VinFast tiên phong
Sau nhiều năm ấp ủ, VinFast cuối cùng đã có những động thái đầu tiên nhằm hiện thực hoá kế hoạch IPO tại Mỹ. Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup – công ty mẹ VinFast hôm 3/12 đã phê duyệt kế hoạch chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp (51,52%) của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast sang Công ty VinFast Trading and Investment Pte. Ltd (một công ty con của Vingroup đặt trụ sở tại Singapore).
Sau khi hoàn thành quá trình tái cấu trúc, Vingroup và các cổ đông hiện hữu của VinFast Việt Nam trực tiếp sở hữu 100% cổ phần VinFast Singapore, theo đó gián tiếp sở hữu 99,99% VinFast Việt Nam. Tập đoàn Vingroup duy trì tỷ lệ sở hữu 51,52% trong VinFast Việt Nam như hiện tại.
Vingroup cho biết, quá trình tái cấu trúc này nhằm chuẩn bị cho VinFast IPO tại Mỹ, nền tảng quan trọng trong chiến lược trở thành thương hiệu toàn cầu.
“Việc niêm yết công ty Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại Mỹ chưa thực hiện được do thiếu sự liên thông về pháp lý và cơ chế phối hợp liên quan. Do đó, để niêm yết tại Mỹ, VinFast bắt buộc phải thực hiện niêm yết qua VinFast Singapore vì Singapore là nước đã có liên thông với Mỹ trong lĩnh vực này,” bà Lê Thị Thu Thuỷ, Phó chủ tịch Tập đoàn VinFast cho biết.
Dù không tiết lộ phương án cụ thể IPO của VinFast, bà Thủy cho biết VinFast sẽ chỉ bán từ 5 – 10% cổ phần, tức là nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ nắm giữ tối đa 10% vốn điều lệ công ty. Nhiều khả năng kế hoạch IPO của VinFast sẽ được thực hiện trong 2 năm tới, theo Reuters.
Động thái tương tự từ các doanh nghiệp khác
Ngay sau thông tin niêm yết của VinFast xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, hàng loạt cái tên như Bamboo Airways, Tiki, VNG cũng một lần nữa công bố kế hoạch tương tự.
Sau khi thành công huy động được 258 triệu đô la Mỹ từ vòng gọi vốn Series E gần đây, Tiki đã nâng mức định giá của mình tiệm cận với 1 tỷ đô la Mỹ. Nhờ đó, ông Trần Ngọc Thái Sơn – CEO Tiki cho biết công ty dự định kế hoạch niêm yết tại Mỹ trong vòng 1 năm tới, sớm hơn nhiều kế hoạch ban đầu là năm 2025. Ông Sơn cũng nói rằng, việc IPO có thể thông qua một công ty séc trắng (SPAC). Hồi giữa năm, CTCP Tiki (Việt Nam) đã chuyển phần lớn cổ phần sang cho Tiki Global (Singapore), được thành lập với vai trò hỗ trợ kế hoạch IPO và huy động vốn.
Sớm hơn Tiki là Bamboo Airways. Hồ tháng 4/2021, ông Trịnh Văn Quyết – Chủ tịch hãng hàng không Bamboo Airways đặt mục tiêu IPO tại Mỹ trong quý 3 (năm nay) với mức định giá 4 tỷ đô la Mỹ nhưng không thành công do ảnh hưởng dịch bệnh. Tuy vậy, theo cập nhật mới nhất, đại diện Bamboo Airways cho biết hãng sẽ dự kiến giao dịch cổ phiếu trên UPCoM vào quý 1 năm sau. Đồng thời, BamBoo Airways cũng đang gấp rút hoàn thiện hồ sơ chào bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán New York ngay trong năm sau.
Bloomberg vào tháng 8 đưa tin CTCP VNG, một trong hai kỳ lân công nghệ của Việt Nam cùng với VnLife thời điểm đó cân nhắc việc niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua sáp nhập với một SPAC.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn trên kênh podcast GGV Nextbillion, ông Lê Hồng Minh – Người sáng lập kiêm Tổng giám đốc VNG tiết lộ thông tin quan trọng về lý do công ty chậm tiến hành IPO.
