Hòa Phát đóng cửa lò sản xuất thép?

Tập đoàn Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam với công suất 8,5 triệu tấn/năm. Thị phần thép xây dựng, ống thép Hòa Phát giữ vị trí số 1, lần lượt là 35.8% và 29.27%. Tôn Hòa Phát nằm trong Top 5 thị phần bán hàng toàn quốc.

Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất được thành lập tháng 2/2017, vốn điều lệ 30.000 tỷ đồng và là chủ đầu tư xây dựng, vận hành Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát tại Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là dự án chiến lược quan trọng, sau khi hoàn thành sẽ đảm bảo vị thế nhà sản xuất thép hàng đầu khu vực Đông Nam Á cho Tập đoàn Hòa Phát.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất có tổng vốn đầu tư 52.000 tỷ đồng, được thiết kế với quy mô công suất 4 triệu tấn một năm, sản phẩm chủ yếu là thép xây dựng, thép cuộn chất lượng cao và sản phẩm dẹt là thép cuộn cán nóng. Hòa Phát áp dụng công nghệ lò cao khép kín tương tự mô hình đã triển khai thành công tại tỉnh Hải Dương, nhưng ưu việt hơn, thiết bị hiện đại hơn được nhập khẩu từ các nhà sản xuất hàng đầu thế giới.

Đây là công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, sản xuất than coke bằng công nghệ dập coke khô, thu hồi hoàn toàn nhiệt và khí thải, tận dụng triệt để sản phẩm phụ để phát điện, phục vụ trở lại sản xuất. Toàn bộ nguồn nước sản xuất cũng được sử dụng tuần hoàn, không xả ra môi trường. 

Dự án khi xây dựng được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 được triển khai trong 24 tháng từ tháng 2/2017, công suất 2 triệu tấn/năm thép dài bao gồm 1 triệu tấn thép dài xây dựng và 1 triệu tấn thép dài chất lượng cao. Giai đoạn 2 của dự án sản xuất 2 triệu tấn một năm thép dẹt cán nóng phục vụ cơ khí chế tạo, được triển khai ngay từ tháng 8/2017,  hoàn thành đi vào sản xuất từ quý 2/2020.

thep-hoa-phat-dong-cua-lo-cao-1667817762.jpg
 

Mới đây, trên một số trang mạng lan truyền thông báo được cho là của Công ty cổ phần thép Dung Quất về việc đóng cửa một số lò sản xuất thép do tình hình kinh tế khó khăn.

Cụ thể, nội dung thông báo viết: "Trước tiên, chúng tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc vì sự đóng góp của Quý vị vào sự thành công của Hoà Phát Dung Quất và Hoà Phát Hải Dương cho tới ngày hôm nay.

Như Quý vị đã có thể biết, thị trường gang thép Việt Nam hiện nay đang trong xu thế giảm. Nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất và kinh doanh được tiếp tục thuận lợi, chúng tôi xin được thông báo tới RHIM rằng kể từ tháng 11/2022, hai lò sản xuất của Hoà Phát Dung Quất phải ngừng hoạt động và Hoà Phát Hải Dương cũng ngưng hai lò sản xuất. 

Thêm vào đó, theo kế hoạch, vào đầu tháng 12/2022, thêm một lò sản xuất nữa của Hoà Phát Dung Quất cũng sẽ ngừng hoạt động, chúng tôi sẽ công bố thông tin này trong một thông báo chính thức khác khi chúng tôi đưa ra quyết định cuối cùng về việc này.

Chúng tôi tin rằng việc ngưng hoạt động một số lò sản xuất để giảm sản lượng trong giai đoạn này là hoàn toàn hợp lý để có thể giữ hoạt động sản xuất và kinh doanh ổn định trong thời kì khó khăn này. Trong giai đoạn này, đề nghị Quý vị chỉ đạo nhân viên của mình phối hợp chặt chẽ với nhân viên kỹ thuật của chung tôi để tối ưu hoá quá trình vận hành. Kính mong sớm nhận được phản hồi từ Quý vị".

Thực tế, đây cũng chỉ là những tin đồn, chưa có thông tin chính thức, cũng không có một thông báo cụ thể nào từ phía Hòa Phát xác nhận về việc này. Tuy nhiên, những tin đồn như thế này đã có tác động không mấy tích cực đến bản thân của Hòa Phát.

Trên thị trường chứng khoán, trong phiên giao dịch ngày hôm nay, giá cổ phiếu HPG của Hòa Phát đã giảm cực mạnh, xém chút nữa thì nằm sàn. Kết thúc phiên giao dịch, HPG đã giảm 6,48% xuống còn 13.700 đồng mỗi cổ phiếu. Đã có hơn 38 triệu cổ phiếu HPG được khớp lệnh trong phiên này. Từ mức giá 46.750 đồng/cổ phiếu được thiết lập hôm 4/1/2022, mã này hiện đã "bay hơi" hơn 70% giá trị.

