Ở đời, giành cái gì không giành, lại đi giành chuyện… chà toa-lét giỏi làm chi vậy trời! Trung tỉnh bơ: “Tự hào chớ sao hông! Nuôi được một cách tử tế mấy trăm công nhân, đóng bảo hiểm xã hội đàng hoàng nhen. Người mù chữ, người câm điếc, người chán đời… đều rất vui được chà toa-lét”.
Vinh quang nghề… chà toa-lét
Tôi biết Trung chắc cũng hơn hai mươi năm, từ cái thời hai đứa còn chung tay đi xin tiền để phụ một người bạn chung là hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Trần Huy Phong đem máy tính loại tốt nhất về cho trẻ em nghèo người dân tộc thiểu số ở Đơn Dương, Lâm Đồng. Lúc đó, Trung còn là công tử bột của một gia đình kinh doanh lớn tại Đà Lạt. Xong, Trung đi bộ đội, thỉnh thoảng được về phép có gặp nhau uống chai bia nói chuyện thế sự. Rồi nó đi học, ra làm giám đốc kinh doanh đời đầu của ví MoMo, rồi làm giám đốc tiếp thị của nhiều tập đoàn từ Anh tới Ý tới Nhật…
Tự dưng gặp lại, thấy Trung làm nghề chà toa-lét, nên tò mò. Tò mò nên phát hiện thằng bạn công tử bột ngày nào, giờ thống lĩnh 500 chị em bạn dì, chia thành từng cặp một, chà toa-lét, giặt đồ, ủi đồ, rửa chén cho hết thảy khách nhà giàu lẫn nhà sắp giàu ở Sài Gòn. Trung có cái app xịn, mỗi sáng các cặp chị em bạn dì mở app, coi lịch làm việc, tới nhà khách check-in, làm xong check-out thì cuối tháng sẽ có lương, thưởng, bảo hiểm đầy đủ. Có mấy cặp khuyết tật câm điếc cũng chà xịn, có mấy cặp mù chữ cũng lãnh lương cao ngất trời.
Nguyễn Nguyễn Quang Trung.
Tôi chơi với Trung lúc nó giàu nhứt, cũng như lúc nó bèo nhứt phải mượn 500 ngàn đồng rồi vô ngân hàng chuyển trả tiền. Thương nhứt là lúc đang làm trùm bán hàng của một hãng bia bự ơi là bự rồi đi xin việc đâu cũng bị “over qualified” không ai nhận nên chạy Grab kiếm tiền mua sữa cho con. Xong nó lập luôn cái cộng đồng online của các tài xế Grab, đâu đó có hơn 150.000 thành viên!
Vừa chạy Grab, nó lại ngồi nghĩ ra trò mới nên nó chuyển qua làm Saigon Home Services, ngoài chà toa-lét giỏi nhứt thì tranh thủ bán thêm gạo, nước mắm, muối… vô cho nhà người ta luôn. “Quan trọng nhất là người thuê dịch vụ cảm thấy tin mình, yên tâm với mình, giao luôn cái nhà cho mình. Chà cái toa-lét cho sạch nhất, tiệt trùng luôn, xong rửa chén, lau nhà, giặt đồ, ủi đồ theo đúng chuẩn khách sạn nữa. Làm sao để chủ nhà đi làm về mệt, bước chân vô cảm thấy giống như nhà có cô Tấm vừa biến mất vào quả thị thì mới đạt chuẩn… vinh quang nghề chà toa-lét”, Trung kể.
Những niềm vui giản dị
Tôi hay được rủ đi các buổi tiệc sinh nhật công ty hay các dịp lễ lạt, nhưng thường chỉ chạy qua chúc mừng, xong phần tuyên bố lễ hội rồi… bỏ trốn. Chỉ các buổi gặp gỡ của Saigon Home Services, thì tôi luôn thích ở lại tới cuối cùng. Lý do đơn giản: cảm thấy hạnh phúc khi được là một phần câu chuyện đẹp đẽ của những người “chà toa-lét” này. Công ty 500 người, mà tới dự có chừng 50 chỗ thôi. Lúc đầu thì không hiểu, nhưng khi bắt đầu chương trình thì mới biết: không có phát biểu khai mạc hay văn nghệ đầu giờ gì hết. Mọi người chia ca nhau về dự tiệc.
“Quan trọng nhất là người thuê dịch vụ cảm thấy tin mình, yên tâm với mình, giao luôn cái nhà cho mình. Chà cái toa-lét cho sạch nhất, tiệt trùng luôn, xong rửa chén, lau nhà, giặt đồ, ủi đồ theo đúng chuẩn khách sạn nữa. Làm sao để chủ nhà đi làm về mệt, bước chân vô cảm thấy giống như nhà có cô Tấm vừa biến mất vào quả thị thì mới đạt chuẩn… vinh quang nghề chà toa-lét”, Nguyễn Nguyễn Quang Trung kể.
Nhóm của chị Thảo Nguyên, người Cà Mau, chữ nghĩa chưa đầy cái lá mít như chị nói, lại còn không biết chạy xe máy nữa, mà tới sớm nhất. Chị Nguyên ngồi ăn ăn, cười cười mắc cỡ với cái áo đồng phục mới tự thêu lên mấy cái bông. Xong Trung đi tới, chị luống cuống giới thiệu con trai đang học năm thứ hai một trường cao đẳng. Anh chàng sinh viên này càng luống cuống hơn, nói đại: “Mấy nay con rảnh nên xin đi theo phụ mẹ. Mai mốt con ra trường chú Trung cho con vô làm công ty mình nhen”. Trung trợn mắt: “Lo học đàng hoàng ra trường còn làm quản lý này nọ chớ, sao mẹ đi chà toa-lét cực vậy nuôi mày rồi chưa gì đòi đi nối nghiệp là sao”. Thằng nhỏ sợ rúm người. Trung vỗ vai nó, cười ha ha: “Nói vậy thôi, ráng học thêm ngoại ngữ cho giỏi, cho qua Nhật tu nghiệp lấy chứng chỉ hành nghề chà toa-let số một thế giới luôn!”.
