Trong suốt những tháng qua, khối nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng làm cho nhà đầu tư trong nước không khỏi lo lắng. Liệu trong tình hình này, NĐT trong nước nên làm gì, đặc biệt là những nhà đầu tư mới vào nghề (F0)?

Theo số liệu mới công bố của FiinTrade, khối ngoại tiếp tục bán ròng 340 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay (24/3). Theo dữ liệu tổng hợp của FiinTrade (thuộc FiinGroup), sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên HOSE đã về mức thấp hơn hồi đầu năm 2018, còn khoảng 18,5% (tỷ lệ số cổ phiếu). Mức đỉnh giữa hai thời điểm được ghi nhận là 21% đầu năm 2020. Kể từ đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài giảm mạnh và liên tục cho đến nay. Trong suốt thời gian NĐT ngoại bán ròng, thì lực đỡ cho thị trường chính là NĐT trong nước. Đỡ lực bán của khối ngoại là các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Từ đầu năm 2021, họ đã mua ròng khớp lệnh 19.800 tỷ đồng, dòng tiền mua mạnh kể từ sau Tết Nguyên Đán Tân Sửu (16.300 tỷ đồng).

Bán ròng rã, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại với cổ phiếu Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm - Ảnh 1.

Tuy nhiên, việc liên tục bán ròng của Tây không khỏi khiến cho NĐT trong nước lo lắng, đặc biệt là những nhà đầu tư mới vào nghề (F0). Vậy trong tình hình hiện tại, NĐT nên làm gì? Đầu tiên chúng ta cần xác định những vấn đề sau:

Xem xét lại danh mục một cách kỹ lưỡng

Đây luôn là việc không bao giờ thừa, kiểm tra tới lui những mã cổ phiếu trong danh mục để xem coi, khi quyết đầu tư, chúng ta có sai sót gì hay không hay bỏ quên yếu tố nào hay không? Nếu danh mục cơ bản, mã an toàn, mua tại mức giá tốt thì không có gì phải lăn tăn khi Tây bán ròng, thậm chí là bán đúng mã bạn đang nắm giữ. Giả sử bạn đang ngắm nghía một cổ phiếu nào đó, mà chỉ chờ giá tốt, khi Tây bán ròng trên thị trường làm giá giảm thì đấy lại là một cơ hội. Chính vì vậy, xem xét lại danh mục thật kỹ lưỡng, hãy hướng đến cổ phiếu định giá rẻ (P/E và P/B thấp, cổ tức cao) để đầu tư sẽ luôn có biên độ an toàn và khả năng sinh lợi cao.

Thấu hiểu cách quản lý quỹ của NĐT ngoại

Nên nhớ rằng các quỹ ngoại hay là các nhà đầu tư ngoại thường lựa chọn danh mục cổ phiếu gồm nhiều mã, ít thì cũng 10-20 mã, trung bình từ 20-40 mã, cao hơn là đến cả trăm mã. Thì trong danh mục không phải tất cả các mã đều có hiệu suất lợi nhuận giống nhau, do đó các quỹ có tư duy chốt lãi mã cao rồi sau đó rót lại những mã khác rẻ hơn. Do đó việc bán ròng không có nghĩa là NĐT rút vốn khỏi Việt Nam hay bi quan về thị trường này. Ngoài ra, các quỹ còn bị áp lực rút vốn. Quỹ đầu tư cũng như một công ty cổ phần vậy gồm nhiều nhà đầu tư lớn nhỏ, tổ chức hay cá nhân. Khi các nhà đầu tư này rút vốn (thường là chốt lãi) thì quỹ cũng phải bán chứng khoán ra để thu hồi tiền, hoàn trả cho nhà đầu tư. Khi đó các quỹ sẽ có xu hướng bán đi những mã lãi cao dù biết rằng có thể nó cũng sẽ tiếp tục tăng. Chưa kể do chứng khoán tăng mạnh, dẫn đến các mã cổ phiếu trong danh mục của các quỹ cũng tăng mạnh, dẫn đến chạm tới mức giới hạn tối đa cho một cổ phiếu (đối với nhiều quỹ). Điều này làm cho các quỹ bắt buộc phải bán ra, giảm về tỷ lệ mà quỹ cho phép bất chấp họ đều cho rằng sẽ tiếp tục tăng cao.