Trước hết, VNG đang không cần vốn gấp. Theo những gì ông Lê Hồng Minh nói trong cuộc phỏng vấn, VNG luôn sử dụng lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh game để đầu tư vào các mảng kinh doanh mới.
Thứ hai, việc mở rộng sang các thị trường khác trên thị trường toàn cầu không phải ưu tiên hàng đầu trong suy nghĩ của CEO VNG. Ông nói với GGV, “Việc mở rộng tự nhiên chỉ đến khi bản thân công ty thực sự tập trung vào thị trường địa phương của mình, và việc giành chiến thắng trên nhiều ngành dọc thay vì một ngành dọc sẽ giúp doanh nghiệp phát triển rất nhanh.”
Liệu làn sóng IPO của các doanh nghiệp Việt trên đất Mỹ có thành hiện thực?
Sự giảm sút phong độ của Society Pass (chủ sở hữu của Leflair có trụ sở tại Mỹ) đã phần nào phản ảnh hiện thực IPO sẽ không mấy khả quan cho những tay chơi ít tiếng tăm. Cổ phiếu SOPA trên sàn NASDAQ hiện đang giao dịch ở mức hơn 7 đô la Mỹ/cổ phiếu, giảm đến 85% so với lúc mới niêm yết và thường xuyên bị bán tháo. Vốn hoá của công ty qua đó cũng lao dốc từ 830 triệu đô la Mỹ xuống còn 142 triệu đô la Mỹ.
Chưa kể, Uỷ ban chứng khoán Hoa Kỳ từ cuối tháng 8 đã đẩy mạnh thắt chặt các hoạt động niêm yết qua SPAC – phương thức chính giúp các startup niêm yết được tại Mỹ.
Theo ông Kent Wong, Giám đốc Ngân hàng và Thị trường vốn thuộc Công ty tư vấn luật VCI Legal, trong số các công ty Việt Nam như VNG, Tiki và Loship, thì VNG có cơ hội thành công cao nhất để gây quỹ ở thị trường nước ngoài, với tiềm năng cao về nội dung kỹ thuật số, thương mại điện tử, trò chơi trực tuyến và nền tảng đám mây. Các kênh công nghệ khác nhau này cho phép VNG không bị giới hạn bởi khu vực địa lý hoặc phụ thuộc vào hạ tầng địa phương.
Tuy nhiên, ông Wong tin rằng, VNG sẽ đến muộn trong buổi tiệc, vì bong bóng thị trường SPAC đã vỡ.
“Tôi thích con đường IPO thông thường hơn vì dù sao, sáp nhập ngược với công ty SPAC sẽ phải trải qua sự giám sát nghiêm ngặt”, ông Wong nêu quan điểm.
Ngoài vị thế tại thị trường ở Đông Nam Á, theo ông Wong, các tập đoàn như VNG cần phải xem xét lại định giá của mình.
“Một số người đặt câu hỏi về tính khả thi của việc định giá 2 - 3 tỷ đô la Mỹ của VNG. Lưu ý rằng, con số này khá khiêm tốn so với vị thế thống lĩnh thị trường của tập đoàn này tại Việt Nam và so với các đối thủ khác như FPT hay thương vụ Bukalapak 6,5 tỷ đô la Mỹ của Indonesia gần đây”, ông Wong lưu ý.
Một số người khác cũng cho rằng, mức định giá khoảng 2 - 3 tỷ đô la Mỹ của VNG không “đáp ứng được kỳ vọng” về vị trí dẫn đầu thị trường của công ty.
“Tôi nghĩ, Nhóm ngân hàng đầu tư của VNG đang gặp phải một vấn đề nghiêm trọng. Đó là lý do họ không thể thuyết phục các nhà đầu tư quốc tế rằng, VNG có giá trị lớn hơn nhiều so với mức 2-3 tỷ đô la Mỹ. Thậm chí, Bukalapak là một trong những công ty thương mại điện tử cấp bậc trung của Indonesia cũng được định giá 6,5 tỷ đô la Mỹ”, một chuyên gia trong ngành dấu tên cho biết.