Đây là lần gọi vốn thứ hai của MoMo trong năm 2021. Với vòng gọi vốn mới, MoMo chính thức trở thành kỳ lân với định giá hơn 2 tỷ USD.

Trước đó vào tháng 1/2021, MoMo cũng công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D), từ các nhà đầu tư mới Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital, cùng các nhà đầu tư đang là cổ đông hiện hữu gồm Warburg Pincus, Affirma Capital, và Tybourne Capital Management. Vòng gọi vốn này do Goodwater Capital, một quỹ đầu tư tài chính đến từ Thung lũng Silicon (Mỹ) và Warburg Pincus cùng dẫn dắt. Vòng gọi vốn này ước tính khoảng 100 triệu USD.

MoMo cho biết sẽ sử dụng nguồn vốn mới để củng cố vị trí siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường, mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ (SME), siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam và tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư vào các công ty Việt Nam để mở rộng hệ sinh thái. Đồng thời, MoMo cũng sẽ mở rộng và tăng cường các dịch vụ của mình tại các thành phố cấp 2, cấp 3 cũng như các vùng nông thôn.

momo-5-1640059104.jpg

"Nguồn vốn đầu tư này thể hiện sự trân trọng và tin tưởng vào sứ mệnh của MoMo, đó là sử dụng công nghệ để cải thiện chất lượng cuộc sống người Việt, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính và những dịch vụ thiết yếu khác của cuộc sống một cách đơn giản, thuận tiện, với chi phí thấp.

Sự cam kết mạnh mẽ của các nhà đầu tư toàn cầu đối với nền tảng siêu ứng dụng MoMo, một sản phẩm công nghệ dành cho người Việt được xây dựng hoàn toàn bởi bàn tay và khối óc của các kỹ sư Việt Nam, chính là điều khích lệ lớn lao cho đội ngũ các kỹ sư tài năng của MoMo, thúc đẩy chúng tôi không ngừng đổi mới, sáng tạo và tạo ra các giá trị khác biệt", ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch HĐQT, đồng Tổng Giám Đốc MoMo chia sẻ.

Liên quan đến định giá sau gọi vốn, đại diện MoMo không cung cấp số liệu cụ thể, nhưng khẳng định giá trị ví điện tử này đã vượt 2 tỷ USD.

Tính đến nay, chính thức Việt Nam mới chỉ có 2 kỳ lân là VNG và VNLife, một trở thành kỳ lân năm 2014, một trở thành năm 2020. Mới nhất, Sky Mavis gọi vốn 152 triệu USD vòng Series B tương ứng mức định giá 3 tỷ USD. Cho dù có đội ngũ phát triển hầu hết là người Việt Nam, tuy nhiên Sky Mavis đăng ký kinh doanh tại Singapore.

Về MoMo, đây là một nền tảng ví điện tử do CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M-Service) phát triển cho phép người dùng thực hiện các thanh toán, giao dịch trên các thiết bị di động.

MoMo tự hào là ví điện tử số 1 Việt Nam với hơn 23 triệu người dùng, 120.000 điểm chấp nhận thanh toán và 30.000 đối tác kinh doanh. MoMo đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế lớn nhất tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ cho hơn 90% người dân có tài khoản ngân hàng trên cả nước.

Về Mizuho, đây là một trong các ngân hàng toàn cầu có lượng khách hàng lớn nhất tại Nhật Bản và sở hữu một mạng lưới quốc tế rộng khắp bao gồm các trung tâm tài chính, kinh doanh trên khắp thế giới. Mizuho đã hoạt động ở Việt Nam từ 1996. Trong lĩnh vực ngân hàng, Mizuho là cổ đông và đối tác chiến lược với Vietcombank, một trong các ngân hàng lớn nhất của Việt Nam.