Quý IV lỗ đậm, kéo kết quả kinh doanh cả năm của VNG xuống. Lũy kế cả năm 2021, công ty báo lỗ 71 tỷ đồng sau thuế trong khi năm 2020 lãi 201 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ vẫn dương đạt 414 tỷ đồng còn lợi nhuận sau thuế cổ đông không kiểm soát âm 485 tỷ đồng.

vng-3-1644660096.jpeg

Tốn nhiều chi phí để đầu tư vào các startup khác

Nắm trong tay hệ sinh thái gồm Zing News, Zalo, Zing Mp3,…, VNG vẫn tiếp tục tham vọng mở rộng hơn nữa quy mô hoạt động của mình thông qua một loạt khoản đầu tư vào các nền tảng khác và các startup. Và việc chi tiền để mở rộng này cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến kỳ lân đầu tiên của Việt Nam kinh doanh lỗ năm vừa rồi.

Theo báo cáo tài chính, nguyên nhân thua lỗ đến từ CTCP Zion – đơn vị chủ quản của ví điện tử Zalo Pay. Cụ thể, VNG đang sở hữu 60% cổ phần của đơn vị này và gần như toàn bộ phần lỗ của cổ đông không kiểm soát – 485 tỷ đồng, tương ứng 40% mức lỗ của Zion. Như vậy, Zion đã lỗ khoảng 1.213 tỷ đồng, tăng 1,8 lần mức lỗ năm 2020 – 667 tỷ đồng.

Ngoài Zion, danh mục đầu tư của VNG cũng khá phong phú với sự góp mặt của nhiều startup như Day One JSC (đơn vị chủ quản giải pháp quà tặng Got It), nền tảng e-commerce Tiki, Ecotruck chuyên về giải pháp vận tải, Dorocat sản xuất trò chơi.

Cũng trong danh mục đầu tư này, DayOne là đơn vị duy nhất có lãi trong năm.

Còn Tiki vẫn tiếp tục mức lỗ khủng do đẩy mạnh đầu tư để chiếm thị phần. Tổng vốn đầu tư 510 tỷ đồng của VNG vào nền tảng này đã ‘bốc hơi’ từ năm 2019. Ngoài ra, sau khi CTCP Ti Ki (Tiki) hoán đổi thành Tiki Global Pte Ltd và tăng vốn điều lệ, phần vốn chủ sở hữu của VNG tại đây giảm còn 15,18%.

Bên cạnh các thương vụ đầu tư kể trên, VNG còn góp vốn vào Opencommerce Group Inc (114,1 tỷ đồng), Beijing Youtu Entertainment Technology Co Ltd (35,4 tỷ đồng), trái phiếu của Victoria Shanghai Education Foundation Limited (10,6 tỷ đồng).

Miệt mài mua cổ phiếu quỹ

Theo VietTimes, từ năm 2010, VNG đã chi ra hàng trăm tỷ đồng để mua lại cổ phiếu đã phát hành làm cổ phiếu quỹ.

Các năm sau đó, dù báo lãi lớn và tích luỹ cả nhiều tiền trong tay, VNG vẫn thường xuyên mua cổ phiếu quỹ thay vì chia cổ tức cho cổ đông.

Số lượng cổ phiếu quỹ của VNG, tính đến ngày 30/6/2020, đạt 9,97 triệu cổ phiếu trên báo cáo tài chính hợp nhất và 7,1 triệu cổ phiếu theo báo cáo tài chính riêng lẻ (đã kiểm toán).

Đã vậy, giá trị cổ phiếu mà VNG mua lại làm cổ phiếu quỹ cũng lên tới cả trăm nghìn đồng cho mỗi đơn vị. Như năm 2017, VNG đã chi ra 352,8 tỷ đồng để mua vào 1.060.846 cổ phiếu quỹ, tương đương với 332.603 đồng/cp – cao gấp 2,18 lần so với giá trị bình quân 152.247 đồng cho mỗi cổ phiếu quỹ tại ngày 31/12/2016 theo báo cáo tài chính riêng lẻ của VNG.

Tích cực mua vào cổ phiếu quỹ, song VNG lại hiếm khi bán ra. Lần ghi nhận gần nhất là vào tháng 3/2019, khi VNG đã thực hiện bán 355.820 cổ phiếu quỹ cho Seletar Investments – nhà đầu tư ngoại có nhiều mối liên hệ với Temasek Holdings.

Kết thúc năm 2021, tổng tài sản của VNG tăng 18% lên 9.278 tỷ đồng. Tổng lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của công ty là 4.930 tỷ đồng, chiếm 53% cơ cấu tài sản.

Ngoài ra, số lượng nhân viên của VNG đã tăng 794 người, tăng 29% so với năm 2020, lên 3.557 nhân viên.