Nhật và Mỹ xả kho dầu dự trữ?

Nguồn tin từ TTXVN cho biết Nhật Bản đang cân nhắc mở các kho dầu dự trữ nhằm giữ giá dầu thô ở mức bình ổn. Và động thái có thể có sự tham gia của Mỹ.

Trả lời phỏng vấn tại cuộc họp báo ngày 19/11 về khả năng phối hợp với Nhật Bản và các nước khác trong việc mở kho dầu dự trữ, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Jen Psaki cho biết Mỹ đang thoả thuận với các lãnh đạo các nước nhằm đảm bảo đủ nguồn cung dầu thô, nhưng không đề cập đến khả năng phối hợp.

Trước đó, Mỹ đã đề nghị một số nền kinh tế lớn nhất thế giới mở kho dầu dự trữ để hạ nhiệt giá dầu trên thị trường và kích thích quá trình phục hồi kinh tế.

dau-du-tru-1637434857.jpg

Nhật Bản phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước sản xuất dầu ở Trung Đông cho 90% nhu cầu trong nước và đã bắt đầu duy trì việc dự trữ dầu thô từ những năm 1970.

Tính đến cuối tháng 9/2021, Nhật Bản có lượng dầu dự trữ cho 242 ngày sử dụng.

Nếu quyết định này thành công thì đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản “giải phóng” kho dầu dự trữ do giá tăng. Các quyết định xả dầu trước đó chủ yếu nhằm giải quyết những lo ngại về nguồn cung sau các thảm hoạ thiên nhiên và biến động chính trị ở bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, Quốc hội Mỹ đang thúc giục chính quyền Tổng thống Biden mở kho Dự trữ Dầu chiến lược vì OPEC+ đã từ chối sản xuất thêm nguồn cung thời điểm này.

Đang ở mức thấp nhất trong 7 tuần qua

Khép lại phiên giao dịch gần đây nhất, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm gần 3,2% xuống 75,94 đô la Mỹ/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 1/10. Trong khi đó, giá dầu Brent giảm 2,9%, xuống 78,89 đô la Mỹ/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 30/9.

Giá dầu giảm trong phản ứng với lệnh phong tỏa mới ở Áo, và số ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Âu. Tình hình này có thể làm giảm nhu cầu dầu nếu nhiều nước hơn tái áp đặt các biện pháp phòng dịch.

Chính phủ Áo ngày 19/11 thông báo nước này bước bào thời kỳ phong tỏa toàn quốc kéo dài 10 ngày vào tuần tới. Đầu tuần này, Áo đã áp đặt lệnh phong tỏa đối với những người chưa tiêm phòng COVID-19, song số ca mắc COVID-19 mới vẫn liên tục tăng thậm chí vượt mức đỉnh cách đây một năm, khi nước này thực thi biện pháp phong tỏa.

1-9972-1637434935.jpg

Giới đầu tư cũng "hoang mang" sau khi Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết ông không thể loại bỏ khả năng phải áp đặt lệnh phong tỏa tại một buổi họp báo ngày 19/11. Chính phủ nước này cũng đã ban hành các quy định hạn chế đối với những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Tính chung cả tuần này, giá dầu WTI giảm 5,8%, trong khi giá dầu Brent giảm 4%. Đây là tuần thứ tư liên tiếp cả hai loại dầu này giảm xuống, chuỗi giảm giá dài nhất kể từ tháng 3/2020.

Phiên đầu tuần, giá dầu thế giới biến động nhẹ khi giới đầu tư băn khoăn liệu nguồn cung dầu thô có tăng hay không. Bên cạnh đó, câu hỏi về việc liệu nhu cầu có chịu nhiều áp lực bởi chi phí năng lượng lên cao, đồng USD mạnh và diễn biến khó lường của dịch COVID-19 cũng tác động lớn tới tâm lý nhà đầu tư trong phiên này.

Sẽ mất mốc 70 đô la Mỹ/thùng năm tới?

Đợt sụt giá nghiêm trọng gần đây có thể khiến các cơ quan nghiên cứu toàn cầu tiếp tục hạ dự báo giá dầu trong năm tới – thời điểm OPEC và các đồng minh có thể tăng sản lượng nguồn cung.

Vài ngày trước, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết giá dầu thô Brent dự kiến ​​đạt 72 đô la Mỹ/thùng trong năm 2022. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 16/11 đã nâng dự báo mức giá trung bình cho giá dầu Brent năm 2022 từ 76,80 đô la Mỹ/thùng lên 79,40 đô la Mỹ/thùng.

Nhìn chung những dự báo này đều giảm mạnh so với hồi tháng 10. Tại thời điểm đó, các cơ quan dự báo giá dầu có thể đạt mức 100 đô la Mỹ/thùng.