Fund manager cũng là con người

Và đương nhiên quỹ được quản lý bởi con người, là con người thì ắt hẳn phải có cảm xúc và dao động tâm lý. Không thiếu trường hợp các quỹ chốt lãi quá sớm hoặc mua vào lúc đỉnh. Nhớ lại thời cổ phiếu VPB vừa IPO, không thiếu quỹ đầu tư đã rót hàng trăm triệu USD khi giá cổ phiếu đạt đỉnh ở mức 60-70k/cp, có lẽ đến nay vẫn chưa hòa vốn. Rồi cả những vụ chốt lãi sớm hoặc thoát hàng sớm kiểu HSBC bán đi 15% vốn tại TCB lúc giá cổ phiếu (sau điều chỉnh) chỉ khoảng hơn 10k/cp. Chỉ có sự khác nhau đó là quy mô, quỹ thì lớn trong khi nhà đầu tư trong nước thì thường là nhỏ và lẻ. Điều này dẫn đến, khi họ xả, thì giá sẽ lao dốc, ít nhất trong ngắn hạn. Theo một fund manager của một quỹ đầu tư nước ngoại tại Việt Nam, đang quản lý hơn 200 triệu USD cho biết “Chúng tôi cũng như những nhà đầu tư khác, hoàn toàn có thể phạm sai lầm chết người như mua đắt hay bán rẻ. Những nhà đầu tư thông thái thường sẽ chớp được những thời cơ như vậy. Năm ngoái chúng tôi cũng phạm một số sai lầm khi bán rẻ và cũng chớp được thời cơ tương tự để mua vào một số mã rẻ. Nói chung, cuộc chơi và chiến thắng luôn dành cho người tỉnh táo và kiên nhẫn”.

Tiềm năng thị trường

Một cách rõ ràng, kinh tế Việt Nam đang hồi phục một cách mạnh mẽ, nhiều tổ chức kinh tế lớn như Fitch, Moody, HSBC hay thậm chí là Goldman Sachs cũng đưa những nhận định rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục bức phá với mức GDP rất cao, thậm chí là hơn 8%. Các doanh nghiệp cũng trên đà phục hồi một cách đáng kể, lợi nhuận dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2021. Chính phủ tiếp tục kích thích kinh tế thông qua chính sách nới lỏng tiền tệ, kích thích tín dụng, gia tăng đầu tư công. Thì việc thị trường chứng khoán tiếp tục hưởng lợi từ yếu tố vĩ mô, lẫn vi mô là một điều nhìn thấy.

Bình tĩnh và kiên nhẫn

Hiện tại, thị trường Việt Nam vẫn đang là một thị trường Bò (bull), đang có xu hướng tăng lên. Nhưng cho dù có chuyển sang thị trường Gấu (xu hướng giảm) thì điều mà NĐT vẫn phải trao dồi cho mình đó chính là Sự Bình Tĩnh và Kiên Nhẫn. Ông V.N giám đốc đầu tư của một quỹ ngoại cho hay “Nếu bạn không thể chịu đựng được danh mục đầu tư của bạn bị giảm 20% thì tốt nhất bạn không nên tham gia đầu tư chứng khoán. Bình tĩnh là điều bạn cần có để tránh thua lỗ, không cắt lỗ nếu bạn đang sở hữu những chứng khoán có yếu tố cơ bản tốt và phải thật kiên nhẫn để tránh bán lúa non”

Chính vì vậy, không có gì phải hoảng loạn khi thị trường chỉ mới giảm khoảng gần 5% từ mốc 1,200 điểm. Nếu bạn đã trải qua thời kỳ Covid đợt 1 (04/2020) khi thị trường giảm từ mốc 1,200 xuống còn loanh quanh hơn 650 điểm và tồn tại đến bây giờ thì điều gì làm bạn phải lăn tăn các quỹ ngoại liên tục bán ròng?