sabeco-31018194-1618202441.jpg
 

Nội dung phân tích bao gồm:

P1: Cấu trúc pháp lý giao dịch (Deal Structure)

P2: Cơ cấu vốn của thương vụ (Financing)

P3: Định giá Sabeco (Valuation)

  1. P3.1: ThaiBev là ai?

  2. P3.2: Sabeco đáng giá bao nhiêu?

P4: Chiến lược thoái vốn (Exit Strategy)

PHẦN III: ĐỊNH GIÁ SABECO (VALUATION) - SABECO ĐÁNG GIÁ BAO NHIÊU?

Như có phân tích trong bài trước đó về định giá Sabeco, ThaiBev là một đại gia trong ngành bia rượu tại thị trường Thái Lan khi thống trị hơn 90% thị phần rượu và 35% thị phần bia. Nguồn lực tài chính chủ yếu của tập đoàn này đến từ mảng rượu khi mảng kinh doanh này đóng góp hơn 90% trong tổng lợi nhuận và EBITDA của tập đoàn ThaiBev.

Việc mua lại Sabeco với mức giá rất cao và tài trợ thương vụ với 83% bằng trái khoán, khiến áp lực về việc tăng trưởng của Sabeco trong tương lai là rất lớn. Theo như tính toán của bài trước, với thời gian thu hồi vốn là 10 năm, Sabeco cần tăng trưởng ít nhất mỗi năm 24% mới có thể thỏa mãn được chi phí vốn từ các trái chủ cũng như chi phí cơ hội của các cổ đông ThaiBev. Để xem mức tăng trưởng mà ThaiBev kỳ vọng có hợp lý, chúng ta sẽ cùng phân tích các khả năng sau:

Tiềm năng tăng trưởng doanh thu từ ngành Bia

  1. Quy mô thị trường bia có tăng mạnh trong thời gian tới?

  2. Sabeco với sự hậu thuẫn của ThaiBev sẽ gia tăng thêm thị phần từ việc lấy thị phần của đối thủ?

  3. ThaiBev sẽ cải tiến hệ thống quản trị, tối ưu hóa chi phí và qua đó tăng lợi nhuận biên của Sabeco?

Tiềm năng tăng trưởng từ mảng kinh doanh khác

  1. ThaiBev sẽ tận dụng kênh phân phối của Sabeco để kinh doanh các sản phẩm đồ uống mang thương hiệu của ThaiBev?

  2. Sabeco nắm trong tay nhiều khu đất vàng, ThaiBev với kinh nghiệm phát triển bất động sản của mình tại Thái Lan, sẽ giúp Sabeco khai thác tiềm năng của các bất động sản này

Tiền thân của Sabeco là Nhà máy bia Chợ Lớn thuộc hãng B.G.I của Pháp, sau đó được Nhà nước Việt Nam tiếp quản. Ngày 17/05/1977 Nhà máy Bia Sài Gòn được thành lập và đến năm 2003, Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) có Quyết định số 74/2003/QĐ-BCN thành lập Sabeco trên cơ sở tổ chức lại Công ty Bia Sài Gòn và các Công ty rượu Bình Tây, Công ty Nước giải khát Chương Dương và Nhà máy Thủy tinh Phú Thọ. Sabeco được cổ phần hóa năm 2007 theo Quyết định 1862/QĐ-TTg và chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.Hồ Chí Minh ngày 6/12/2016 với mã chứng khoán SAB.

Trước thời điểm Sabeco được mua lại bởi ThaiBev, Sabeco có 1.227 cổ đông, trong đó Bộ Công thương là cổ đông lớn nhất, đồng thời nắm quyền chi phối với 89,59 % cổ phần. Các nhà đầu tư nước ngoài đang sở hữu 9,39% cổ phần, trong đó khoảng 5% được sở hữu bởi hãng bia Heineken. Các cổ đông nhỏ lẻ còn lại nắm giữ 1% cổ phần tại SAB, và đây cũng là lượng cổ phiếu trôi nổi và được giao dịch thường xuyên trên TTCK.

