Thị trường chứng khoán ngày 2/2 (tức 23 tháng Chạp) chứng kiến sự tăng điểm mạnh của mã cổ phiếu HDB của HDBank.

Trong phiên, cổ phiếu này bật tăng hơn 2,5% và chính thức vượt qua đỉnh cũ ghi nhận vào cuối tháng 11/2021. Hiện cổ phiếu này đang được giao dịch ở mức cao nhất lịch sử là 22.350 đồng/cp (giá đã điều chỉnh). Tính chung từ đầu năm tới nay, cổ phiếu này đã tăng tổng cộng hơn 10% và tăng gần 25% trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Được biết, ngân hàng này do bà Nguyễn Thị Phương Thảo nắm giữ chức Phó Chủ tịch thường trực HĐQT. Bà Thảo cũng là nữ tỷ phú đôla đầu tiên của Việt Nam theo  bảng xếp hạng những tỷ phú giàu nhất hành tinh được tạp chí Forbes công bố. Theo bảng xếp hạng, cuối năm 2023, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có tổng tài sản 2,2 tỷ USD xếp vị trí thứ 1.368 trong bảng xếp hạng người giàu thế giới.

HDB kinh doanh ra sao?

Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2023 và năm 2023 của ngân hàng này cho thấy, dư nợ tín dụng của HDB tính đến cuối năm 2023 đạt 353.441 tỷ đồng – tăng trưởng 31,8%  và hoàn thành hạn mức được giao bởi Ngân hàng Nhà nước. Tín dụng ghi nhận tăng mạnh trong quý 4 cùng với xu hướng chung của toàn ngành (tăng thêm 20% so với thời điểm cuối quý 3).

Trong đó cho vay phân khúc bán lẻ tăng trưởng 10,8%, nhóm khách hàng doanh nhiệp (CMB/SME) tăng 54,5%. Ban lãnh đạo cho biết hạn mức tín dụng được Ngân hàng nhà nước cấp mới cho năm 2024 là 20%.

Thu nhập lãi thuần (NII) trong quý 4 đạt 7,473 tỷ đồng, tăng 60% so quý trước do tín dụng tăng đột biến, luỹ kế năm 2023 NII đạt 22,184 tỷ đồng (tăng 23,2%). Thu nhập từ phí năm 2023 giảm 26%, trong khi thu nhập ngoài lãi khác đạt 2.042 tỷ đồng (tăng 104%) được dẫn dắt bởi hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và vàng, ngoại hối. Tính chung cả năm 2023, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của HDB đạt 26.414 tỷ đồng (tăng 35,7%).

Chi phí hoạt động năm 2023 tăng 5.8%, nhưng tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) đã có sự cải thiện từ 34,6% (2022) về mức 39,3%. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 39% trong bối cảnh chất lượng tài sản của cả ngành suy giảm. Nhìn chung, lợi nhuận trước thuế của HDB ghi nhận 13.017 tỷ đồng (tăng 26,8%), nằm trong các ngân hàng có mức tăng trưởng ấn tượng.

Về khả năng sinh lời, tỷ suất lợi nhuận lãi thuần (NIM) hợp nhất có sự cải thiện 10bps so với quý trước lên mức 5,1% do mặt bằng lãi suất huy động đã giảm đáng kể và bắt đầu phản ảnh vào chi phí vốn của ngân hàng. Ngân hàng cho biết NIM được kỳ vọng sẽ cải thiện trong năm 2024, duy trì trong khoảng 5 - 5.2% cho cả ngân
hàng.

Tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA),  tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) được cải thiện, lần lượt đạt 2,0% và 24,2%, cao hơn cùng kỳ năm trước và trong nhóm dẫn đầu toàn ngành. Ngân hàng đã chủ động tăng trích lập dự phòng để củng cố bộ đệm tài chính, sẵn sàng trước các biến động thị trường. An toàn vốn CAR (chuẩn Basel II) đạt tới 12,6%, đạt 150% so với quy định của ngành ngân hàng.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất giảm 47bps so với quý 3 về mức 1,79% tính đến cuối tháng 12, giúp ngân hàng hoàn thành mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 2%. Nợ xấu của ngân hàng mẹ là 1,5% cho năm 2023. Theo HDB, nợ xấu chủ yếu đến từ phân khúc bán lẻ, nhưng đã có xu hướng giảm mạnh trong 2 quý gần đây. Do vậy tỷ lệ nợ xấu NPL của HDB được kì vọng đã tạo đỉnh trong năm 2023 và sẽ được cải thiện trong năm 2024.

Hoạt động của HD Saison trong năm 2023 với dư nợ cho vay đạt 16.1 nghìn tỷ đồng tính đến cuối quý 4, trong đó cho vay mua xe máy và tài chính tiêu dùng vẫn là 2 sản phẩm chủ lực, đóng góp lần lượt 21% và 23.5% trong cơ cấu danh mục. Chất lượng tài sản được kiểm soát tốt hơn khi tỷ lệ nợ xấu đã giảm về mứuc 7,61% từ mức đỉnh 7,92% trong quý 2. NIM giảm nhẹ xong vẫn duy trì mức cao (khoảng 29%).