Tại Việt Nam Nguyễn Trung Hà từng nổi tiếng với vụ việc chi 32 tỷ đồng để cứu bạn tù là Nguyễn Xuân Sơn trong vụ án Hà Văn Thắm. Ông Hà là một trong những sinh viên ưu tú tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Lomonoxop; với chuyên ngành toán học. Ông là người đầu tiên 2 lần đạt giải nhất trong khoá nghiên cứu khoa học của đại học Lomonosov (Nga). Với xuất thân từ toán nhưng câu nói người làm toán là ‘tự sướng’ với mệnh đề "người giỏi làm toán rất lãng phí" khiến giới toán học tranh luận sôi nổi một thời. Tuy nhiên, chắc ít người biết đến ông như là doanh nhân có tiếng trong những người trở về từ Đông Âu khi là ông chủ “ngầm” trong giới Hội đồng quản trị (HĐQT) của nhiều doanh nghiệp tài chính, bất động sản hay truyền thông.
Thời còn đi học, Nguyễn Trung Hà bắt đầu cơ duyên từ lớp chuyên Toán của trường Chu Văn An và trong đội tuyển toán thi quốc tế. Sau đó ông Hà đạt giải ba IMO ở Rumania năm 1978. Được cử đi học ĐH Tổng hợp Lomonosov, Liên Xô thời kỳ đó.
Khi về nước, ông được vào làm việc tại Viện cơ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam ngày nay. Ttuy nhiên khi con đường sự nghiệp thăng tiến thuận lợi, Nguyễn Trung Hà bất ngờ thử thách bản thân với nghiệp kinh doanh. Ông cùng với Trương Gia Bình, Nguyễn Thành Nam… cùng các cộng sự thành lập Công ty Công nghệ Chế biến Thực phẩm. Sau đó, để thuận tiện cho những giao dịch quốc tế; tên công ty đã được dịch sang tiếng Anh thành The Food Processing Technology Company; và cuối cùng tên công ty được rút ngắn lại còn 3 từ FPT. Từ năm 1988 – 1993, ông là Giám đốc tài chính của FPT.
Với định hướng xây dựng công ty theo mô hình tập đoàn. Năm 1993-1995, Nguyễn Trung Hà cùng một số đồng sự trong FPT tách ra thành lập công ty Zodiac; với triết lí “Dùng trí tuệ, làm ít, không chăm chỉ mặc thành công mới là người thực tài”. Trong thời gian này, ông Hà còn được mọi người trong giới đầu tư biết đến; với việc là một trong những nhà sáng lập của Ngân hàng TMCP Á châu (ACB); và là Giám đốc chi nhánh Hà Nội tư năm 1994 – 1997.
Năm 1998, ông bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng khi thành lập Công ty Bất động sản Tôgi.
Vài năm sau đó với kinh nghiệm đã có; ông Hà đã đảm nhiệm Chủ tịch HĐQT, Uỷ viên HĐQT hơn 27 công ty. Hiện nay, các công ty có mặt ông Hà trong HĐQT đều đã là những ông lớn có tên tuổi trong lĩnh vực của bản thân.
Năm 2007, ông Hà tham gia thành lập Chứng khoán Thiên Việt; và từ 2007 đến nay, ông luôn giữ vị trí chủ tịch HĐQT của TVS.
Theo các báo cáo của TVS, ông Hà cũng tham gia HĐQT và giữ chức vụ Chủ tịch tại nhiều công ty như: CTCP Carbon Việt Nam, CTCP Mô phỏng Họa đồ, CTCP phim Thiên Ngân, CTCP Truyền thông và giải trí Galaxy, CTCP Đầu tư tài chính bất động sản Tôgi, CTCP SkyFarm, Công ty TNHH bất động sản Hà Liên, Công ty TNHH Thương mại và Kỹ thuật Hồng Thủy.
Dù sở hữu khối tài sản không kém cạnh đại gia nào và quyền lực cực cao trong giới tài chính, truyền thông hay bất động sản. Thế nhưng, lý lịch của ông chỉ thực sự được mọi người biết đến; thông qua việc dám chi 32 tỷ để cứu người bạn thân Nguyễn Xuân Sơn tù tội.
