Công ty Cổ phần (CTCP) Thế Giới Số (Digiworld) được thành lập năm 1997, tiền thân là Công ty TNHH Hoàng Phương, chuyên phân phối các sản phẩm linh kiện điện tử. CTCP Thế Giới Số thực hiện cổ phần hóa năm 2003 và đến năm 2015, Công ty chính thức được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) với mã DGW.

DGW là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực bán buôn các sản phẩm công nghệ thông tin (máy tính cầm tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh và thiết bị văn phòng), đồng thời cung cấp dịch vụ độc quyền phát triển thị trường (MES) cho các thương hiệu nước ngoài muốn xâm nhập và phát triển thị trường tại Việt Nam. Ngoài ra, Công ty cũng đang mở rộng hoạt động kinh doanh sang các nhóm ngành khác như nhóm ngành hàng tiêu dùng (FMCG), nhóm ngành hàng gia dụng, thiết bị bảo hộ lao động.

Khác với các ông lớn bán lẻ như MWG, FRT trực tiếp mở các chuỗi bán lẻ đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, DGW hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực bán buôn, là trung gian phân phối các sản phẩm từ các nhãn hàng đến các nhà bán lẻ. Các nhà bán lẻ sẽ đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối. Ngoài ra, DGW cũng có dịch vụ vận hành cửa hàng bán lẻ trực tiếp thay cho nhãn hàng như các cửa hàng DGW làm cho Xiaomi và Huawei.

Các ngành hàng DGW phân phối rất đa dạng, từ những ngày đầu chỉ đơn thuần là phân phối laptop sau đó đã mở rộng ra các ngành hàng khác như điện thoại, thiết bị văn phòng, hàng tiêu dùng nhanh, đồ gia dụng. Hiện nay, DGW đang phân phối các sản phẩm của hơn 30 hãng với nhiều thương hiệu nổi tiếng như Apple, Xiaomi, Acer, Dell.

Kết thúc nửa đầu năm 2023, DGW ghi nhận doanh thu thuần 4.596 tỷ đồng (giảm 6,4%), lợi nhuận sau thuế đạt 83 tỷ đồng (giảm 39,4%). Biên lợi nhuận gộp tăng 2 điểm phần trăm lên 8,55%. Chi phí bán hàng tăng mạnh do công ty hỗ trợ các nhà bán lẻ trong các chiến dịch marketing, bán hàng. Chi phí lãi vay dù không đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng chi phí nhưng cũng tăng mạnh do môi trường lãi suất cao nửa đầu năm.

Nhóm ngành hàng ICT sụt giảm mạnh nhất đã có dấu hiệu hồi phục khi thu hẹp đà giảm so với quý 1, ngành hàng laptop tăng 19%, ngành hàng điện thoại giảm 19%. Ngành hàng thiết bị văn phòng giảm 17% do các doanh nghiệp vẫn đang thắt chặt chi tiêu. Các ngành hàng mới như thiết bị gia dụng, FMCG đều có tăng trưởng vượt trội do mới xâm nhập thị trường.

Tính đến cuối quý 2/2023, tổng tài sản của DGW đạt 6,560 tỷ VND, tăng 3,2% so với đầu năm. Với đặc thù là doanh nghiệp bán buôn, cơ cấu tài sản của DGW thường duy trì trên 91% là tài sản ngắn hạn. Trong đó, hai cấu phần quan trọng và lớn nhất là hàng tồn kho chiếm 39,5% tổng tài sản và khoản phải thu của khách hàng (35,9% tổng tài sản). 

Do tình hình kinh tế khó khăn nửa đầu năm 2023, DGW đã thận trọng hơn trong mua sắm hàng tồn kho mới, đồng thời thay đổi chính sách phải thu nhằm hỗ trợ các kênh phân phối. Đây là nguyên nhân khiến hàng tồn kho của DGW đã giảm 20,3% trong khi khoản phải thu khách hàng tăng 49,2% kể từ đầu năm. Tuy nhiên, điều này không tạo thêm nhiều rủi ro bởi sự gia tăng các khoản phải thu của DGW phần lớn đến từ khách hàng lớn và có uy tín trong ngành như MWG và FRT.

Về tài sản dài hạn, cấu phần chủ yếu đến từ lợi thế thương mại (gần 50% tài sản dài hạn), theo sau là tài sản hữu hình (chủ yếu kho bãi, phương tiện vận tải) và tài sản vô hình (phần mềm và quyền sử dụng đất). 

