Giá dầu thô WTI cho kỳ giao tháng 5 đóng cửa chốt phiên tuần trước ở mức giá 18,27 USD/1 thùng. Nhưng đã giảm xuống -37.63 USD/1 thùng khi chốt phiên giao dịch thứ hai, tức là phiên giao dịch ngày 20/04 theo giờ New York, thậm chí từng có thời điểm, giá dầu thô WTI ghi nhận mức “đáy” kinh hoàng nhất lịch sử nhân loại với việc hạ xuống chỉ còn -40,32 USD/1 thùng. Với mức giá như vậy, nói vui, các nhà sản xuất sẽ phải trả tiền cho các thương nhân khi bán dầu.
Hiện tại, giá dầu được kiểm soát phần lớn dựa trên khái niệm thị trường giao dịch tương lai. Đó là khái niệm mà các đơn vị có nhu cầu tiêu thụ dầu đặt mua để sử dụng cho những kế hoạch trong tương lai. Do bản thân dầu là mặt hàng không có sẵn, phải trải qua quá trình khai thác và tinh chế tốn thời gian, các đơn vị tiêu thụ cần phải đặt vấn đề mua của các đơn vị sản xuất thông qua một mức giá cố định tại các phiên giao dịch.
Đó là lời giải thích cho việc, nếu giá dầu thô hôm nay giảm nhiệt nhưng giá xăng hoặc các chế phẩm từ dầu thô không thể giảm nhiệt ngay theo được. Vì các chế phẩm từ dầu thô, bao gồm xăng, phụ thuộc vào giá dầu thô ở kỳ mua bán trước đó.
Còn một dạng các nhà đầu tư khác, không có nhu cầu sở hữu hay tiêu thụ dầu mà kiếm lợi từ dầu mỏ thông qua các hợp đồng chênh lệch giá. Hay nói nôm na đơn giản nhất "chơi" dầu qua các sàn giao dịch trung gian.
Vậy tại sao giá dầu thô WTI lại hạ đáy kinh hoàng như vậy?
Đầu tiên, giá dầu thô WTI giảm mạnh do quy luật cung cầu toàn cầu. Đây là khái niệm dễ hiểu, khi nhu cầu tăng, nguồn cung hạn chế sẽ khiến giá dầu tăng và ngược lại, nếu nhu cầu giảm, nguồn cung tăng thì giá dầu sẽ giảm theo.
Dầu thô WTI là loại dầu thô được “chưng cất” trong nội địa nước Mỹ, được vận chuyển đến các nhà tiêu thụ thông qua các đường ống trải dài khắp nước Mỹ. Dầu thô WTI có chất lượng cao và cũng có yêu cầu cao hơn trong vấn đề lưu trữ, kho bãi, vận chuyển. Trên thế giới hiện còn một loại dầu thô được đưa vào làm chuẩn mực cho giá dầu thế giới là dầu thô Brent, tuy nhiên, đây là loại dầu được sản xuất tại các đại dương, dễ vận chuyển hơn, được các quốc gia tin dùng hơn và cũng có nhiều kho bãi hơn, giá dầu Brent không gặp phải tình trạng giảm sốc kinh hoàng như giá dầu thô WTI. Bloomberg nói rằng các công ty năng lượng Mỹ đã hết sạch kho chứa dầu. Hơn nữa, hợp đồng dầu thô giao trong tháng 5 đáo hạn vào ngày 21/4, các nhà đầu tư đổ xô bán tháo, tạo áp lực lên giá.
Hiện nay, một cuộc khủng hoảng “thừa” đang diễn ra với dầu thô WTI khi nhu cầu tiêu thụ của thị trường Hoa Kỳ, Canada, thị trường quan trọng nhất của loại dầu này, đang sụt giảm nghiêm trọng do tình trạng “đóng băng” nước Mỹ, hơn 90% dân số Mỹ đã phải ngồi ở nhà. Bên cạnh đó, dự báo trong tương lai gần, một cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ diễn ra tại Mỹ, tiếp tục dẫn đến nhu cầu chi tiêu cá nhân giảm. Tính đến ngày 16/04/2020, nước Mỹ ghi nhận khoảng trên 22 triệu người đăng ký trợ cấp thất nghiệp, chiếm khoảng 13,5% lực lượng lao động tại Mỹ, theo dự báo của nhà kinh tế học Gus Faucher, dự báo sẽ có thêm khoảng 3 - 5 triệu người Mỹ đăng ký trợ cấp thất nghiệp khi hết tháng 4/2020. Chính vì thế, trong tương lai gần, dự báo giá dầu WTI và Brent giao ở các kỳ hạn tháng 6, 7 vẫn sẽ duy trì ở mức giá thấp khoảng dưới 30 USD/1 thùng.
