Thế giới di động và FPT Retail là 2 tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực bán lẻ điện thoại, điện máy. Về quy mô, Thế giới di động áp đảo hơn với hơn 1.000 cửa hàng Thế giới di động, 1.030 cửa hàng Điện máy Xanh và 1.158 cửa hàng bách hóa xanh (tính tới cuối tháng 3/2020). Trong khi đó, FPT Retail có tổng cộng 603 cửa hàng FPTshop.
Tuy nhiên, FPT Retail lại thắng thế hơn ở một lĩnh vực mà cả 2 doanh nghiệp đã cùng nhảy vào hồi cuối năm 2017, đó là chuỗi nhà thuốc.
Với Thế giới di động, tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2018, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT cho biết công ty có kế hoạch mua 100% cổ phần tại chuỗi bán lẻ thuốc thay vì mất 2-3 năm để tự xây dựng mô hình kinh doanh dược phẩm.
Sau khi được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt ngân sách dành cho hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) lên mức 2.500 tỷ đồng, gấp 5 lần so với ngân sách cũ thì Thế giới di động nhanh chóng làm các thủ tục với chuỗi nhà thuốc Phúc An Khang. Biển hiệu được thay mới, tên nhà thuốc đổi thành Ankhang.com.
Khi đó, An Khang đã có 26 cửa hàng với doanh thu bình quân hàng tháng khoảng 2 tỷ đồng mỗi cửa hàng.
Về phía FPT Retail, công ty này thông báo mua chuỗi nhà thuốc Long Châu. Khi đó, Long Châu chỉ có 5 cửa hàng.
Đánh giá về thị trường dược phẩm, bà Nguyễn Bạch Điệp cho biết quy mô ngành khoảng 5 tỷ USD/năm, gần bằng ngành điện thoại và cao hơn điện máy. Trong khi đó, chi phí cho dược phẩm ở Việt Nam còn khá thấp so với nhiều nước. Ở Việt Nam, trung bình người dân chỉ chi khoảng 30 USD/năm cho dược phẩm, so với 46 USD/năm ở Thái Lan, 142 USD ở Singapore. Đặc biệt, ngành dược tăng trưởng 13% năm và không phụ thuộc vào tình hình kinh tế.
Bà Điệp tiết lộ, doanh thu của Long Châu cao hơn so với các chuỗi khác theo những số liệu mà bà có.
Sau những kỳ vọng lớn vào chuỗi nhà thuốc, ban lãnh đạo Thế giới Di động sau đó đã thông báo về việc hoãn kế hoạch kể trên để đánh giá lại rủi ro. Theo đó, TGDĐ chỉ nắm dưới 49% cổ phần ở Nhà thuốc An Khang và “không phải là người cầm cờ chạy” nữa, mà chỉ hỗ trợ với tư cách là cổ đông lớn.
“Trước đây, chúng tôi có ý định mua 51% nhà thuốc Phúc An Khang để chiếm cổ phần chi phối và biến thành công ty con của chúng tôi. Sau đó, chúng tôi đánh giá rủi ro và xác định đây chưa phải là thời điểm thích hợp. Và chúng tôi quyết định thương lượng để cổ phần 49%. Giờ chúng tôi không cầm cờ mà họ cần hỗ trợ gì thì chúng tôi sẽ hỗ trợ về chiến lược, marketing… Chúng tôi chỉ đóng góp với tư cách là cổ đông lớn”, ông Nguyễn Đức Tài khẳng định.
Trên báo cáo tài chính của Thế giới Di động, giá trị chuyển nhượng ghi nhận cho thương vụ mua lại An Khang là hơn 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm rót vốn, kết quả kinh doanh của nhà thuốc này không mấy khả quan và liên tục thua lỗ.
Thông tin về An Khang được đề cập thưa thớt dần trong các buổi trao đổi với nhà đầu tư và kỳ vọng mới được đặt mạnh lên Bách Hóa xanh.
Gần nhất vào đầu tháng 5/2020, ông Tài nhắc lại câu chuyện đầu tư vào dược phẩm có nhiều rủi ro pháp lý nên không sẵn sàng lao vào. Ông đánh giá quy định về kinh doanh nhà thuốc còn mập mờ, điển hình như giấy đăng ký kinh doanh cửa hàng dược phẩm đều do cá nhân, dược sĩ đứng tên chứ không phải công ty sở hữu.
"Chúng tôi mua An Khang không vì mục đích mua đi bán lại như tổ chức tài chính. Đây là lĩnh vực rất thú vị", ông nói và nhấn mạnh sẽ trở lại khi quy định kinh doanh ngành này rõ ràng, phù hợp các nguyên tắc quản trị của doanh nghiệp.
