Thành lập năm 2017, chính thức cất cánh ngày 16/01/2019, Bamboo Airways là hãng hàng không tư nhân đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ chất lượng cao theo mô hình hãng hàng không truyền thống (Full Service Carrier). Đến nay, Bamboo Airways đã và đang vững vàng ở vị thế một trong ba hãng hãng không lớn nhất Việt Nam.
Mới đây, Bamboo Airways đã có thông báo về việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023. Thời gian dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 21/6/2023 tại Tòa nhà The West, Số 265 Đường Cầu Giấy, Phường Dịch Vọng, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Năm 2022, đáp ứng nhu cầu phục hồi của thị trường, Bamboo Airways đã khôi phục lại toàn bộ mạng đường bay nội địa, liên tục duy trì thị phần tải cung ứng đạt 15-17%, đồng thời hãng đã tiếp tục mở mới các tuyến đường bay quốc tế bên cạnh việc khôi phục các đường bay đã có.
Tính đến hết tháng 12/2022, Bamboo Airways đã khai thác 40 đường bay nội địa, 14 đường bay quốc tế đến 10 điểm đến thuộc 9 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Hãng đã thực hiện 51.236 chuyến bay an toàn (tăng hơn 100% so với 2021) vận chuyển hơn 7 triệu lượt hành khách (tăng gần 200% so với cùng kỳ 2021). Tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ bình quân năm 2022 ở mức trên 95%, tiếp tục dẫn đầu toàn ngành hàng không Việt Nam.
Doanh thu thuần năm 2022, đạt 11.732 tỷ đồng, tăng trưởng 230% so với doanh thu thuần 3.557 tỷ đồng trong năm 2021 và giá trị lỗ trên tổng doanh thu thuần cũng được cải thiện đáng kể về mức -27% trong năm 2022 so với mức -114% trong năm 2021,
Trong năm 2022, Bamboo Airways đã trích lập các khoản dự phòng phải thu (ngắn hạn/dài hạn) khó dòi. Đây là một trong các động thái quyết liệt của Bamboo Airways trong quá trình tái cơ cấu để nâng cao chất lượng tài sản và phản ảnh đúng thực trạng tại Công ty.
Bamboo Airways đã thực hiện nhiều biện pháp để kiểm soát chi phí nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động, tỷ lệ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp năm 2022 (sau khi trừ đi khoản dự phòng) trên doanh thu thuần năm 2022 thấp hơn năm 2021 51%, tương ứng đạt 2.2% so với 4.5% trong năm 2021.
Về cơ cấu nguồn vốn và tài sản, tổng tài sản ngắn hạn và tổng tài sản dài hạn chiếm 58% và 42% tổng tài sản của Công ty trong năm 2022. Với mục tiêu tái cấu trúc toàn diện và lành mạnh sức khỏe tài chính doanh nghiệp, BAV đã đồng thời vừa thực hiện việc trích lập các khoản dự phòng và lỗ luỹ kế từ giai đoạn dịch bệnh đầy khó khăn trong giai đoạn 2020 – 2021 vừa phát hành tăng vốn cổ phần thông qua việc hoản đổi nợ thành cổ phần và tiếp tục tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.
Theo đó, mặc dù sau trích lập dự phòng lợi nhuận sau thuế năm 2022 lỗ 17.619 tỷ đồng, giá trị vốn điều lệ tại thời điểm tháng 5/2023 đạt 26.220 tỷ đồng, giảm tỷ lệ nợ vay, theo đó hệ số nợ tài chính/vốn chủ giảm về mức 0.70 lần.
Đóng góp lớn nhất vào khoản thua lỗ của Bamboo Airways không đến từ hoạt động kinh doanh mà đến từ khoản dự phòng phải thu khó đòi. Cụ thể, năm 2022 công ty ghi nhận 13.200 tỷ đồng các khoản dự phòng phải thu, đẩy chi phí quản lý doanh nghiệp tăng cả trăm lần, từ mức 158 tỷ đồng năm 2021 lên tới hơn 12.700 tỷ đồng.