Vào thời điểm 2017, SAB đang có 23 nhà máy sản xuất bia trải dọc toàn quốc với tổng công suất thiết kế đạt trên 1.8 tỷ lít bia/năm. Chiến lược của SAB là tập trung vào phân khúc bia phổ thông, đây là phân khúc bia lớn nhất chiếm tới 59% tổng tiêu thụ toàn ngành (còn lại là phân khúc bia cao cấp chiếm 10% và bia giá rẻ chiếm 31% tổng tiêu thụ).

Sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco từ năm 2011 đến 2016 (Nguồn: Báo cáo thường niên SAB)

Đối với khả năng thứ nhất liên quan đến quy mô thị trường bia, theo số liệu thống kê từ Euromonitor, thị trường bia Việt Nam có mức tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 7.7%/năm trong giai đoạn từ 2010 đến 2016. Và cũng trong giai đoạn này, sản lượng tiêu thụ của Sabeco cũng tăng trưởng 6.5%/năm. Theo dự báo của Euromonitor, tốc độ tăng trưởng của thị trường bia Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6%/năm từ 2016 đến 2020, trong đó phân khúc bia phổ thông được dự báo tăng trưởng cao hơn đạt 7.1%/năm. Với giả sử Sabeco có thể duy trì được thị phần của mình trong các năm tới, thì việc mức tăng trưởng của thị trường bia phân khúc trung bình chỉ hơn 7% thì sẽ khó thỏa mãn được mức tăng trưởng yêu cầu của ThaiBev là 24%. Vậy khả năng tăng thị phần từ các đối thủ cạnh tranh thì thế nào?

Theo Euromonitor, thị phần của Sabeco cuối năm 2017 đạt 42%, gấp đôi so với đối thủ đứng thứ hai là Heineken và gấp 2.5 lần so với đối thủ đang ở vị trí thứ ba cùng phân khúc bia phổ thông đó là Habeco.

Như phân tích ở bảng thống kê trên, có thể thấy để gia tăng thị phần, Sabeco sẽ phải phát triển các sản phẩm phân khúc cao cấp để cạnh tranh với Heineken và đánh chiếm thị trường Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ của Habeco, Carlsberg đang chiếm lĩnh.

Đối với phân khúc cao cấp, sản phẩm chủ lực của Sabeco đó là Saigon Special, chỉ chiếm thị phần 24%, trong khi đó 2 sản phẩm của Heineken là bia Tiger chiếm 48%, và bia Heineken chiếm 20% vào 2016. Như vậy có thể thấy, ở thị trường bia cao cấp, Heineken NV đang dẫn đầu phân khúc này với hơn 68% thị phần. Đáng chú ý đó là phân khúc bia cao cấp không phải là lợi thế của Sabeco và kể cả ThaiBev, trong khi đó Heineken là tập đoàn quốc tế nổi tiếng với phân khúc bia cao cấp. Tại thị trường Thái Lan, ThaiBev xếp thứ 2 về thị phần bia phổ thông với thương hiệu bia Chang nhưng ở phân khúc bia cao cấp, Heineken vẫn đang thống trị phân khúc cao cấp với 95% thị phần.

Thêm vào đó, việc cạnh tranh sản phẩm ở phân khúc này đòi hỏi sự thay đổi rất lớn về chất lượng sản phẩm và hình ảnh, cuộc chiến có khả năng sẽ kéo dài và kéo theo chi phí marketing và bán hàng cũng sẽ tăng mạnh và làm giảm biên lợi nhuận của các bên. Kết quả này rõ ràng không phải là điều ThaiBev mong muốn trong bối cảnh tập đoàn này cần tăng trưởng dòng tiền của Sabeco để phục vụ khoản nợ gần 4 tỷ USD.

