Khi công bố kết quả kinh doanh quý 2/2022, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) khiến thị trường tài chính choáng váng bởi khoản lợi nhuận khủng, được tạo ra từ giao dịch khá kỳ lạ.

Đó là gần 2.000 tỷ đồng thu nhập bất thường đến từ việc nâng tỷ lệ sở hữu tại CTCP Đầu tư Sài Gòn  - Đà Nẵng (SDN) từ 19% lên 48%. Kinh Bắc chỉ phải chi thêm thêm 57 tỷ để nâng vốn góp từ 39 tỷ lên 96 tỷ đồng, biến SDN từ khoản đầu tư thông thường thành công ty liên kết, tức ghi nhận trên BCTC hợp nhất của KBC theo phương pháp vốn chủ sở hữu.

Khi đánh giá lại giá trị, 48% lợi ích của KBC tại SDN có giá trị tới 2.493 tỷ đồng. Tức là mặc dù chỉ có vốn điều lệ 200 tỷ đồng nhưng vốn chủ của SDN tại thời điểm 30/6 lên đến gần 5.200 tỷ đồng.

Sự kỳ lạ của Kinh Bắc đang tạm dừng ở đó thì FLC - doanh nghiệp nổi tiếng trên sàn chứng khoán vừa có cựu Chủ tịch là ông Trịnh Văn Quyết bị bắt vì các giao dịch thao túng giá cổ phiếu - cũng công bố những động thái lạ trong báo cáo quý 2.

Theo đó, FLC đã tất toán xong khoản nợ 1.840 tỉ đồng với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) nhưng chuyển sang vay tín chấp ông Lê Thái Sâm 621 tỉ đồng cùng một ‘chủ nợ’ khác là CTCP Tập đoàn Homeliday (Homeliday Group) với số nợ 185 tỷ đồng. Số nợ này tương đương 92,5% vốn điều lệ của Homeliday Group. Khoản vay có lãi suất 12%/năm, có thời hạn đến hết ngày 30/6/2022.

Đáng chú ý, hợp đồng vay vốn giữa FLC và Homeliday Group đề ngày 1/3/2022 – tức chưa tròn 1 năm kể từ ngày Homeliday Group thành lập.

Homeliday Group được thành lập từ tháng 3/2021, tiền thân là CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản BHS (BHS Invest). Doanh nghiệp này được biết tới là nhà phát triển dự án Homeliday Eo Gió (tên cũ: FLC Eo Gió Sun Bay) do FLC làm chủ đầu tư. Dự án này có quy mô 90.500 m2, thuộc quần thể FLC Quy Nhơn Beach & Golf Resort, được khởi công từ tháng 11/2021 và dự kiến hoàn thành vào quý 3/2023.

Trước đó, trong giai đoạn từ ngày 18/9/2019 – 2/3/2020, tại một công ty bất động sản khá nổi là CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cenland) liên tục chứng kiến những lãnh đạo kỳ cựu lần lượt rời đi, đó là các ông Lê Xuân Nga, Trương Hùng Cường, Cấn Công Việt và Nguyễn Thọ Tuyển. Bến đỗ mới của họ là BHS Group. Homeliday Group được sáng lập bởi ông Nguyễn Thọ Tuyển và các cộng sự ở BHS Group. 

screenshot-20220812-212457-chrome-1660314795.jpg
 

Và đây là những "bạn bè" đối tác thân thiết mối với FLC và SGI của ông Đặng Thành Tâm.

Cập nhật tới ngày 6/6/2022, các chức vụ Tổng giám đốc và Chủ tịch HĐQT của Homeliday Group lần lượt do ông Trương Hùng Cường và Vũ Văn Thuận đảm nhiệm. 

Sinh năm 1984, ông Vũ Văn Thuận còn là Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Gòn (SGU). Doanh nghiệp này được sáng lập bởi CTCP Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (Saigontel), CTCP Đầu tư Bất động sản BMI (BMI) và bà Nguyễn Cẩm Phương, với tỉ lệ sở hữu lần lượt là 60%, 30% và 10% vốn điều lệ.

Trong đó, BMI được thành lập vào tháng 8/2019, với quy mô vốn điều lệ 100 tỉ đồng. Công ty này được sáng lập bởi CTCP Bất động sản BHS, CTCP Meryland và ông Trương Hùng Cường (nắm giữ 1% VĐL).

Tháng 7/2020, SGU và CTCP Đầu tư Sài Gòn – Đà Nẵng (SDN, thành viên Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn, viết tắt: SGI) đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Khu nhà ở xã hội Bầu Tràm (tên thương mại: The Ori Garden). Cụ thể, SDN sẽ góp quyền sử dụng đất của dự án tại phường Hoà Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Tp. Đà Nẵng với diện tích 40.587 m2 (tương ứng với số vốn góp 86 tỉ đồng), còn SGU sẽ góp toàn bộ vốn bằng tiền cần thiết để triển khai dự án nhưng không thấp hơn 172 tỉ đồng.

Đến tháng 4/2021, dự án The Ori Garden được khởi công xây dựng. Tại sự kiện này, SDN được giới thiệu là chủ đầu tư, còn SGU làm đơn vị phát triển dự án.

SDN cũng là doanh nghiệp tạo ra khoản lợi nhuận bất thường nói trên của KBC.