Thị trường thép đi xuống là xu hướng tất yếu

Việc thị trường thép đi xuống không còn là chuyện lạ. Theo quan điểm của MCI (Metals Consulting International Limited) vào tháng 1/2022, giá thép quốc tế dường như đang giảm, từ mức cao nhất vào tháng 9/2021. Quan trọng hơn, MCI nhận định, giá thép sẽ giảm dần trong năm 2022, giảm xuống đáy vào giữa năm 2023.

Còn theo đánh giá từ Fitch, giá thép thế giới được dự báo sẽ thoái trào vào năm 2022 khi đà tăng giá toàn cầu kết thúc. Cụ thể: Giá thép thế giới năm 2021 ~ 920 USD/tấn sẽ giảm xuống ~ 750 USD/ tấn vào năm 2022.

Theo thống kê, giá thép dao động lên xuống có tính chu kỳ, tức là cứ vài năm một lần nó sẽ dịch chuyển từ đỉnh sang đáy, rồi lại từ đáy lên đỉnh. Chu kỳ dao động của giá thép trong 25 năm qua, ước lượng tần số vào khoảng từ 3 - 4 năm. Theo quan điểm của các chuyên gia, đáy giá tiếp theo sẽ xảy ra vào giữa năm 2023 và đỉnh giá tiếp theo được dự kiến vào khoảng quý 3 hoặc quý 4 năm 2025.

Trước đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát cũng đã từng dự đoán về cảnh ảm đạm của các doanh nghiệp thép trong năm nay. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2022 của Tập đoàn Hòa Phát được tổ chức tại Hà Nội vào 24/5 vừa qua, khi được cổ đông hỏi về mục tiêu lợi nhuận 25.000 - 30.000 tỷ đồng trong năm 2022, giảm đáng kể so với 2021, ông Long giải thích: "Chúng ta chỉ là tế bào trong nền kinh tế, mọi người đợi kết quả kinh doanh quý II, quý III và quý IV, tôi nghĩ kế hoạch kinh doanh năm nay sẽ khó. Mọi người sẽ thấy kết quả kinh doanh thê thảm như thế nào vì ngành thép không thuận lợi. Tất nhiên trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào Hoà Phát sẽ cố gắng làm tốt nhất.

Trong bất cứ khó khăn nào thì Hoà Phát cũng phải là công ty tốt nhất trong ngành thép, nhưng đề nghị cổ đông rất thông cảm. Trong nền kinh tế chung này, mình không thể khác được".

Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của Hòa Phát, tháng 10/2022, Tập đoàn Hòa Phát đạt sản lượng thép thô 567.000 tấn, giảm 19% so với cùng kỳ. Sản lượng bán hàng thép xây dựng, phôi thép và thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 492.000 tấn, giảm 42% so với tháng 10/2021. Trong đó, thép xây dựng đạt gần 210.000 tấn, bằng 45% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 267.000 tấn, tăng 30%.

Từ quý 3 đến nay, sản lượng sản xuất và bán hàng của Tập đoàn giảm do nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đều yếu. Trong tháng vừa qua, sản lượng bán hàng thép xây dựng giảm mạnh, trong đó thị trường xuất khẩu sụt giảm tới hơn 73%. Tuy nhiên, thép HRC vẫn tăng trưởng so với tháng 9/2022 và tháng 10/2021. Kết quả này là nhờ một số lô xuất khẩu sang thị trường Indonesia, Malaysia.

Lũy kế 10 tháng 2022, Tập đoàn đã sản xuất 6,6 triệu tấn thép thô, giảm 2%. Sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt gần 6,2 triệu tấn, giảm 3% so với 10 tháng 2021. Trong đó, thép xây dựng là 3,6 triệu tấn, tăng 13%. Thép HRC đạt 2,3 triệu tấn, tăng 9%. Sản phẩm hạ nguồn HRC của Hòa Phát là ống thép đạt 634.000 tấn, tăng 11%. Tôn mạ các loại đạt 276.000 tấn, giảm 13% so với lũy kế 10 tháng 2021.

Kết quả kinh doanh không mấy khả quan không phải là khó khăn riêng của Hòa Phát mà của ngành thép của cả nước. Trước đó, báo cáo kinh doanh hoạt động 9 tháng đầu năm của loạt doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam cho kết quả đáng thất vọng.

Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) doanh thu giảm gần 1,7 lần so với cùng kỳ, xuống còn 4.437 tỷ đồng. Lỗ kỷ lục hơn 400 tỷ đồng. Công ty cổ phần Gang Thép Thái Nguyên (TIS) lỗ 25 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thép Vicasa Vnsteel (VCA) doanh thu đạt 477 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ, lỗ ròng 22 tỷ đồng và là mức thiệt hại nặng nhất kể từ năm 2009.

Công ty cổ phần Thép Thủ Đức Vnsteel (TDS) doanh thu tăng nhẹ 2% lên 412 tỷ đồng nhưng lỗ 22 tỷ đồng, lỗ lớn nhất kể từ khi cổ phần hóa.

Công ty Cổ phần Gang thép Cao Bằng lợi nhuận thuần tron quý 3 chỉ đạt là 829 triệu đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 87,5 tỷ đồng, tính chung 9 tháng đầu năm, lợi nhuận công ty là gần 44 tỷ đồng, giảm 85% so với năm ngoái.