Trích dẫn trả lời báo chí vào tháng 06/2019 của CEO Sabeco, ông Bennett Neo khi được hỏi về đối thủ Heineken

Họ là một công ty rất mạnh. Tôi từng làm việc ở đó và tôi cũng nhìn ra điểm mạnh và điểm yếu của họ. Họ mạnh ở phân khúc cao cấp và cận cao cấp nhưng yếu ở phân khúc bình dân hơn. Bivina bao nhiêu năm vẫn chưa phát triển được. Larue cũng có một số thành công nhưng ở mức giới hạn.
Nếu anh là một người bán xe Mercedes và giờ được bảo phải bán xe Kia thì anh có làm tốt không? Tôi nghĩ là khó. Bởi vì sản phẩm kia đắt tiền hơn, kỹ thuật bán hàng cũng khác hơn. Con người, nhân sự được thuê để bán xe Mercedes và Kia cũng khác nhau. Không dễ tí nào. Họ có những điểm mạnh và điểm yếu. Chúng tôi cũng vậy.

Việc khả năng đánh chiếm phân khúc bia cao cấp và cạnh tranh với Heineken được xem là chiến lược lâu dài, và cơ hội thành công sẽ khó đoán trước. Vậy việc giành thị phần của đối thủ cùng phân khúc Habeco, Carlsberg tại các thị trường Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thì thế nào?

Theo thống kê và nghiên cứu của VinaCorp & Pomegranate Asia cho thấy thị trường tiêu thụ bia chính của SAB tập trung ở khu vực các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Do đó, khả năng tăng trưởng doanh thu từ các thị trường phía Bắc vẫn còn khá lớn. Phân khúc bia phổ thông vốn là thế mạnh của Sabeco và ThaiBev, do đó việc thực hiện tăng thị phần từ đối thủ Habeco, Carlsberg được xem là khả thi hơn với cạnh tranh các đối thủ tầm cỡ như Heineken, đặc biệt trong bối cảnh Habeco đang dần dần đánh mất từ năm 2011 đến 2017 (giảm từ 20% thị phần xuống chỉ còn 16.7%). Ngoài ra, việc phát triển thị trường phía Bắc cần đầu tư hệ thống phân phối, Sabeco có nhiều lợi thế để phát triển nhanh thị trường này thông qua hệ thống phân phối của tập đoàn Phú Thái, một trong những công ty sở hữu mạng lưới phân phối rộng nhất phía Bắc, được công ty Berli Jucker (BJC) của tỷ phú Charoen thâu tóm vào năm 2015 và thông qua hệ thống siêu thị Metro Việt Nam cũng được tập đoàn TCC Holding của tỷ phú Charoen mua lại vào năm 2014, với 6 siêu thị tại khu vực phía Bắc và 4 siêu thị tại miền Trung.

Phân bổ thị trường cạnh tranh theo khu vực (Nguồn: VinaCorp & Pomegranate Asia)

Còn một cách thức nữa để tăng thị phần các khu vực phía Bắc đó là ThaiBev thâu tóm Habeco như cách đã thực hiện với Sabeco. Tới thời điểm 2017, Habeco đang thuộc sở hữu của Bộ Công Thương với 82% cổ phần và có kế hoạch thoái vốn trong năm 2017. Tuy nhiên, khả năng ThaiBev thâu tóm Habeco sẽ khó có thể xảy ra khi Carlsberg đang nắm giữ 17.34% cổ phần của Habeco từ năm 2009 và nắm quyền ưu tiên mua cổ phần số cổ phần chào bán của Bộ Công Thương theo như thỏa thuận hợp tác của 2 bên. Thêm vào đó, việc các đối thủ để cho ThaiBev tiếp tục thâu tóm Habeco để nâng tổng thị phần lên 60% là điều khó xảy ra, vì với thị phần này trong tay ThaiBev sẽ dễ dàng chi phối cả thị trường Bia và tạo cơ hội để đánh chiếm các phân khúc còn lại.

