Khi Boston lên cơn sốt mang tên Ponzi

Năm 1920, Boston không ngủ. Cơn sốt đầu tư lan rộng khắp thành phố, và tâm điểm là một người đàn ông nhỏ con, diện vest lịch lãm, nói tiếng Anh pha giọng Ý quyến rũ Charles Ponzi.

nguoi-dan-ong-khien-ca-nuoc-my-tin-vao-tien-ao-tu-the-ky-truoc-1752723935.jpg

Ông ta không chỉ bán giấc mơ, mà còn làm nó trông như thật. Hứa hẹn lợi nhuận 50% chỉ trong 45 ngày, hoặc gấp đôi trong 90 ngày – những con số nghe như cổ tích. Nhưng điều khiến mọi người tin, là Ponzi thực sự trả đúng như lời. Tiền đổ về công ty ông - Securities Exchange Company như thác lũ. Người ta bán nhà, rút sạch tiết kiệm, thậm chí vay mượn họ hàng chỉ để được “gửi gắm” cho Ponzi.

Chiêu trò của ông nghe ra vẻ cao siêu: lợi dụng chênh lệch tỷ giá và giá trị của phiếu trả lời quốc tế (International Reply Coupons - IRC) để tạo siêu lợi nhuận. Trên giấy tờ, đây là một mô hình hợp pháp và phức tạp. Nhưng thực tế, không hề có giao dịch thật nào. Ponzi chỉ đơn giản lấy tiền người sau để trả cho người trước.

Chỉ trong vài tháng, công ty của ông đã gom về gần 10 triệu đô (tương đương hơn 150 triệu đô ngày nay). Nhưng ánh hào quang chóng tàn. Một loạt bài điều tra từ The Boston Post đã bóc trần mọi thứ. Nhà chức trách nhanh chóng vào cuộc, các nhà đầu tư hoảng loạn. Ponzi bị bắt vì gian lận bưu điện, lĩnh án 5 năm tù và sau đó bị trục xuất khỏi nước Mỹ.

Kể từ đó, cái tên Ponzi trở thành biểu tượng của mọi mô hình lừa đảo tài chính kiểu kim tự tháp, nơi “tiền mới nuôi tiền cũ”, và trò chơi kết thúc ngay khi dòng tiền bị chặn.

Nguồn: Sưu tầm