Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển và Thịnh vượng - PGBank (PGB) vừa tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2024.

Đáng chú ý, đại hội chỉ có 20 cổ đông tham dự - đây được xem là nhà băng có số lượng cổ đông tham dự ít nhất trong hệ thống các ngân hàng đã tổ chức ĐHCĐ năm nay.

Tuy nhiên 20 cổ đông này lại đại diện cho 292,27 triệu cổ phần - tương đương 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Điều này cho thấy mức độ sở hữu rất cô đặc tại ngân hàng.

vai-tro-cua-tap-doan-thanh-cong-tai-pgbank-1-1713891750.png
Nguồn ảnh: stockbiz

Tại Đại hội, có cổ đông thắc mắc về việc cổ đông PGBank cô đặc sau khi PLX thoái vốn, trong khi đó Luật Các TCTD năm 2024 sẽ siết chặt hơn về việc sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư và yêu cầu công bố thông tin các cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ, vậy Ngân hàng đã chuẩn bị cho việc công khai này hay chưa?

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Phạm Mạnh Thắng cho biết Luật Các TCTD năm 2024 điều chỉnh đối với hoạt động của các TCTD, tất cả các TCTD đều phải thực hiện theo sự điều chỉnh của Luật Các TCTD năm 2024 và PGBank cũng giống như các ngân hàng khác, sẽ phải thực hiện đầy đủ, đúng các quy định của Luật các TCTD 2024 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Theo báo cáo tại ĐHĐCĐ, về tình hình kinh doanh năm 2023, nhà băng này cho biết tính đến đến 31/12/2023, tổng huy động vốn đạt 49.798 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cuối năm 2022; dư nợ tín dụng đạt 35.881 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2023 đạt 351 tỷ đồng, đạt 66,2% kế hoạch. Tổng tài sản đạt 55.491 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cuối năm 2022.

Lý giải về nguyên nhân lợi nhuận trước thuế không đạt kế hoạch, nhà băng này cho biết quy mô dư nợ tín dụng bình quân không đạt kế hoạch, thị trường kinh doanh có nhiều khó khăn, việc tìm kiếm khách hàng có chất lượng tín dụng tốt trên thị trường cạnh tranh giữa các ngân hàng rất cao, lãi suất cho vay giảm theo định hướng của NHNN nhưng lãi suất huy động chưa giảm tương ứng; thu nhập ngoài lãi giảm do thu phí dịch vụ, thu từ hoạt động bảo hiểm giảm do khó khăn chung của thị trường.

Ngoài ra, do PGBank thay đổi cơ cấu cổ đông, định hướng hoạt động nên cần thời gian rà soát, sắp xếp lại các hoạt động cho phù hợp chiến lược mới.

vai-tro-cua-tap-doan-thanh-cong-tai-pgbank-1713803457.jpg

----
Vai trò của Thành Công Group tại PGBank

Đại hội lần này của PGBank tiếp tục có sự xuất hiện của ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Công (TC Group). Trước đó, vị Chủ tịch này cũng từng tham dự ĐHĐCĐ bất thường của PGBank hồi tháng 10/2023.

Tại Đại hội, vai trò của TC Group tại PGBank cũng là câu hỏi được cổ đông thắc mắc. Trả lời vấn đề này, đại diện nhà băng này cho biết: TC Group là một trong những đối tác chiến lược của PGBank, vì vậy TC Group sẽ tham gia ý với tư cách là một đối tác hỗ trợ, hợp tác trong các hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Theo tìm hiểu, PGBank hiện chỉ có 3 cổ đông lớn là: Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh, CTCP Quốc tế Cường Phát và CTCP Thương mại Vũ Anh Đức. Ba doanh nghiệp này đã mua lại 120 triệu cổ phiếu PGB, tương đương 40% vốn điều lệ PGBank tại buổi bán đấu giá hồi tháng 4/2023 của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex). Tuy nhiên, cả 3 pháp nhân này đều có nhiều liên hệ tới Tập đoàn Thành Công.

Về kế hoạch kinh doanh năm nay, PGBank đặt mục tiêu lợi nhuận lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ đạt 554 tỷ đồng, tăng 57,7% so với kết quả năm 2023.

Tổng tài sản dự kiến đến 31/12/2024 đạt 63.503 tỷ đồng tăng 14% – tăng 8.012 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Tổng huy động đạt 56.530 tỷ đồng tăng 13,5% so với cuối 2023, trong đó huy động vốn thị trường I đạt 41.230 tỷ đồng, tăng trưởng 15,4%; dư nợ tín dụng đạt 40.476 tỷ đồng tăng trưởng 12,88% so với cuối 2023 (Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng của PGBank được NHNN giao).