Ngoài việc rất thành công trên thương trường, ông Nguyễn Trung Hà còn được biết đến là một người rất gần gũi trong cuộc sống đời thường: ông như thích ăn sườn nướng có nhiều mỡ, sống hết lòng với bạn bè, nghiện thuốc lá và có sở thích uống rượu.
Bên cạnh đó, ông có khả năng nhận xét con người khá chính xác, óc nhận xét tinh tế và cái lưỡi rất nhọn nên được bạn bè tôn trọng và quý mến.
Ông từng nhiều lần chia sẻ: "Tôi rất may mắn khi có được nhiều bạn, đồng sự làm điều hành tốt, nên tôi chỉ còn mỗi việc… “chém gió” thôi. Nếu bạn thấy tôi hành động có phần bảo thủ là bởi tôi làm việc chủ yếu với các cơ hội - rủi ro, do đó thường nhìn thấy nhiều nguy cơ".
Mô tả về ông Nguyễn Trung Hà, ông Lê Quang Tiến, nguyên Phó Chủ tịch FPT, đã viết như sau trong sử ký 10 năm FPT (1998):
“Hà “Bờm”cũng là một tay nghiện thuốc lá nặng, có biệt tài uống rượu như nước lã và hầu như không say. Anh có năng khiếu bẩm sinh về bài bạc và tài chính. Anh tham gia FPT ngay từ ngày thành lập. Đến năm 1994 thì anh sang làm Giám đốc Ngân hàng ACB chi nhánh Hà Nội, từ năm 1988 anh làm TGĐ Công ty Tôgi. Hà “Bờm” có tài xem tướng và tử vi, cộng thêm cách nói nhát gừng, thâm thuý nên quanh luôn có một lớp khói đầy vẻ bí hiểm bao phủ. Anh có khả năng nhận xét con người khá chính xác, óc nhận xét tinh tế và cái lưỡi rất nhọn nên được bạn bè tôn trọng và quý mến”.
Một người bạn khác của ông là Vũ Hoàng Nam từng viết về ông Hà như sau: Trông Trung Hà lụ khụ như ông cụ đồ nho, kính cận, dép lê, nói năng chậm rãi nhưng câu nào “xắt ra miếng” câu đấy, còn uống rượu thì không kém cả 3 bác kể trên, và có đam mê vượt trội đó là “52 quân”. Anh có trí nhớ siêu và phán đoán tốt lắm, hay thắng nhưng đó không phải là mục tiêu, mà anh đánh để được trải nghiệm, để được sống trong thế giới yêu thích của anh. Anh chỉ thích đánh bài với người trình độ tương đương, nếu anh hay người chơi nào đánh sai một lỗi (để mất “con gà” chẳng hạn), anh có thể nhớ và xuýt xoa hàng tháng sau, còn nếu ai đánh sai lỗi thô thiển thì y như rằng sau này có rủ, có thiếu “chân” anh cũng thoái thác không muốn đánh cùng…
Ông Nguyyễn Trung Hà và giao sư Ngô Bảo Châu
Dưới đây là bài phỏng vấn ông Nguyễn Trung Hà đăng trên Vietnamnet năm 2006 về việc ông từ bỏ Toán học để chuyển sang kinh doanh khiên giới học toán sôi sục một thời!
Trong quá trình đi tìm nhân vật cho loạt bài này, với mục đích tiếp cận những cựu HSG quốc tế thành danh trong lĩnh vực kinh doanh, tôi nhận được không dưới 10 lời giới thiệu của nhiều doanh nhân thành đạt về Nguyễn Trung Hà.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện cuối tháng 11/2005. Thẳng thắn và thực tế, đôi chút cực đoan (?), nhiều ý kiến của anh có thể sẽ gây ra tranh cãi hay dư luận trái chiều.
Toán học không có nhiều ý nghĩa với xã hội
Trước khi là một nhà đầu tư, anh từng là một học sinh giỏi Toán?
Năm 1978, đạt giải ba HSG Toán quốc tế ở Rumani, cùng 40 người đạt điểm cao nhất trong kỳ thi đại học, tôi được gửi lên trường quân sự trên Vĩnh Phúc để ôn luyện tiếng, chuẩn bị cho việc sang Nga.
Năm sau, tôi sang MGU (ĐH Tổng hợp Moskva) học khoa Toán Cơ, ngành Toán lý thuyết, lại chọn Lý thuyết số, môn cổ điển và kém ứng dụng nhất trong các nhánh của Toán học. Nhưng chưa hết đại học thì tôi chán. Tôi tự nhận thấy học Toán xong, rồi cũng không để làm gì.
