*** Thông tin về Ngân hàng ACB

- Ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Á Châu (ACB) thành lập năm 1993. Đây là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu tại Việt Nam.

- Hệ thống mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch trải dài 49 tỉnh thành trong số 63 tỉnh thành trong cả nước và có hơn 13.000 nhân viên, với nhiều loại hình sản phẩm, dịch vụ đa dạng.

- Năm 2006, ACB niêm yết tại Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Đến 2020, ACB chuyển niêm yết cổ phiếu sang Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE).

***Cập nhật kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm

- Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 9/2023 đạt 8,7% YTD, có sự hồi phục so với đầu năm nhưng chưa mạnh mẽ trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn. Cụ thể, mảng cho vay KHCN tăng trưởng khiêm tốn 7% theo năm (mức tăng các năm trước 2 chữ số) bởi cho vay mua nhà chỉ tăng 5% theo năm, cho vay tiêu dùng cũng ghi nhận suy giảm. Trái lại, cho vay doanh nghiệp tăng trưởng hơn 10%, đóng góp chính vào tăng trưởng tín dụng của ngân hàng.

- Thu nhập lãi thuần đạt 6.209 tỷ đồng (tăng 2,9% theo năm). Đáng chú ý thu nhập ngoài lãi ghi nhận kết quả gấp đôi so với cùng kỳ chủ yếu đến từ hoạt động FX, CKĐT thu lãi lớn do ngân hàng tìm kiếm lợi nhuận bằng cách tận dụng những biến động vĩ mô trên thị trường. Nhờ vậy, tổng thu nhập hoạt động quý 3/2023 đạt 8.424 tỷ đồng (tăng 19% theo năm).

- Chi phí hoạt động tăng 13,6% theo quý, trong khi chi phí dự phòng thấp hơn quý 2, nhưng tăng mạnh so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của ngân hàng luỹ kế 9 tháng đầu năm đạt 15.024 tỷ đồng.

***Diễn biến chất lượng tài sản 

- Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tăng 14bps so với quý trước lên mức 1,2%, ACB vẫn là ngân hàng có tỷ lệ NPL thấp nhất toàn hệ thống cùng với VCB. Nợ xấu tăng trong quý này chủ yếu tập trung nhóm khách hàng doanh nghiệp khi ACB có 1-2 khách hàng chất lượng nợ suy giảm tại các ngân hàng khác dẫn
đến bị điều chỉnh nhóm nợ trên CIC. Nợ nhóm 2 và nợ xấu mới hình thành đã có xu hướng giảm so với quý trước cho thấy đỉnh nợ xấu đâu đó ở quanh vùng này. ACB cũng đặt mục tiêu có thể kiểm soát nợ xấu dưới 1% trong năm 2024.

- Chi phí dự phòng trong quý 3/2023 được ngân hàng ghi nhận ở mức 521 tỷ đồng (giảm 26% theo quý). Chi phí tín dụng cao hơn năm 2022 nhưng không đáng kể, vẫn giữ mức thấp (<0,5%) so với các ngân hàng khác. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu LLR giảm về mức 93% do phần dự phòng cho Covid đã giảm liên tục, đồng thời ACB tăng cường xử lý rủi ro để quản lý chất lượng tài sản tốt hơn.

- Ngân hàng tiếp tục duy trì danh mục an toàn với hơn 60% trái phiếu chính phủ, không có trái phiếu doanh nghiệp.

*** Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) tiếp tục có xu hướng giảm do ACB đẩy mạnh hỗ trợ lãi suất vay cho khách hàng

- Theo ACB, chi phí vốn có tín hiệu tích cực khi đã giảm 0,25% so với đầu năm, lãi suất huy động bình quân của ngân hàng cũng đang ở mức tương đối thấp (~4,9%). Tuy nhiên, do lãi suất cho vay giảm mạnh hơn theo kế hoạch hỗ trợ khách hàng nên NIM theo quý giảm 14bps so với quý trước.

- Ban lãnh đạo cho biết hiện tại lãi suất huy động đang ở mức thấp nên dư địa giảm thêm trong thời gian tới không nhiều, song lãi suất cho vay có thể vẫn sẽ giảm tiếp dẫn đến NIM trong ngắn hạn của ACB vẫn chưa cải thiện ngay. Ngân hàng đang nỗ lực duy trì NIM quanh mức 4% cho cả năm nay.