Đây là tiêu đề bài phân tích của Công chứng khoán VNDirect viết về sự kiện Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PGBank (PGB) đã đấu giá cổ phần thành công trong hôm 7/4.
PGBank được thành lập năm 1993 dưới tên Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười với số vốn điều lệ ban đầu 700 triệu đồng. Sau khi đi vào hoạt động 12 năm, đến năm 2005, Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (PLX) tham gia góp vốn vào Ngân hàng, chính thức trở thành cổ đông chiến lược lớn và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank).
Đến năm 2013, ngân hàng chính thức trở thành tổ chức giao dịch công khai trên sàn UPCom với hơn 300 triệu cổ phiếu được giao dịch với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tại cuối năm 2022, vốn điều lệ của PGB đạt 3.000 tỷ đồng – thuộc mức thấp nhất trong số các NH có cùng quy mô.
Lý giải cho điều này là từ năm 2012, PLX đã lên kế hoạch về việc thoái vốn tại PGB để tập trung kinh doanh các mảng cốt lõi. Tuy nhiên, thương vụ này đã kéo dài đến gần 11 năm mà PGB vẫn chưa thể tìm thấy đối tác chiến lược thích hợp, dẫn đến việc trì hoãn của ngân hàng trong việc thực hiện tăng vốn mở rộng quy mô.
Việc có PLX là cổ đông lớn đã hỗ trợ ngân hàng rất nhiều trong hoạt động kinh doanh. Từ năm 2013, PGB đã tận dụng lợi thế mạng lưới của PLX (gồm hơn 2.600 trạm xăng) để triển khai dịch vụ Flexipay cho phép khách hàng có thể chuyển tiền tại các cửa hàng xăng dầu (CHXD) của PLX. Ngoài ra, PGB cũng hợp tác với 184 công ty con và đối tác của PLX, từ đó tiếp cận được nguồn khách hàng cá nhân qua dịch vụ thanh toán lương cho cán bộ nhân viên của tập đoàn, đem đến nguồn vốn tiền gửi không kỳ hạn cho ngân hàng.
Việc phụ thuộc vào tập khách hàng PLX khiến thương vụ thoái vốn này làm dấy lên lo ngại về tình hình hoạt động kinh doanh của PGB trong tương lai. Các khoản tiền gửi, khoản vay, bảo lãnh phát hành, hay dịch vụ thanh toán tại các trạm xăng sẽ bị tác động trực tiếp từ thương vụ này. Từ đầu năm 2022, PGB cũng chính thức dừng triển khai dịch vụ chuyển tiền nhanh Flexipay tại các điểm giao dịch là các cửa hàng xăng dầu, văn phòng trực thuộc PLX.
Trước tình hình này, PGB đã chủ động thực hiện chuyển dịch mạng lưới khách hàng sang các doanh nghiệp khác ngoài PLX khi mà cuối năm 2022, tỷ trọng dư nợ thực tế của các công ty PLX trên tổng dư nợ của PGB chỉ còn chiếm 2,37%. Tuy nhiên, tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn đến từ PLX và nhóm các công ty liên quan vẫn chiếm tỷ trọng đến 23% tổng tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng tại cuối năm 2022.
Nói về kế hoạch thoái vốn của PLX, từ sau năm 2012, với chủ trương thoái vốn khỏi những ngành kinh doanh không cốt lõi, PLX đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi PGB và tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược phù hợp cho ngân hàng. Sau ba năm đàm phán, đến năm 2015, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam - CTG đã trình tới cổ đông kế hoạch sáp nhập PGB với tỷ lệ hoán đổi 1:0,9 (1 cổ phiếu PGB sẽ được đổi 0,9 cổ phiếu CTG). Tuy nhiên, kế hoạch này đã không được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận và bị huỷ vào phút chót.
Sau đó, Ngân hàng TMCP Phát triển T.P Hồ Chí Minh - HDB là ngân hàng thứ 2 tiến tới bước đàm phán gần cuối với PGB khi hai bên cũng đã thông qua tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu (1 cổ phiếu PGB đổi lấy 0,621 cổ phiếu của HDB).