Trong cơ cấu nguồn vốn của DGW, nợ ngắn hạn luôn chiếm tỷ trọng lớn do DGW thường sử dụng nợ ngắn hạn để làm nguồn vốn lưu động. Trong đó, nợ vay ngắn hạn và phải trả người bán chiếm lần lượt 30% và 19% tổng nguồn vốn. Vốn chủ sở hữu của DGW chủ yếu bao gồm 2 cấu phần chính là vốn góp của chủ sở hữu thông qua cổ phiếu phổ thông (25% tổng nguồn vốn) và lợi nhuận giữ lại (khoảng 11% tổng nguồn vốn).

Trước năm 2021, nợ vay ngắn hạn của DGW duy trì tương đối thấp, trung bình khoảng 60% vốn chủ sở hữu trong giai đoạn 2019 - 2021. Tuy nhiên, nợ vay của công ty đã tăng mạnh trong năm 2022 để tăng vốn lưu động khi công ty bắt tay nhiều nhãn hàng lớn cần lượng vốn để nhập hàng và tài trợ cho các dự án thâm nhập ngành hàng mới của công ty. 

Theo đó, tính đến cuối năm 2022, nợ vay ngắn hạn của DGW tăng 71,4% (lên 1,915 tỷ đồng), chủ yếu là vay ngân hàng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu của DGW đã tăng từ 63% lên 81%, tuy tăng nợ vay nhưng khả năng bao phủ lãi vay của DGW vẫn đang ở mức khá cao (10,8 lần, trung bình 5 năm 12,5 lần).

DGW cho biết họ thường được ưu đãi vay với lãi suất rất thấp, gần với mức huy động của các ngân hàng do có nhiều hàng tồn kho thế chấp và sử dụng nhiều dịch vụ khác của ngân hàng như LC, bảo lãnh. Với lợi thế vay vốn rẻ DGW sẽ luôn có phương án xây dựng cơ cấu vốn tối ưu cho mình tuỳ thuộc vào nhu cầu của thị trường.

Về khả năng thanh khoản, chỉ số thanh toán hiện hành của DGW tính đến cuối năm 2022 ở mức 1,49 lần, cao hơn trung bình 5 năm (1,46 lần). Tuy nhiên chỉ số thanh toán nhanh và chỉ số thanh toán tiền mặt đều có sự suy giảm nhẹ, lần lượt đạt 0,62 và 0,21 lần, thấp hơn trung bình 5 năm. Nguyên nhân là sức mua yếu, các nhà bán lẻ giảm hàng tồn kho dẫn đến việc tồn kho tăng cao chưa xử lý được ngay. 

Về hiệu quả vận hành, số ngày tồn kho năm 2022 tăng cao lên 57 ngày so với mức 35,3 ngày của năm trước đó. Nguyên nhân do sự sụt giảm mạnh trong nhu cầu tiêu dùng do ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô, các nhà bán lẻ hạn chế nhập hàng và gia tăng hàng tồn kho cho các dòng sản phẩm mới trong giai đoạn chuẩn bị thâm nhập thị trường. Do thực hiện các chính sách hỗ trợ các kênh phân phối, số ngày phải thu của DGW tăng lên 26,3 ngày (từ 24,3 ngày) nhưng số ngày phải trả lại có mức tăng mạnh mẽ hơn đạt 35,4 ngày. 

"Điều này cho thấy mặc dù các khoản phải thu khách hàng bị chậm thu hồi hơn, song DGW vẫn hưởng lợi nhờ khoản vốn chiếm dụng từ nhà cung cấp. 

Chúng tôi đánh giá hiệu quả hoạt động của DGW tạm thời chưa tốt như dự tính do ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài nhưng khi thị trường hồi phục, các chỉ số sẽ quay trở lại về mức bình thườngTuy đối mặt với áp lực trả nợ tăng lên và thanh khoản giảm, song chúng tôi vẫn đánh giá cơ cấu nguồn vốn của DGW vẫn ở ngưỡng an toàn và không tạo ra nhiều rủi ro cho nhà đầu tư bởi công ty vẫn duy trì được khả năng sinh lời tốt bất chấp khó khăn tạm thời và là một doanh nghiệp uy tín lâu năm trên thị trường.

Nhờ chiến lược đúng đắn, năm 2022 DGW ghi nhận biên lợi nhuận gộp 7,6%, biên lợi nhuận ròng 3,1%, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) 10,6%, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROEA) 32,5%. Các chỉ số này đều nằm ở ngưỡng cao hơn so với trung bình 5 năm", báo cáo phân tích của KBSV nhận định.