủi ro của ngành là việc áp dụng giãn cách xã hội do dịch Covid-19 lâu hơn dự kiến; hoặc một biến thể khác của chủng virus phát sinh có thể cản trở hoạt động kinh tế trở lại bình thường. Điều này có thể khiến các ngân hàng ghi nhận trích lập dự phòng cao hơn và cầu tín dụng yếu hơn so với dự báo trong giai đoạn nửa sau 2021 và 2022. Một rủi ro khác là NIM giảm nhiều hơn dự báo do nhu cầu tín dụng bị suy yếu. Tiềm năng tăng giá bao gồm tăng trưởng tín dụng tốt hơn kỳ vọng.