Vì sao?
Tôi cho rằng, những gì dân Toán làm là: Tự đặt vấn đề, Tự giải quyết vấn đề rồi lại Tự hoan hô. Nói chung là một chuỗi công đoạn “tự sướng” và ít có ích cho người khác. Nói cách khác, giá trị của việc học Toán và làm Toán không cao.
Toán học vẫn được coi là nền tảng của nhiều môn khoa học khác. Những điều anh nói dường như phủ nhận một quan niệm được rất nhiều người thừa nhận?
Kiến thức Toán khá cần thiết trong nhiều lĩnh vực, trong cuộc sống. Nhưng, những thứ thực sự cần thiết cũng chỉ ở tầm vừa vừa thôi, nói nôm na là 1+1=2, chứ không phải những cái hoành tráng, trừu tượng, cao siêu. Mà, Toán học bây giờ đi xa lắm rồi, ở tận chân trời nào rồi.
Đa phần những vấn đề mà các nhà Toán học nghiên cứu, là do họ tự đặt ra, tự thấy rằng nó rất có ích, rồi tự đi tìm lời giải và cũng chỉ có họ, hoặc những người theo đuổi Toán ở tầm của họ mới hiểu được.
Vì không có ai hiểu được ngoài mấy ông Toán biết với nhau, nên cũng là các ông tự hoan hô nhau. Ông này khen ông khác giỏi, khen những vấn đề xyz nào đó là giải quyết được mấu chốt, là có ý nghĩa, ảnh hưởng rất lớn… và dân chúng, xã hội, thực ra là chẳng hiểu tẹo nào về vấn đề đó… tung hô theo.
Anh có nghĩ rằng những điều này sẽ động chạm?
Tất nhiên, bất cứ chuyện gì nhạy cảm cũng có thể động chạm. Nhưng, tôi nói với tư cách không phải người ngoại đạo. Tôi cũng từng học Toán. Rất, rất nhiều bạn bè tôi cũng là dân Toán… Trong giới Toán nói chuyện với nhau cũng rất hiểu điều đó. Chúng tôi còn dùng nhiều từ “trần trụi” hơn nhiều: chẳng hạn thủ dâm tư tưởng (cười to). Vô nghĩa! Ông này Tiến sỹ, anh kia Tiến sỹ… toàn giải quyết vấn đề vô nghĩa.
Anh từng học Toán, tức là cũng đã từng thấy rằng nó có ích. Mất bao lâu để anh đi đến kết luận ngược như bây giờ?
Tất nhiên, ngày xưa, tôi không nghĩ ngay được cái điều mà tôi thấy bây giờ. Thời đầu, cũng như rất nhiều SV Toán khác, tôi rất thích làm Toán. Mỗi lần tự giải quyết được một bài toán, một vấn đề nào đó thì thấy rất sướng. Và, nếu có ai đó xung quanh hoan hô thì càng vui, hay tự mình hoan hô cũng thấy hay, cũng đủ để thoả mãn (cười).
Nhưng, cuộc đời có những thời điểm, những cột mốc có thể làm người ta thay đổi cách suy nghĩ. Thay đổi một cách sâu sắc, về chất.
Năm 1982, tôi bị lao phổi và phải vào nằm trong Viện lao Moskva mất 1 năm. Thời gian này, rảnh rỗi nên tôi có nhiều thì giờ suy ngẫm về cuộc đời. Sau khi ra Viện, tôi trở thành người khác hẳn, trong cách nhìn cuộc sống. Tự dưng, tôi nhận thấy một cách rất rõ ràng sự vô nghĩa của những cái mình đang theo đuổi, cụ thể là việc học Toán, hay việc mình muốn đạt cái nọ, cái kia.
Người giỏi làm Toán là sự lãng phí
Nhưng, có một thực tế là dân Toán đa phần là những người giỏi và họ dễ thành công, kể cả khi chuyển sang các ngành khác. Tức là Toán học có ích, ít nhất về mặt đào tạo?
Có một số khái niệm bị đóng khung trong suy nghĩ. Nói thịt nghĩ ngay là thịt lợn, chứ không phải thịt gà, thịt cừu, thịt bò… Nói giỏi hầu như chúng ta cũng hiểu là giỏi Toán, nếu giỏi Văn, giỏi Lý, Hoá, Nhạc, Hoạ… sẽ cần phải chua thêm mấy cái danh từ phụ.