Như vậy, mức lỗ năm ngoái của Bamboo Airways cũng cao hơn cả của hai ông lớn Vietnam Airlines và Vietjet gộp lại khoảng 2.000 tỷ. Năm ngoái, Vietnam Airlines lỗ trước thuế 12.965 tỷ, còn Vietjet lỗ khoảng 2.648 tỷ đồng.
Trong năm 2023, thị trường nội địa được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh tiếp theo đã khôi phục ấn tượng như năm 2022 khi mà người dân dần quay trở lại thói quen di chuyển như trước địch đồng thời Chính phủ và các Bộ ban ngành đang đẩy mạnh các giải pháp kịch cầu du lịch.
Với thị trường quốc tế, IATA dự báo sẽ đạt mức 80-95% dung lượng thị trường so với giai đoạn cùng kỳ năm 2019. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã tuyên bố về việc mở cửa và gỡ bỏ chính sách “zero covid”. Mặc dù cuộc xung đột giữa Nga – Ucraina chưa có dấu hiệu chấm dứt nhưng giá nhiên liệu cũng đã bình ổn trở lại (giao động quanh mức 100 USD/thùng Jet Al) cũng là một yếu tố hỗ trợ thị trường vận tải hàng không phục hồi trong năm 2023.
Trước tình hình đó, Bamboo Airways đưa ra kế hoạch phát triển đội tàu bay đến cuối năm đạt 30 - 36 tàu bay trong đó tập trung tăng trưởng đội bay thân hợp. Mục tiêu duy trì hệ số sử dụng ghế đạt 81,5%, tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ tiếp tục phấn đấu đạt trên 90%. Với việc thị trường nội địa và quốc tế. dự kiến tiếp tục phục hồi và tăng trưởng, doanh thu vận tải hành khách và hàng hoá kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng hai con số trong khoảng 15-20% so với năm trước.
Hãng sẽ tiếp tục hoàn thiện tần suất khai thác và mở thêm các đường bay mới, tập trung vào các thị trường mục tiêu như châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á và Australia. Đồng thời, Bamboo Airways sẽ đề nghị Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương cho phép tăng đội tàu bay lên trên 30 chiếc.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu thuần của Bamboo Airway đạt khoảng 51% so với tổng doanh thu thuần cả năm 2022, trong đó tháng 1/2023 Công ty đã đạt điểm hòa vốn từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.
Cùng với việc đưa ra kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng, hãng hàng không này cũng gây chú ý với việc điều chỉnh về mặt nhân sự. Cụ thể ĐHCĐ dự kiến sẽ thông qua đơn xin từ nhiệm thành viên HĐQT của ông Nguyễn Ngọc Trọng, ông Doãn Hữu Đoàn, Lê Bá Nguyên, Lê Thái Sâm và Nguyễn Mạnh Quân. Đồng thời chấm dứt nhiệm kỳ HĐQT 2019 – 2024 và bầu thành viên HĐQT cho nhiệm kỳ 2023 – 2028 với 7 thành viên.
Ngoài ra, đại hội cùng thông qua miễn nhiện chức vụ Ban kiểm soát của toàn bộ các thành viên nhiệm kỳ 2019 - 2024 gồm ông Trần Anh Tuấn, ông Phạm Văn Phùng và ông Nguyễn Đăng Khoa.
Trước đó, hãng hàng không này đã có thay đổi làng loạt nhân sự cao cấp. Từ cuối tháng 5, ông Nguyễn Minh Hải làm Tổng giám đốc Bamboo Airways thay cho ông Nguyễn Mạnh Quân - người gắn bó với hãng từ tháng 9/2020.
Hai cựu lãnh đạo Japan Airlines - hãng bay lớn thứ hai tại Nhật Bản cũng dự kiến góp mặt ở Bamboo Airways. Trong đó, ông Hideki Oshima, cựu Giám đốc khối Quan hệ quốc tế và liên minh hàng không của Japan Airlines sẽ tham gia HĐQT Bamboo Airways và ban điều hành. Còn ông Masaru Onishi, cựu Chủ tịch Japan Airlines sẽ giữ vai trò Cố vấn cao cấp cho HĐQT Bamboo Airways.