Ngày 4/9, Công ty Cổ phần Dịch vụ di Động trực tuyến (M_Service) thông báo, ví điện tử MoMo đã chính thức chạm mốc 20 triệu người dùng sau 10 năm ra mắt thị trường Việt Nam.

Với con số này, MoMo là ví điện tử có nhiều người dùng nhất Việt Nam. Họ cũng tuyên bố đang trên đường trở thành Siêu ứng dụng lớn nhất Việt Nam.

Công ty M_Service ra đời vào năm 2007, chính thức ra mắt thương hiệu ví điện tử MoMo vào năm 2010. Công ty đã tiên phong mở đường cho lĩnh vực fintech và kinh tế số Việt Nam với sự hợp tác của 25 ngân hàng thương mại trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam.



Cơ cấu đổ đông được tiết lộ gần nhất là vào thời điểm tháng 11/2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại M_Service đã tăng lên 63,8% từ mức 47,27%. Các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào M_Service là các quỹ đầu tư. Tại thời điểm đó, vốn điều lệ của M_Service là 112,2 tỷ đồng, trong đó, E-Mobile VN Investments SIBV nắm 25,51% vốn và là nhà đầu tư nước ngoài sở hữu nhiều cổ phần nhất tại Fintech này, Standard Chartered Private Equity sở hữu 17,9%.

Theo những bài viết về Momo, M_Service được sáng lập bởi 4 sáng lập viên, đều là những người được đào tạo bài bản và từng du học nước ngoài.
Sáng lập viên đầu tiên là nữ doanh nhân Nguyễn Thị Minh Hiền, một nữ doanh nhân đã từng là nhà phân phối điện thoại di động trong nhiều năm, Anh Nguyễn Bá Diệp,  từng làm việc ở VNPT, Phạm Thành Ðức - một lãnh đạo cao cấp của FPT và anh Nguyễn Mạnh Tường, tốt nghiệp Ðại học Chicago của Mỹ.

Trở thành Siêu ứng dụng lớn nhất Việt Nam khi chạm mốc 20 triệu người dùng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh và ai là chủ nhân của MoMo vẫn là một ẩn số chưa được bật mí trên thương trường. Hầu hết những người xuất hiện trên truyền thông đều là Phó chủ tịch hoặc CEO trong khi chưa bao giờ mọi người biết chủ tịch MoMo là ai!

Và trước sự thành công mới của MoMo, người ta lại nghĩ về một cái tên được coi là “idol” của dân công nghệ, từng được gọi là “quái nhân” FPT: Trương Đình Anh.



Cuối năm 2012, Trương Đình Anh từ chức Tổng giám đốc FPT bởi những mâu thuẫn trong định hướng phát triển công ty với Hội đồng quản trị. Sau đó, trong một số hồ sơ cá nhân đăng tải, ông Trương Đình Anh có ghi thông tin đang đầu tư vào MoMo.vn và quỹ đầu tư ATAMS, trong đó hiện ông đang làm giám đốc ATAMS và là thành viên HĐQT MoMo.vn.

Cụ thể, ông Đình Anh đã tham gia vào MoMo từ tháng 4/2013 và tham gia vào ATAMS từ tháng 10/2012. Tuy nhiên, tỷ lệ sở hữu của ông Trường Đình Anh tại MoMo chưa bao giờ được tiết lộ.


Ngày 17/3/2016, MoMo đã nhận được 28 triệu USD từ các nhà đầu tư quốc tế. Trong đó Goldman Sachs là nhà đầu tư đầu tiên rót vốn vào MoMo vào năm 2013 với số tiền 5,75 triệu USD và họ tiếp tục công bố đầu tư 3 triệu USD vào dịch vụ này, còn 25 triệu USD còn lại do Standard Chartered Private Equity đầu tư.

Chỉ sau đó vài tháng, đến tháng 7/2016, thông tin Trương Đình Anh cùng gia đình sang Mỹ định cư đã được thông báo, để lại tuyên bố đình đám một thời: “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”.
Trong năm này, trao đổi với ICTnews, một nguồn tin cho biết, sau khi qua Mỹ, ông Trương Đình Anh vẫn tham gia vào hoạt động kinh doanh của MoMo. Cụ thể, ông vẫn là thành viên HĐQT của công ty và đưa ra những chỉ đạo về định hướng, chiến lược phát triển của công ty từ xa. Khi cần thiết, ông vẫn trở lại Việt Nam để tham gia vào các cuộc họp quan trọng liên quan đến việc kinh doanh của công ty.

Năm 2019, MoMo cho biết đã tiếp tục gọi vốn thành công. Công ty quản lý Quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân Warburg Pincus đầu tư vốn lần thứ 3 (Series C) vào CTCP Dịch vụ Di Động Trực tuyến M_Service.

MoMo không tiết lộ giá trị khoản đầu tư nhưng cho biết đây có thể nói là con số cao nhất cho đến hiện tại của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cho lĩnh vực Fintech và Thương mại điện tử tại Việt Nam.

Trước đó, ông Phạm Thành Đức – người được gọi là “đệ tử” của Trương Đình Anh từ khi còn làm ở FPT Telecom hiện là người giữ chức CEO kiêm người đại diện pháp luật của MoMo.

Ngoài ra, ảnh hưởng của ông Trương Đình Anh còn thể hiện qua câu chuyện được kể lại bởi ông Thái Trí Hùng, Phó TGĐ phụ trách Công nghệ.
Ông Hùng từng cho biết, năm 2013, những khái niệm như Mobile Payment (Thanh toán di động) hay QR code vẫn còn rất mới tại Việt Nam. Thái Trí Hùng làm một bài trình bày đơn giản giới thiệu ý tưởng này cho lãnh đạo ngân hàng nhưng bị từ chối.

Bước ngoặt đến khi dự án tình cờ được giới thiệu với ông Trương Đình Anh thông qua một người bạn. Khi đó, ông Trương Đình Anh vừa đầu tư vào MoMo và cảm thấy định hướng của dự án giống với những gì MoMo định làm.

“Anh Trương Đình Anh gửi cho tôi một email khiến tôi cảm động rơi nước mắt. Với những người làm công nghệ khi đó, Trương Đình Anh giống như một ‘idol’ (thần tượng). Tôi không bao giờ nghĩ sẽ nhận được email của anh ấy. Vì quá bất ngờ nên khi anh Trương Đình Anh bảo gửi CV tôi lại gửi nhầm file khác. Anh ấy trả lời lại là ‘chú gửi nhầm rồi’ khiến tôi rất xấu hổ”,

Sau đó, trong cuộc hẹn với Trương Đình Anh và một lãnh đạo của MoMo. “Anh Trương Đình Anh quay sang nói với anh đi cùng: ‘Anh thấy hay đấy, anh em rủ nhau làm chung đi’.

Tại buổi gặp mặt nhân dịp 10 năm ra mắt, lãnh đạo M-Service nhấn mạnh rằng tăng trưởng người dùng ví Momo đạt mức kỉ lục trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020. Nếu đầu năm 2015, lượng người dùng ví MoMo ở mức 500.000 người dùng thì sau 5 năm, con số này đã tăng gấp 20 lần, đạt 20 triệu tài khoản.

Hệ sinh thái của MoMo đã mở rộng với hơn 20.000 đối tác trong nước và quốc tế trên mọi lĩnh vực. MoMo có hệ thống hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán từ nhà hàng sang trọng đến các hộ kinh doanh cá thể nhỏ lẻ.