Điều đáng chú ý đó là Carlsberg đã thể hiện rõ tham vọng thâu tóm Habeco kể từ khi nắm giữ cổ phần của Habeco từ 2009. Không ít lần đại diện của Carlsberg đã đề xuất việc tăng sở hữu của Habeco lên 30% cổ phần. Và mong muốn này Carlsberg được Bộ Công Thương ủng hộ. Cuối năm 2012, Bộ Công Thương đã có thông báo về việc bán tiếp 13% vốn điều lệ của Habeco cho Carlsberg. Tuy nhiên sau đó việc bán vốn này gặp nhiều trở ngại và vẫn chưa được thực hiện.

Trích dẫn từ phát biểu của ông Vương Toàn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) chia sẻ tại hội thảo về thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước ngày 8/9/2017

 

"Do lộ trình thoái vốn Nhà nước có thay đổi, Chính phủ muốn thoái sâu tại Habeco nên họ (Carlsberg) muốn nắm 51%. Có điều do chúng tôi còn kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác như rượu, lương thực... mà các lĩnh vực này thì quy định cho nhà đầu tư ngoại chỉ ở mức 49% là tối đa", ông Toàn nói

Tập đoàn Carlsberg có trụ sở chính tại Đan Mạch, được thành lập 1847 và doanh thu hằng năm trên toàn thế giới lên đến 9.8 tỷ USD trong năm 2019. Carlsberg thâm nhập thị trường Việt Nam vào năm 1993, và sau đó sỡ hữu 50% cổ phần của Bia Huế vào năm 1994. Tính đến thời điểm 2017, Carlsberg đang nắm trong tay 9.7% thị phần với thị trường chủ yếu ở Miền Bắc và Miền Trung. Với tiềm lực của mình, nếu Habeco rơi vào tay của Carlsberg thì thị phần của Carlsberg sẽ lên đến 26%, vượt Heineken để trở thành đối thủ đứng thứ 2. Do vậy, nếu kịch bản này xảy ra sẽ khiến cho việc đánh chiếm thị trường miền Bắc của Sabeco dự báo gặp khó khăn hơn rất nhiều.

Gỉa sử trong kịch bản lạc quan, Sabeco sẽ thành công trong việc mở rộng tại thị trường miền Trung và miền Bắc và tổng thị phần sẽ tăng lên được 1%/năm, bằng với tốc độ mà Heineken lấy thị phần từ các đối thủ tại Việt Nam từ năm 2011 đến 2016 (tăng từ 17% lên 23%). Kết hợp với tốc độ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của trung bình ngành được dự báo là 7.1%/năm ở phân khúc bia phổ thông, giá bán tăng theo lạm phát là 6.1%/năm (lạm phát từ năm 2007 đến năm 2017, bình quân mỗi năm tăng 9.3%, tuy nhiên từ 2012 đến 2017 đã được kiểm soát tốt với chỉ 6.1%/năm). Như vậy, doanh thu của Sabeco sẽ được dự báo tăng trưởng ở kịch bản lạc quan vào mức 16.3%/năm cho 10 năm tới (chi tiết ở phần chú thích).

Đối với khả năng giảm chi phí và cải thiện biên lợi nhuận, theo thống kê của FPTS về các đối thủ kinh doanh Bia trên khu vực lân cận, thì biên lợi nhuận gộp trung bình của ThaiBev đạt 28.8% (so với Sabeco là 25.8%) và biên lợi nhuận ròng trung bình của ThaiBev đạt 12.6% (so với Sabeco là 10.7%). Điều này cho thấy ThaiBev quản lý chi phí hiệu quả hơn Sabeco, do đó nhiều khả năng sẽ giúp cải thiện biên lợi nhuận của Sabeco sau khi ThaiBev tiếp quản. Đáng chú ý là mức biên lợi nhuận của ThaiBev được xem là cao nhất so với các công ty bia khác trong cùng khu vực (xem bảng thống kê bên dưới).