Giá dầu WTI giảm mạnh nhưng nguồn cung vẫn tăng thậm chí chỉ giảm khá ít. Hiện nay, việc đóng các giếng dầu sẽ tốn rất nhiều chi phí, việc mở lại cũng tốn kém và mất nhiều thời gian, chính vì thế, các nhà sản xuất thà trả tiền cho các đơn vị tiêu thụ để dầu khai thác đi khỏi kho chứa vốn đã được lấp đầy của họ. Dầu là mặt hàng đặc biệt, không thể thai khác dầu rồi đổ bỏ đi được, bên cạnh đó mức phạt do ô nhiễm dầu mỏ là rất lớn. Theo Financialpost, nhu cầu dầu thô thế giới đã giảm xuống mức đáy, hơn 160 triệu thùng dầu đang được lưu kho tại các tàu chở dầu trên khắp thế giới. Để tạm ngưng vận hành một giếng dầu, nhà sản xuất cần khoảng thời gian nhất định, khi mở lại cũng cần thời gian tương đương, thường có thể mất đến 1 tuần, với quãng thời gian đó, việc giao hàng cho kỳ giao ở các tháng sau sẽ bị ảnh hưởng. Việc này có thể khiến các đơn vị tiêu thụ có thể tìm đến các nhà sản xuất khác.
Hiện nay, giá dầu thô WTI ở kỳ giao tháng 6 giảm 10%, xuống mức 22,54 USD/1 thùng. Kỳ giao tháng 7 giảm 5% xuống mức 28 USD/1 thùng. Các đơn vị liên quan muốn “hi sinh” tháng 5 để chuẩn bị các kho chứa cho các kỳ giao tới, tránh tái lập kịch bản tồi tệ giá dầu giảm về 0 hoặc đi “âm” như tại kỳ giao tháng 5. CNBC dự báo, qua tháng 5, thị trường tiêu thị dầu mỏ tại Mỹ và trên thế giới dự báo sẽ có những cải thiện, đặc biệt là thị trường châu Á, nơi có Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam dự kiến sẽ hoạt động bình thường hoàn trở lại. Giá dầu rẻ khiến kích thích người tiêu dùng hơn, thậm chí có thể khiến các quốc gia này tăng mua dầu dự trữ dài hạn.
Một lý do khác khiến giá dầu thô giảm mạnh là việc Nga và Saudi Arabia tăng sản lượng khai thác dầu trong tháng 4/2020. Công ty dầu mỏ có vốn hóa lớn nhất thế giới Saudi Aramco đã quyết định tăng sản lượng dầu mỏ lên mức 12,3 triệu thùng/1 ngày trong tháng 04/2020, đây là một con số cao kỷ lục. Phản ứng này mở màn cho cuộc chiến giá dầu giữa Saudi Arabia, thành viên của OPEC, với phía Nga khi “gấu” Nga từ chối cắt giảm sản lượng dầu trong thời gian tương tự khiến giá dầu sụt giảm 60% kể từ đầu năm.
Mục đích của việc Nga từ chối cắt giảm sản lượng dầu thô nhằm mục đích đánh bại hệ thống dầu đá phiến, rộng hơn là toàn bộ ngành công nghiệp dầu mỏ của Hoa Kỳ và tranh giành thị phần. Theo đó, để có lãi trả cho các nguồn vay và lãi kinh doanh, giá một thùng dầu thô phải nằm ở mức khoảng trên 40 USD/1 thùng. Tuy nhiên, trong ít nhất 4 tháng tới, thực sự rất khó để dầu thô quay trở về mức giá đó. Nhằm bảo vệ đế chế “Petrodollar”, Hoa Kỳ và Saudi Arabia vẫn tiếp tục duy trì và tăng sản lượng, hai quốc gia này cho rằng Nga sẽ khó chơi một ván bài dài hơi, nhưng phía Nga vẫn tỏ ra rất cứng rắn và tuyên bố Nga có thể sống yên ổn 10 năm nếu giá dầu ở mức 20 - 30 USD/1 thùng.
(*) LỐI THOÁT CHO “ĐẠI CHIẾN DẦU MỎ”
Ngày 01/05/2020, ba "cánh quân" chi phối giá dầu mỏ hiện tại Nga, Mỹ, OPEC - đại diện là Saudi Arabia sẽ đồng loạt cắt giảm sản lượng dầu mỏ. Đây là động thái chưa từng có trên thế giới, mục đích của việc này là nhằm bình ổn giá dầu, đảm bảo nguồn cung thấp đi trong khi nhu cầu đã hạ sâu, giảm sức ép đến thị trường tài chính toàn cầu.
Theo NYTimes, các quốc gia OPEC và Nga sẽ cắt giảm 9,7 triệu thùng/1 ngày. Với Mỹ, Canada, Brazil, con số cam kết cắt giảm trên giấy tờ là 3,7 triệu thùng/1 ngày. Mức giảm tiếp tới sẽ là 7,6 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm nay, sau đó là 5,6 triệu thùng/ngày từ năm 2021 cho đến tháng 4/2022. Mục tiêu nhanh chóng đưa giá dầu quay trở lại thăng bằng trong ít nhất thời điểm này năm tới.