Cá nhân tôi nghĩ có sự nhầm lẫn ở đây. Nhiều người nghĩ những người học giỏi Toán khi nhảy sang các ngành khác làm cái gì cũng dễ giỏi, dễ thành công, tôi lại cho rằng, những người giỏi Toán, bản thân họ là những người giỏi, tức là họ có nhiều tố chất về trí tuệ để dễ thành công… Mà người giỏi thì học gì, làm gì cũng dễ giỏi kể cả học Toán.
Chẳng qua, người có trí tuệ tốt từ bé thường được hướng, hoặc tự chọn vào những môn mang tính khoa học, nhất là Toán. Thành ra, mật độ những người giỏi “dính dáng” đến Toán là tương đối cao, nên dẫn đến sự đánh đồng khái niệm: dân Toán là dân giỏi. Sự lãng phí ở đây là lẽ ra phải cho những người giỏi đó học ngành khác hữu ích hơn là Toán.
Nhưng rõ ràng, rất nhiều kiến thức của Toán đã và đang được áp dụng trong rất nhiều ngành nghề khác nhau?
Chúng ta nhầm lẫn trong việc định nghĩa thế nào là ứng dụng, dẫn đến hiểu Toán có ứng dụng trong nhiều ngành. Không phải vậy. Toán hoàn toàn không có ứng dụng. Tôi nghĩ kiến thức Toán ở bậc ĐH là bắt đầu không cần thiết. Càng nghiên cứu lên cao, Toán càng ít tính ứng dụng hơn. Lúc đó, nó chỉ phục vụ cho những sự phát triển nội tại của bản thân nó thôi. Tôi cho rằng vô ích. Nếu muốn nước ta đi nhanh hơn thì có lẽ nên bỏ qua ngành học này.
Anh có mạnh miệng quá không?
Đó là sự thực. Để nói là vô ích hay không thì xác định xem ta đứng ở điểm nào đó để nhìn. Nhiều người cứ lý luận, hoặc có thể chính họ tin rằng, Toán hữu ích. Nhưng, nhìn ở góc độ phát triển kinh tế xã hội nước ta hiện tại, cống hiến của Toán thực sự không có gì.
Vậy, anh nói thế nào, khi vẫn luôn có những hình thức tôn vinh đóng góp của các nhà Toán học? Và, cả những nỗ lực và sự đầu tư để Toán phát triển. Phải chăng xã hội nhầm lẫn hết?
Toán là một trò chơi. Tôi ví dụ, thi nhảy cao chẳng hạn, cũng là một trò chơi, một trò thể thao. Bản thân cái việc nhảy cao, chẳng có ý nghĩa gì cả, ngoài 1 điều duy nhất là có tác dụng về tinh thần. Nó có thể thoả mãn khát khao chinh phục một cái gì đấy, hay thúc đẩy cho nhiều người yêu thích và hứng thú luyện tập thể dục.
Toán học cũng vậy. Học tiếp lên, nghiên cứu tiếp lên, có thể ra được những cái khá hơn cái cũ, cũng như nhảy cao, cố gắng 2m10, rồi 2m12 sẽ đạt được mục tiêu là chinh phục kỷ lục nào đó. Ngoài ý nghĩa này thì toàn bộ công đoạn nỗ lực đó là vô nghĩa.
Vô nghĩa? Giải thưởng Clay của Ngô Bảo Châu được nhiều người coi là niềm tự hào là một ví dụ phản bác lại nhận định của anh?
Đúng, nó là sự tự hào. Về khía cạnh này thì rất có ý nghĩa.
Những nhà Toán học thành công, cũng như những VĐV thể thao thành công sẽ nuôi dưỡng được niềm tự hào cho những người liên quan, trong gia đình, thậm chí trong cộng đồng của họ. Nhưng, điều ấy có ý nghĩa gì khác, cũng như kỷ lục thế giới có ý nghĩa gì, ngoài cái danh kỷ lục?
Đừng vẽ son, tô hồng quá cho dân Toán. Phát triển xã hội thì đừng đưa những đầu óc tinh tuý nhất vào ngành Toán, để họ trăn trở với những việc tự đặt vấn đề rồi tự giải quyết vấn đề. Lãng phí. Những đầu óc ấy có thể làm được việc khác, hữu ích hơn nhiều lần.