Do đó, trong kịch bản lạc quan, biên lợi nhuận ròng của Sabeco có thể cải thiện 1.5%/năm cho 10 năm tới (theo thống kê từ 2008 đến 2017, Độ lệch chuẩn - Standard Deviation của tỷ suất biên lợi nhuận ròng của Sabeco là 1.5%).

Kết hợp với mức tăng trưởng doanh thu ở mức 16.3%, EBITDA sẽ có thể tăng trưởng ở mức 25.1%/năm cho 10 năm tới trong kịch bản lạc quan (chi tiết tính toán phần chú thích). Với tốc độ tăng trưởng này có thể thấy là ở mức khá cao, nhỉnh hơn so với mức tăng tưởng yêu cầu tối thiểu của ThaiBev là 24%/năm. Bên cạnh mảng kinh doanh Bia, ThaiBev còn có thể kỳ vọng thu nhập từ Sabeco thông qua các khoản đầu tư Bất Động Sản mà Sabeco đang nắm giữ.

Về mảng bất động sản, Sabeco nắm giữ 4 khu đất tại TP.HCM, toàn bộ đều là “đất vàng” khi nằm ở vị trí đắc địa và có diện tích lớn. Bên cạnh đó, còn có các bất động sản của các công ty liên kết mà Sabeco có cổ phần đang nắm giữ. Cụ thể, khu đất tại 46 Bến Vân Đồn (quận 4) là 3.872m2, khu đất tại 187 Nguyễn Chí Thanh (quận 5) là 17.406m2, khu đất tại 474 Nguyễn Chí Thanh (quận 10) là 7.729m2, khu đất tại 18/3B Phan Huy Ích (quận Tân Bình) là 2.216m2.

Đáng chú ý đó là TCC Land thuộc sở hữu của gia đình tỷ phú Charoen và cũng là một trong những công ty phát triển bất động sản hàng đầu Thái Lan đã đầu tư vào thị trường Việt Nam từ năm 1993, để sở hữu 65% cổ phần khách sạn Melia Hà Nội. Ngoài khách sạn Melia, tỷ phú Thái còn thông qua Công ty Fraser&Neave (F&N) sở hữu nhiều bất động sản khác như cao ốc văn phòng Melinh Point Tower tại TPHCM (F&N nắm 75% lợi ích của Me Linh Point Tower; 25% còn lại thuộc về Sabeco).

Năm 2016, công ty Frasers Centrepoint Limited (FCL) của vị tỷ phú này mua lại 70% cổ phần của CTCP phát triển nhà G Homes – công ty thành viên của CTCP Đầu tư thương mại bất động sản Anh Dương Thảo Điền (HAR). G Homes được UBND TP.HCM chấp thuận đầu tư dự án Khu nhà ở kết hợp thương mại, dịch vụ và văn phòng Thảo Điền có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Quy mô khu đất vào khoảng 9.642m2.

Theo tính toán, tổng giá trị thị trường của các bất động sản mà Sabeco đang nắm giữ tại cuối thời điểm 2017 là 8,410 tỷ đồng (tính tóan chi tiết ở chú thích). Theo thống kê của đơn vị batdongsan.com.vn thì giá nhà trung tâm ở HCM tăng gấp 21 lần ở các khu vực trung tâm trong 16 năm qua, tương đương với mức tăng tưởng 21%/năm. Giả sử rằng giá bất động sản có thể tăng trưởng mỗi năm là 21%/năm cho 10 năm tới, tổng giá trị thị trường kỳ vọng của các bất động sản này là 56,578 tỷ đồng. Trong đó, ThaiBev sở hữu 53.6% lợi ích, tương đương với tổng giá trị là 30,326 tỷ đồng.