Một điều tích cực khác là thị trường dầu mỏ châu Á đang diễn biến khả quan hơn do đại dịch đang được khống chế tốt, dự kiến trong tháng 5, các nền kinh tế tại châu Á sẽ chính thức mở cửa trở lại bình thường, nhu cầu tiêu thụ dầu thô sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, giá dầu thô giảm như hiện nay cũng kích thích các quốc gia này tăng mua dự trữ đề phòng cho tương lai. Đặc biệt là thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc đã chạy đà trở lại, bên cạnh đó có Ấn Độ, Hàn Quốc và Việt Nam.
Một điều quan trọng khác, giá dầu thô tại thị trường Mỹ vẫn phải “quay trở lại”, điều này được tiếp tay bởi việc tổng thống Trump thông báo sẽ thu mua dầu của các công ty tại Mỹ để lấp đầy kho dự trữ dầu chiến lược. Bên cạnh đó là các gói trợ giá để hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu mỏ, Mỹ cũng đang tiến hành giải ngân các khoản trợ cấp để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, tiến hành "giải phóng" các lệnh hạn chế đi lại, quay trở về hoạt động kinh tế bình thường. Đó là vì sao ông Trump muốn mở cửa lại nước Mỹ.
(*) VIỆT NAM GẶP ẢNH HƯỞNG GÌ VÀ VƯỢT QUA BIẾN CỐ THẾ NÀO.
Khả năng năm nay, Ngân sách Nhà nước sẽ bị sụt giảm mạnh từ nguồn thu đến từ ngành dầu khí. So với giá gốc đề ra là 60 USD/1 thùng vào đầu năm, tổng số tiền thu được sẽ là 4,668 tỉ USD. Nhưng nếu giá dầu xuống 30 USD/thùng thì doanh thu từ bán dầu thô chỉ còn 2,362 tỉ USD. Nộp ngân sách nhà nước cũng tương ứng sẽ giảm từ 1,594 tỉ USD xuống còn 806 triệu USD.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ giảm, nguồn thuế cũng giảm theo. Nhà máy Nghi Sơn đang tồn kho 70 - 85%, tồn kho của Dung Quất có xu hướng tăng nhanh. Với giá dầu giảm kéo theo GDP Việt Nam có thể bị giảm đi khoảng 0,1 - 0,2 điểm %.
Vậy Việt Nam sẽ làm gì trước "cơn bão dầu mỏ":
Đầu tiên, Việt Nam tiến hành giảm sản lượng khai thác. Theo Bộ Công Thương, ngay trong quý I, Việt Nam giảm 11% sản lượng khai thác dầu mỏ. Song song với giảm khai thác, Việt Nam đẩy mạnh việc nhập khẩu dầu thô lên tới 68%, lưu kho tăng hơn 47% các sản phẩm dầu tinh chế. Các kho tại Nghi Sơn, Dung Quất đang được tăng sản lượng lấp đầy.
Trong đầu năm, PVN đã chuẩn bị kịch bản xấu nhất là tạm dừng hoạt động khai thác dầu khí một số mỏ dầu và tiến hành nhập khẩu dầu thô. Các đơn vị trong nước cũng được khuyến khích tích trữ khi giá dầu xuống thấp.
Mục đích chính của việc giảm khai thác là việc không chạy đua trong cuộc chiến giá dầu với các cường quốc. Việt Nam vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu dầu, thị trường trong nước lớn, trong khi giá dầu lại theo giá quốc tế, Việt Nam không thể đơn phương áp đặt giá. Việc chạy đua cố tình sản xuất sẽ khiến cho Việt Nam đứng trước áp lực bán giá rẻ, hao tiền tốn của vô nghĩa, lãng phí tài nguyên. Dầu mỏ không khai thác thì vẫn còn đấy.
Tiếp nữa, đây là thời cơ để mua dầu quốc tế với giá rẻ, lấp đầy các kho dự trữ trong nước chiến lược. Bên cạnh đó để ổn định giá xăng dầu trong nước trong tương lai gần, tránh tăng giá sốc và giảm giá sốc. Một phần có thể ổn định giá cả trong nước, hạn chế lạm phát trong bối cảnh sẽ có khoảng 900 ngàn tỷ đồng tín dụng cho vay trong năm nay.
Nhanh chóng "thắng dịch" để để nền kinh tế vận hành trở lại, sử dụng chính giá dầu giảm để kích thích các hoạt động kinh tế. Xét về lâu về dài, việc giá dầu thô thế giới duy trì ở mức rẻ, thêm việc doanh nghiệp Việt trữ dầu, sẽ khiến người dân thoải mái sử dụng các chế phẩm xăng dầu, kích thích giao thông vận tải, du lịch, vận chuyển, gián tiếp khiến nền kinh tế hồi phục trở lại.
TIFOSI