Anh lấy những tiêu chí nào để đánh giá một cái gì đó là hữu ích?
Đơn giản thôi, một cái gì đó hữu ích là khi người ta dùng nhiều. Thực ra, chính xác hơn, dùng nhiều mới là có khả năng hữu ích chứ chưa dám chắc là hữu ích thật sự. Chứ nhiều kiến thức Toán cao siêu, trừ một bộ phận rất nhỏ của xã hội hiểu được, còn đa phần chẳng ai hiểu gì, thế thì nói gì đến dùng hay ứng dụng.
Những nhà Toán học hi sinh vì xã hội để đi lừa đảo đám đông. Họ có đóng góp rất ít ngoài việc việc làm gương để khích lệ thêm nhiều trí tuệ tinh hoa khác đi theo vào con đường đó, mà chính ra, ngay cả điều này không nên nhìn nhận là đóng góp.
Cố gắng không lấy bằng nếu không bắt buộc
Quay lại trường hợp của anh, sau khi ra viện và thay đổi nhận thức về cuộc sống, anh hiện thực hoá suy nghĩ của mình như thế nào?
Sau đó, thực sự tôi chỉ học tiếp sao cho cốt hoàn thành nốt bậc học vì không còn cảm thấy hứng thú nữa. Tôi dành thời gian để học những thứ khác, tự học và học qua các thầy. Định kiếm thêm cái bằng Tâm lý nhưng thậm chí, tôi thấy ngay cả việc này cũng vô nghĩa nốt.
Về sau này, tôi vẫn theo học nhiều thứ khác, nhưng cố gắng không lấy bằng làm gì nếu không bắt buộc.
Năm 1985, tốt nghiệp MGU, tôi xác định ngay tinh thần không học tiếp làm gì, và về nước. May mắn, tôi có việc ngay tại Viện Cơ học, thuộc Viện Khoa học Viện Nam.
Thời đó, cơ chế chưa thoáng và xin việc không dễ, chắc anh có thuận lợi về mặt quan hệ?
Không biết vì lý do gì đấy, tôi được nhận ngay (cười). Có thể nói con đường sự nghiệp của tôi rất thuận lợi.
Anh bắt đầu nghiêng sang việc kinh doanh như thế nào?
Hồi đó, Viện Cơ thuộc dạng khá nhất về mặt năng động ứng dụng, làm kiểu chân trong chân ngoài…
Các bác lãnh đạo Viện lúc đó như bác Đạo (Nguyễn Văn Đạo), bác Điệp (Nguyễn Văn Điệp) đều yêu quý và tạo điều kiện cho nhân viên làm thêm bên ngoài. Chúng tôi lập nhóm ứng dụng cơ học vào điện lạnh, sấy… Hợp đồng ký dưới danh nghĩa của Viện, và Viện được phần trăm. Sau này, khi thấy việc tách ra riêng, có con dấu riêng sẽ thuận lợi hơn về mặt kinh doanh và cũng có lợi hơn, chúng tôi lập công ty.
Năm 1989, tôi lập công ty Zodiac (tên tiếng Việt là Hoàng đạo), trực thuộc Hội Tin học, kinh doanh máy móc, thiết bị tin học. Sau khi có Luật Doanh nghiệp (năm 1991), chuyển thành công ty TNHH. Dần dần, do nhu cầu phát triển mà những mảng kinh doanh sau này như ngân hàng, bất động sản, tin học… là sự tiến lên và mở rộng theo sự phát triển tất yếu.
Tức là, anh đến với kinh doanh do sự đưa đẩy của thời cuộc? Thời đó, với các nhà khoa học như các anh, tính riêng lương có đủ sống không?
Đủ, bằng chứng là tôi vẫn sống đây (cười). Không thể nói do đồng lương không đủ sống mà người ta chuyển sang kinh doanh được. Kinh doanh là việc tự thân.
Có thể, có những sai lầm lại dẫn đến thành công. Mình tưởng rằng mình giỏi và có thể làm được điều gì đó, nên cứ thế làm, và làm được, đâm ra lại càng nghĩ rằng mình giỏi thật. Sau này, khi có nhiều kinh nghiệm hơn rồi, nhìn lại mình biết trong những cái làm ấy có nhiều sai sót.