Trong kịch bản lạc quan, kết hợp cả 2 mảng bia và bất động sản, với tổng thu nhập dự kiến được tạo ra đó là 181,178 tỷ đồng cho 10 năm tới, tương ứng với mức định giá 138,803 tỷ đồng (5.97 tỷ USD) cho 53.6% cổ phần của Sabeco. So với số tiền thực tế ThaiBev đã bỏ ra là 4.8 tỷ USD để thâu tóm 53.6% cổ phần thì đây là một thương vụ có hời cho ThaiBev nếu như xảy ra trong kịch bản lạc quan nhất. Ngoài ra, nếu tính toán giá trị Sabeco bao gồm cả mức thu nhập bất động sản thì mức tăng trưởng tối thiểu ở mảng kinh doanh Bia sẽ là 20.5%/năm (theo phương pháp quy nạp), thay vì mức 24.5% như có tính toán ở phần 3.1 trước đó.

Bên cạnh mảng kinh doanh Bia và Bất động sản, Sabeco còn có một lợi thế nữa mà ThaiBev nhắm đến đó là hệ thống phân phối được xây dựng hơn 140 năm của Sabeco.

Đến thời điểm 2017, Sabeco sở hữu 32,000 điểm phân phối với hệ thống 11 công ty thương mại chuyên phụ trách phân phối rải đều tại các tỉnh và đang là hệ thống phân phối bia lớn nhất tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Sabeco còn nắm cổ phần lớn nhất tại một công ty liên doanh liên kết là Sabetrans (SBC – HOSE) chuyên phụ trách khâu vận tải hàng hóa của SAB đến các đại lý và tổng kho trong cả nước.

Tham vọng đưa các danh mục sản phẩm đa dạng của ThaiBev vào thị trường Việt Nam đã được thể hiện rất rõ khi tập đoàn này đã thực hiện hàng loạt các thương vụ thâu tóm các đơn vị phân phối tại Việt Nam trước thương vụ Sabeco 2017. Cụ thể, thông qua công ty liên doanh Thai Corporation International (TCI), tập đoàn Berli Jucker (BJC) của tỷ phú Charoen đã mua lại chuỗi Family Mart với 43 cửa hàng vào thời điểm 2013. Năm sau đó, tập đoàn BJC tiếp tục chi 655 triệu Euro để thực hiện mua lại hệ thống siêu thị Metro với 19 siêu thị tại Việt Nam và thâu tóm 65% tập đoàn Phú Thái vào năm 2015.

Việc thực hiện thâu tóm hệ thống phân phối sẽ giúp cho các sản phẩm trong tập đoàn tỷ phú Thái ((chi tiết sản phẩm của ThaiBev đã được mô tả ở phần trước) dễ dàng thâm nhập thị trường Việt Nam và chiếm lĩnh thị trường nhanh chóng. Ngoài ra, việc sở hữu hệ thống phân phối mạnh có thể khiến cho các sản phẩm công ty đối thủ phải lép vế, tăng mức chiết khấu, giảm sự cạnh tranh về giá sản phẩm. Chiến lược thâu tóm đối thủ, và chiếm lĩnh hệ thống phân phối là chiến lược được ThaiBev thực hiện rất thành công tại thị trường Thái Lan như đã có phân tích ở bài kỳ trước.

Việc bổ sung Sabeco vào danh mục đầu tư của mình tại Việt Nam sẽ giúp tăng thêm sức mạnh về hệ thống phân phối của tập đoàn tỷ phú Thái và tăng thêm lợi thế cạnh tranh cho tập đoàn này tại Việt Nam. Tuy vậy, việc thâm nhập vào thị trường mới như Việt Nam vẫn chứa đựng nhiều rủi ro. Do đó, việc tính toán các giá trị từ việc sở hữu kênh phân phối của Sabeco sẽ khó mang tính chắc chắn.