Tuy nhiên, cũng như thương vụ trên, mặc dù hồ sơ xin chấp thuận nguyên tắc đã được Ngân hàng Nhà nước thông qua vào năm 2018, nhưng đến năm 2021, cơ quan quản lý vẫn chưa chính thức chấp thuận cho giao dịch sáp nhập giữa hai bên khiến quá trình sáp nhập bị trì hoãn và kéo dài. Trước tình hình đó, cả HDB và PGB đều trình cổ đông chấm dứt giao dịch sáp nhập tại đại hội cổ đông năm 2021 do thời gian thương vụ kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động của cả hai ngân hàng.
Tới đầu năm 2021, thị trường kỳ vọng về việc Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam - MSB sẽ thực hiện sáp nhập với PGB khi nguyên Phó tổng giám đốc MSB được bổ nhiệm làm quyền Tổng Giám đốc tại PGB.
Không chỉ vậy, một số các lãnh đạo của MSB cũng được điều chuyển sang PGB để nắm các vị trí chủ chốt. Tuy nhiên, phải đến tận ĐHCĐ năm 2023, MSB mới trình ĐHCĐ thông qua việc sáp nhập một tổ chức tín dụng là một ngân hàng thương mại đang hoạt động tại Việt Nam, mục đích nhằm tận dụng hệ thống mạng lưới, nhân sự hướng tới việc tăng quy mô ngân hàng.
Với kế hoạch thoái vốn lần này, PLX thực hiện thoái vốn toàn bộ phần sở hữu tại PGB (120 triệu cổ phần – tương ứng với 40% sở hữu) theo hình thức đấu giá công khai, với mức giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu – tương ứng với P/B đạt khoảng 1,2 lần cho năm 2022.
Kết quả đấu thầu vừa qua có 4 nhà đầu tư trúng giá, trong đó 3 tổ chức và 1 cá nhân. Giá trúng cao nhất là 21.500 đồng/cổ phiếu, chỉ cao hơn 200 đồng/cổ phiếu so với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phiếu. Giá trúng bình quân là 21.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị cổ phần bán được là 2.568 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh năm 2022, PGB ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 404 tỷ đồng (tăng 56,2% so với cùng kỳ) chủ yếu nhờ NIM tăng 90 điểm cơ bản và chi phí hoạt động giảm đáng kể (CIR giảm còn 49% từ mức 57% trong năm 2021). Tăng trưởng tín dụng khá khiêm tốn chỉ 4% so với cùng kỳ do mảng cho vay chính là khách hàng doanh nghiệp giảm 7,5% so với cùng kỳ, trong khi cho vay khách hàng cá nhân tăng 30% so với cùng kỳ (tỷ trọng tăng lên mức 46% từ mức 35% trong 2021).
Nhờ mở rộng lĩnh vực cho vay khách hàng cá nhân, NIM của ngân hàng đã có sự cải thiện đáng kể lên 2,9% từ mức 2% trong năm 2021. Về chất lượng tài sản, PGB vẫn chưa ghi nhận nhiều sự cải thiện: tỷ lệ nợ xấu NPL của ngân hàng vẫn ở mức cao so với các ngân hàng niêm yết cùng quy mô (2,6% vào thời điểm cuối 2022) và tỷ lệ bao nợ xấu LLR rất thấp chỉ 38%.
Sang năm 2023, PGB đặt kế hoạch cho vay đạt 35.881 tỷ đồng (+23,5% so với cùng kỳ) tổng thu nhập hoạt động đạt 1,785 tỷ đồng (+18% so với cùng kỳ); và lợi nhuận trước thuế đạt 530 tỷ đồng (+4,7% so với cùng kỳ).
Nguyên nhân cho việc tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn so với tăng trưởng doanh thu do ngân hàng dự đoán năm 2023 sẽ tiếp tục khó khăn với tình hình biến động vĩ mô trong và ngoài nước, dẫn đến chi phí tín dụng tăng mạnh, làm giảm lợi nhuận.