Nhóm chị Nguyên ăn xong, rời đi, đổi ca cho các nhóm khác. Mỗi người có chừng 20 phút để ăn uống, chụp ảnh, nhận quà rồi đi… chà toa-lét tiếp. Câu chuyện của họ rôm rả lắm. Nào là rạp chiếu phim này hôm nay chiếu phim Việt Nam mà đông dễ sợ. Cái du thuyền kia có mấy ông khách không biết người gì xài dầu thơm thấy ghê, khử mùi cực muốn xỉu. Rồi khu chung cư nọ có mấy cái cửa gỗ cao khủng khiếp bữa đó quên leo lên chùi mà xui đúng lúc ông Trung tới kiểm tra ổng chửi té tát. Ai cũng vui, những niềm vui cụ thể, giản dị. Ăn xong họ tự dọn chén dĩa của mình, tém tém đồ ăn lại trong lúc nhóm khác vừa về tới.
Các nhóm cứ vậy mà “xoay tua”. Trung thì xoay hơn cái chong chóng để đảm bảo nhân viên nào cũng được trò chuyện, động viên. Tôi phì cười, thấy Trung nói chuyện như một đàn anh giang hồ, khác lắm so với ông giám đốc marketing của mấy tập đoàn quốc tế mình quen biết trước kia.
Định nghĩa của bền bỉ
Saigon Home Services lớn lên một chút, trở thành một thành viên của PMC - đơn vị quản lý tòa nhà liên doanh giữa VNPT và Nhật Bản. Trung trở thành người vừa chà toa-lét, vừa coi ngó chung hết chuyện của cư dân chung cư từ cao cấp tới thấp cấp. Làm giám đốc của một đơn vị vừa có hơi hướng nhà nước, lại vừa có kiểu tỉ mẩn siêu kỹ lưỡng của Nhật, đời Trung… bớt giang hồ nghĩa khí mà phải đi theo nguyên tắc, quy trình và đủ mọi thứ khó khăn của hệ thống. Trung mất ngủ, vì lo mấy chị em bạn dì mù chữ của mình trụ không nổi với mô hình quản lý mới.
Trung xắn tay áo, chứng minh cho mọi người thấy một điều: Trung làm được, thì ai cũng làm được. Tôi hay nhớ cảnh anh em đang ngồi đàm phán với ban quản trị chung cư thì Trung xin phép bước ra ngoài, để xử lý việc một con chó… tè bậy ở sảnh tòa nhà. Một lần khác, đang uống bia nửa đêm, Trung lại kiên nhẫn ngồi hướng dẫn một chị nào đó bị giật điện thoại khi vừa ra khỏi chung cư… Hình như, làm nghề dịch vụ, là không có giới hạn về thời gian. Chủ nhật hay lễ, Tết hình như là các khái niệm không có.
Saigon Home Services là dịch vụ dọn vệ sinh nhà ở, văn phòng, rạp, quán… theo chuẩn khách sạn, với quy trình quản lý chất lượng được kiểm soát theo ba cấp: giám sát trực tiếp, kiểm soát online và kiểm tra ngẫu nhiên.
COVID-19 ập tới. Tòa nhà nào trong phạm vi quản lý của Trung cũng có F0. Cư dân F0, bảo vệ F0, nhân viên F0. Rồi đi chợ, xét nghiệm, chích vaccine, phong tỏa và 1.001 việc dồn dập không có tên, không có trong quy trình, không có một kế hoạch phòng thủ nào trước. Trung gầy rộc hẳn, và tìm cách xả xì trét bằng việc mỗi tối lên Facebook ngồi… hát. Nói chuyện hát, mới nhớ anh chàng này từng xém được huy chương vàng giọng hát hay Đà Lạt. Mỗi buổi livestream, có chừng 10 người xem. Trung không nản, vẫn cứ hát mê say, rồi đi ngủ để mai tiếp tục đi chống dịch.
Nghề làm dâu trăm họ, giờ kiêm thêm làm dâu chừng… 100 cán bộ y tế, ban ngành, dân phòng đủ kiểu nữa. Vậy mà đọc tin người dân mất việc bỏ Sài Gòn về quê, Trung lại in tấm bảng, ra cầu Sài Gòn đứng. “Chúng tôi có việc làm trong tòa nhà, lương và chính sách đầy đủ, bao ăn, bao ở. Anh em ở lại đi…”. Mỏi mòn như vậy, được dăm bảy cuộc điện thoại, xong ai nghe phải làm việc ở chung cư, dù chỉ là vệ sinh bên ngoài, cắt cây, giữ xe, thì đều tìm cách từ chối. Công nhận là vừa khổ, vừa khó. Cái công việc Trung làm, hình như, ai cũng… né.
Tôi nhớ, hồi xa xưa lắm ở Đà Lạt, nick yahoo của Trung là “Hãy_thắp_ánh_sáng”. Giờ ngồi uống bia với Trung, thấy nó hạnh phúc kể chuyện đã cùng các đồng đội là chị em bạn dì mù chữ, câm điếc hay lao động chân tay của mình đi qua mùa thương khó một cách ngoạn mục, mang bình an không chỉ cho công ty của mình, mà còn cho người dân ở gần 100 cái chung cư mà Trung quản lý.
Thắp ánh sáng, thắp niềm tin là có thật.
Bài: Trần Bung - Ảnh: NVCC