Theo thông tin từ Nikkei Asia, Ngân hàng Mizuho (Nhật Bản) sẽ mua cổ phần của CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M-Service) – công ty sở hữu Ví điện tử MoMo. Cụ thể, ngân hàng này dự kiến đầu tư tối đa 170 triệu USD để mua lại 7,5% cổ phần vào cuối năm nay. Nếu như thương vụ này thành công, định giá của M-Service đạt mức 2,27 tỷ USD.

Với mức định giá hấp dẫn từ MoMo, CTCP Chứng khoán Thiên Việt (TVS) sẽ là một trong những nhà đầu tư thu về được khoản lợi nhuận khủng. Tính đến 30/6/2021, Chứng khoán Thiên Việt sở hữu 918.414 cổ phần M-Service, tương ứng gần 6% vốn cổ phần chủ sở hữu Ví điện tử MoMo, theo dữ liệu từ Cafef.

Trong trường hợp toàn bộ cổ phần Mizuho mua là phát hành mới thì tỷ lệ sở hữu của Thiên Việt sẽ giảm xuống còn 5,55%. Còn trong trường hợp mua phát hành thêm, tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư cũ có thể bị pha loãng bởi ngân hàng Mizuho có thể mua cổ phần phát hành thêm hoặc mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư khác. 

Theo báo cáo tài chính vào 30/9/2021, Thiên Việt cho biết giá gốc của khoản đầu tư vào Momo chỉ khoảng 27,85 tỷ đồng. Sau 10 năm, giá trị cổ phần Chứng khoán Thiên Việt nắm giữ có thể lên đến hơn 120 triệu USD, tương đương khoảng 2.800 tỷ đồng, dựa trên mức định giá tạm tính từ giao dịch của Mizuho. 

Về MoMo, đây là một nền tảng ví điện tử do CTCP Dịch vụ Di động Trực tuyến (M-Service) phát triển cho phép người dùng thực hiện các thanh toán, giao dịch trên các thiết bị di động.

MoMo tự hào là ví điện tử số 1 Việt Nam với hơn 23 triệu người dùng, 120.000 điểm chấp nhận thanh toán và 30.000 đối tác kinh doanh. MoMo đang kết nối trực tiếp với 28 ngân hàng trong nước và quốc tế lớn nhất tại Việt Nam và cung cấp dịch vụ cho hơn 90% người dân có tài khoản ngân hàng trên cả nước.

momo-2-1639682341.jpg
MoMo tự hào là ví điện tử số 1 Việt Nam với hơn 23 triệu người dùng

Để xây dựng được vị thế hàng đầu trong lĩnh vực ví điện tử như hiện nay, Momo đã chi rất mạnh tay trong những năm gần đây. Cụ thể, trong 2 năm 2019 và 2020, Momo đều lỗ hơn 850 tỷ đồng với tổng lỗ lũy kế đến cuối năm 2020 là khoảng 2.700 tỷ.

MoMo là công ty có nhiều triển vọng phát triển trong tương lai nên Thiên Việt chưa muốn thoái vốn tại công ty này, bà Đinh Thị Hoa – Phó Chủ tịch HĐQT TVS cho biết tại đại hội đồng cổ đông bất thường của công ty tổ chức hồi tháng 3/2021.

Đồng thời, MoMo là một trong những khoản đầu tư mà ban lãnh đạo Thiên Việt rất tự hào khi nhắc đến. Trong năm 2020, MoMo cũng đã đạt được kết quả kinh doanh ngoạn mục khi tăng gấp đôi số lượng khách hàng lên 23 triệu tài khoản và tăng tổng lượng giao dịch 3,5 lần lên 14 tỷ USD. Đầu năm 2021, MoMo thông báo đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D). .

Ngoài ví điện tử MoMo, Thiên Việt còn đang đầu tư vào một công ty fintech triển vọng khác là CTCP Finhay Việt Nam (sở hữu ứng dụng đầu tư Finhay) với giá gốc khoản đầu tư 19,8 tỷ đồng tại thời điểm 30/9/2021.

Về CTCP Chứng khoán Thiên Việt (TVS), công ty được thành lập vào năm 2006 với tổng số vốn điều lệ là 43 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty là: môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn tài chính, đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán. Theo báo cáo thường niên vào năm 2020, tổng tài sản TVS đạt 3.911 tỷ đồng, doanh thu đạt 635 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 288 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh, nửa đầu năm 2021, doanh thu hoạt động của TVS đạt 556 tỷ đồng, tăng 131,6% so với nửa đầu năm 2020. Bên cạnh đó, chi phí hoạt động tiết giảm được 7,9% dẫn tới lợi nhuận sau thuế đạt gần 299 tỷ đồng, tăng 851,5%.

Hiện nay, Chủ tịch HĐQT của CTCP Chứng khoán Thiên Việt là ông Nguyễn Trung Hà. Ông Hà được biết đến như là một chiến lược gia kinh doanh hàng đầu với bề dày kinh nghiệm đầu tư qua hơn 30 công ty trong nước.

momo-4-1639682341.jpg
Ông Nguyễn Trung Hà - Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Thiên Việt

Trước khi trở thành doanh nhân, ông Nguyễn Trung Hà từng là một học sinh giỏi Toán. Ông từng học chuyên Toán trường Chu Văn An, Hà Nội. Năm 1978, ông Hà đạt giải ba HSG Toán quốc tế ở Rumani. Sau đó, ông được cử sang Nga học chuyên ngành toán học tại Lomonosov. Ông là người đầu tiên tại Việt Nam 2 lần đạt giải nhất trong khoá nghiên cứu khoa học của đại học Lomonosov (Nga).

Ông Hà là một trong những thành viên sáng lập của tập đoàn FPT trong 1988 và là người hoạch định chiến lược của FPT trong nhiều năm. Bên cạnh đó, ông cũng là thành viên sáng lập của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Vào năm 1998, ông Nguyễn Trung Hà bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng khi thành lập Công ty Bất động sản Tôgi. Vài năm sau đó với kinh nghiệm đã có, ông Hà đã đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT, Uỷ viên HĐQT hơn 27 công ty. Hiện nay, các công ty có mặt ông Hà trong HĐQT đều đã là những ông lớn có tên tuổi trong lĩnh vực của bản thân.

Năm 2006, ông Hà tham gia thành lập Chứng khoán Thiên Việt và từ 2007 đến nay, ông luôn giữ vị trí chủ tịch HĐQT của TVS.

Theo các báo cáo của TVS, ông Hà cũng tham gia HĐQT và giữ chức vụ Chủ tịch tại nhiều công ty như: CTCP Carbon Việt Nam, CTCP Mô phỏng Họa đồ, CTCP phim Thiên Ngân, CTCP Truyền thông và giải trí Galaxy, CTCP Đầu tư tài chính bất động sản Tôgi, CTCP SkyFarm, Công ty TNHH bất động sản Hà Liên, Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Hồng Thủy.

Đặc biệt, ông Nguyễn Trung Hà từng nổi tiếng với vụ việc chi 32 tỷ đồng để cứu bạn tù là Nguyễn Xuân Sơn trong vụ án Hà Văn Thắm.