Dù vậy, thông tin từ website chuỗi nhà thuốc, Thế Giới Di Động vẫn duy trì 20 cửa hàng tại TP HCM với lưu lượng khách khoảng 4.000 lượt mỗi ngày.
Ngược lại, FPT Retail đang cho thấy trái ngọt với Long Châu. Từ con số 5 cửa hàng, sau khi FPT Retail mua lại thì đến cuối năm 2017, con số đã tăng lên 10. Bà Bạch Diệp đặt mục tiêu đến năm 2021, Long Châu có 400 nhà thuốc.
Một lợi thế của Long Châu – theo bà Bạch Diệp chia sẻ - là lượng thuốc ở Long Châu rất nhiều, đa dạng chủng loại. Số lượng có thể gấp 6 lần nhà thuốc bình thường. Vậy nên, người tiêu dùng sẽ có xu hướng mang toa đến nơi có đủ loại thuốc.
Bà Điệp tiết lộ thêm, chỉ 60% doanh thu của Long Châu đến từ dược phẩm, còn lại là đến từ thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dụng cụ y tế… Mảng ngoài dược phẩm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn thuốc.
Với Long Châu, FPT Retail tuyên bố "tìm ra công thức thành công". Mỗi cửa hàng đều bán thuốc kê đơn, không kê đơn, thực phẩm chức năng và dược phẩm mỹ phẩm.
Báo cáo quý 1/2020 của FPT Retail cho hay, doanh số từ chuỗi nhà thuốc Long Châu đạt 239 tỷ đồng trong quý I/2020, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ 2019. FRT cho biết, Công ty đã tập trung đẩy mạnh bán hàng online, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh Covid, doanh số online trong quý đầu tiên của năm 2020 đạt 1.107 tỷ đồng, chiếm 27% tổng doanh số FRT.
3 ngày trước, công ty thông báo chính thức cán mốc nhà thuốc thứ 100. Tốc độ mở mới cửa hàng tháng qua khá nhanh so với mức 83 cửa hàng tại 19 tỉnh thành vào cuối quý I.2020. Bên cạnh bán hàng trực tiếp, hệ thống Long Châu còn mở rộng bán hàng online cùng dịch vụ giao hàng tận nhà trong 60 phút.
Doanh thu của chuỗi Long Châu sau hai năm FRT tiếp quản đã chiếm gần 6% tổng doanh thu, tăng gấp đôi với so tỷ trọng đóng góp năm 2019 ở mức 3% tổng doanh thu của FRT.
Đại diện FRT cũng cho biết thêm hiện Long Châu đã chốt được 40 địa điểm để mở cửa hàng trong quý II.2020.
Dự kiến đến cuối năm, số lượng cửa hàng tăng lên khoảng 200-220 và chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 2-3 năm tới, tương đương đóng góp 5.000 tỷ đồng doanh thu.
Kế hoạch cho năm 2020, FPT Retail tiếp tục duy trì hoạt động của FPT Shop cùng với bán chéo các sản phẩm theo hình thức shop - in - shop, đẩy mạnh nguồn lực đầu tư cho chuỗi dược phẩm FPT Long Châu, thực hiện chuyển đổi số trong phục vụ khách hàng và tối ưu quản trị nội bộ, đồng thời sẽ thử nghiệm thêm các mảng kinh doanh mới.
Kế hoạch này cho thấy tham vọng lớn của FPT Retail trong hành trình tìm trợ lực thay thế ngành hàng điện thoại và laptop, bởi doanh thu mảng dược phẩm năm ngoái mới đạt 10% của 5.000 tỷ và lỗ trước thuế lên đến 40 tỷ đồng.
Theo ước tính của FRT, cả nước hiện có hơn 30.000 nhà thuốc hoạt động với tổng quy mô thị trường khoảng 2 tỉ USD (tương đương 25% quy mô ngành bán lẻ dược phẩm bao gồm kênh nhà thuốc và bệnh viện). Mặc dù vậy thị trường này khá phân mạnh khi chưa có thương hiệu nào thực sự có quy mô áp đảo. Chuỗi bán lẻ dược phẩm có số cửa hàng lớn nhất hiện nay có thể kể đến là Pharmacity thành lập từ năm 2011, với 328 cửa hàng tính đến tháng 4.2020.
Ngoài dược phẩm, FRT đang thử nghiệm một số ngành hàng như điện máy, thương mại điện tử và mới nhất là lĩnh vực mỹ phẩm, tuy nhiên vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa có công bố chính thức.