 

Kết luận: Có thể thấy rằng, việc bỏ ra mức giá khá cao để thâu tóm Sabeco không chỉ đến từ triển vọng tăng trưởng ngành Bia, giá trị các bất động sản mà còn đến từ việc tận dụng mạng lưới phân phối mà Sabeco đã phát triển trong suốt thời gian hoạt động 140 năm của mình. Với việc bỏ ra số tiền hơn gấp đôi so với giá trị thực tế mà Sabeco có thể tạo ra từ mảng Bia và mảng Bất động sản (trong kịch bản lạc quan), chứng tỏ ThaiBev rất tự tin vào những dự tính của mình về việc tận dụng mạng lưới phân phối của Sabeco kết hợp với các mạng lưới phân phối của tỷ phú Charoen tại Việt Nam. Liệu những toan tính này có diễn ra như dự tính ban đầu của ThaiBev, tác giả sẽ phân tích ở phần 4 - Chiến lược thoái vốn.

Chú thích:

  1. Tổng doanh thu của Sabeco DT = P*SLTT*TP. Trong đó P là giá bán trên một lít bia, SLTT là sản lượng của toàn thị trường và TP là thị phần Sabeco đang nắm giữ. Tính đến thời điểm cuối năm 2017, thị phần của Sabeco đạt 42%. Doanh thu của Sabeco cho năm 2018 sẽ là DT= P*1.061*SLTT*1.071*42%*(43/42). Theo đó, % tăng trưởng DT 2018 = 1.061*1.071*(43/42)-1 = 16.3%. Bởi vì giả sử thị phần sẽ tăng thêm mỗi năm với giá trị tuyệt đối là 1%, nên theo logic toán học thì tốc độ tăng trưởng thị phần của những năm về sau sẽ luôn nhỏ hơn năm 2018. Ví dụ, tốc độ tăng trưởng thị phần của 2019 sẽ là 44/43-1 = 2.32%/năm, nhỏ hơn tốc độ tăng trưởng 2018 là 43/42-1 = 2.38%. Do đó, có thể thấy tốc độ tăng trưởng 16.3% /năm là tối đa cho thời gian 10 năm.

  2. Độ lệch chuẩn (tiếng Anh: Standard Deviation) là một công cụ thống kê đo lường độ phân tán của tập dữ liệu so với giá trị trung bình của nó và được tính là căn bậc hai của phương sai.

  3. EBITDA 2017 = DT 2017 * % Margin EBITDA (19.8%). Trong đó, % margin EBITDA là biên EBITDA trên doanh thu (DT), tỷ lệ này trong năm 2017 là 19.8%. EBITDA trong năm 2018 sẽ là EBITDA 2018 = DT 2017 *1.163 *19.8% *(1+1.5/19.8). Theo đó, tốc độ tăng trưởng EBITDA trong năm 2018 được tính = 1.163*(1+1.5/19.8)-1 = 25.1%. Bởi vì giả sử mỗi năm margin của EBITDA sẽ tăng thêm với giá trị tuyệt đối là 1.5 %, nên tốc độ tăng trưởng margin EBTIDA của các năm sau sẽ luôn thấp hơn năm 2018 theo logic toán học. Do vậy, tỷ lệ tăng trưởng 25.1% được xem là tốc độ tăng trưởng tối đa cho mỗi năm.

  4. Chi tiết tính toán giá trị các bất động sản được tính toán chi tiết tại đây

  5. Gía nhà tăng 21 lần trong 16 năm được tham khảo tại đây

 

Nếu các bạn thấy bài viết của tác giả trên Blog Trên Đỉnh Phố Wall hữu ích, vui lòng để lại một like, share và comment. Điều này sẽ khuyến khích tác giả viết thêm những bài viết về M&A và Đầu tư trong thời gian sắp tới. Vui lòng đăng ký email bên dưới website để cập nhật những bài viết mới nhất của tác giả về các thương vụ M&A sắp tới.

Tác giả: Huỳnh Nhật Trình - Thạc sĩ kinh tế, CFA Level 3 Candidate

Head of Investment Banking Dept, Funan Securities

Mọi ý kiến đóng góp vui lòng gởi về email:  nhattrinh_tn3@yahoo.com.vn