Tôi ra kinh doanh bắt đầu từ việc nghĩ rằng, mình làm kinh doanh giỏi. Thực sự, bây giờ tôi không ưa kinh doanh, mà lại thích làm Toán hơn.
Có mâu thuẫn với điều anh khẳng định: Toán là lãng phí và vô nghĩa?
Không mâu thuẫn. Làm Toán như một trò chơi thì vẫn thấy nó hay, nó đẹp. Làm Toán như một sự thủ dâm tinh thần thì vẫn tự thấy sướng, thấy hứng thú (cười). Mặc dù đúng là những trò chơi, hay sự “tự sướng” chẳng có ý nghĩa gì đối với xã hội. Còn kinh doanh không thấy vui, vì nó càng ngày càng bẩn.
Cụ thể hơn là cái gì bẩn: môi trường?
Tôi quen với môi trường logic hơn. Môi trường kinh doanh bây giờ có nhiều sự phi logic, đôi khi kết quả đạt được không phụ thuộc bản thân ý tưởng kinh doanh mà còn nhiều điều kiện phụ khác.
Muốn đầu tư vào những lĩnh vực liên quan đến công chúng
Cùng một lúc sở hữu nhiều công ty trong nhiều lĩnh vực, anh làm thế nào để vận hành và quản lý tốt?
Nói chung, ở tất cả mọi công ty, tôi đều không làm gì quá sâu sát. Thực ra thì người ta không thể biết được nhiều thứ, quan trọng là biết tổ chức. Quản lý kinh doanh đòi hỏi các kỹ năng, còn đầu tư đòi hỏi những ý tưởng.
Tôi ít biết (và vì thế không thích) quản lý kinh doanh nhưng tôi có nhiều ý tưởng và có thể nhận biết người chuyên môn giỏi và sâu hơn mình để làm các việc. Phần việc của tôi là đưa ra định hướng, chiến lược: chẳng hạn quyết định hướng đi, xác định mục đích, thời điểm làm, khả năng sinh lời, lên kế hoạch tài chính, huy động tiền vốn, lựa chọn đội ngũ lãnh đạo chủ chốt…
Anh có mặt trong rất nhiều lĩnh vực sôi động trong nền kinh tế thị trường, trong đó anh ưu tiên cho lĩnh vực nào?
Tôi muốn đầu tư vào những lĩnh vực liên quan đến công chúng: điện ảnh, bất động sản, ngân hàng, quảng cáo, báo chí…Sự thành bại trong kinh doanh ở những lĩnh vực này ít bị ảnh hưởng bởi các cơ quan công quyền.
Hiện tại anh coi “mảng” đầu tư lớn nhất của mình là gì?
Hiện tại, tôi đang cho mình nghỉ hưu. Thời gian lúc này dành nhiều cho việc đọc sách.
Anh đọc những sách gì?
Đọc rất tạp (cười) sách lịch sử, tiểu thuyết, triết học phương Đông…
Một chút về cá nhân anh?
Tôi sinh năm 1962, dân chuyên Toán Chu Văn An, lấy vợ được 21 năm, có 2 con gái. Vợ tôi là Tiến sỹ Toán – Lý, dân chuyên Toán ĐH Tổng hợp. Tôi là người lười biếng, thích suy nghĩ hơn là hành động, thích nói phét hơn là làm.
Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này.
Xem Serie bài: Ông trùm tài chính Việt Nam nhóm Đông Âu
Phần 1: Những người mở đường
Phần 2: (1984-1994) Tuổi trẻ sau cách mạng
Phần 3: Lập thân, Tề Gia,…(1994-2004)
Phần 4: Họ đã kiếm 1 triệu usd đầu tiên như thế nào?
Phần 5: Mì ăn liền cho hàng trăm triệu người
Phần 6: Thế chân kiềng của 3 tỷ phú việt từ mối quan hệ của vingroup, masan và techcombank
Phần 8: Những ông trùm tài chính Việt Nam : bí ẩn Đỗ Anh Dũng -Tân Hoàng Minh
Phần 9: Những ông trùm tài chính Việt Nam – Vũ Văn Tiền ông chủ Geleximco
Phần 10: Những ông trùm tài chính Việt Nam – nhóm Đông Âu: Chuyện 3 nhà vật lý đi buôn