Tháng 7 và 8 vừa qua, là quãng thời gian đen tối nhất của ngành hàng không Việt Nam nói chung và Vietnam Airlines nói riêng. Ví dụ: từ ngày 19/7 đến 18/8, dù họ là hãng bay thực nhiều nhiều chuyến nhất – 1.025 chuyến, song vẫn giảm 84,6% nếu so với năm 2020 và giảm 47% so với tháng trước. Còn theo số liệu cuối tháng 8 của Planespotter, Vietnam Airlines hiện có 74 trong tổng số 100 máy bay phải nằm sân không khai thác vì vắng khách.

Hệ quả, theo báo cáo bán niên đã soát xét, Vietnam Airlines tiếp tục ghi khó khăn khi doanh thu thuần giảm gần 44% về mức gần 14.000 tỷ đồng. Lỗ sau thuế thuộc công ty mẹ lên đến 8.421 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 5.144 tỷ.

Cũng trong báo cáo này, hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 17.772 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ và lần đầu tiên âm vốn chủ sở hữu hơn 2.750 tỷ đồng. Kết quả này có thể khiến cổ phiếu HVN đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE, nếu không có bất cứ giải pháp gì cải thiện tình hình.

Tuy nhiên, trong khoảng 1 tuần gần đây, tình hình của Vietnam Airlines đang dần tốt lên và sáng sủa hẳn ra. Minh chứng: HVN vừa có phiên tăng thứ 6 liên tiếp lên 26.800 đồng/cổ phiếu, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay cùng thanh khoản tăng mạnh.

vna2-1631543280.png
 

Kết phiên giao dịch 13/9, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines tăng hết biên độ lên 26.800 đồng/cổ phiếu. Đây là phiên thứ 6 liên tiếp mã chứng khoán này đi lên, tăng hơn 40% so với đầu tháng 8 và cũng là mức giá đóng cửa cao nhất kể từ đầu năm 2020 đến nay.

Như thế, sau khoảng thời gian lao dốc hồi tháng 4, cổ phiếu HVN đột nhiên ghi nhận những bước tăng giá mạnh mẽ trong các phiên vừa qua và luôn nằm trong top 10 mã chứng khoán có tác động tích cực nhất tới chỉ số VN-Index.

Thanh khoản cũng đồng thời tăng vọt lên hơn 3,7 triệu cổ phiếu trong phiên gần nhất, cùng dư mua trần hàng trăm nghìn đơn vị. Trong khi, thanh khoản bình quân trong một năm qua chưa đến 1 triệu cổ phiếu/phiên.

Vietnam Airlines sắp được bay nội địa và được nhà nước ‘bơm vốn’ ồ ạt

Sự hồi phục cổ phiếu của Vietnam Airlines, bắt nguồn từ 2 nguyên do: Chính phủ nới lỏng giãn cách – tức các đường bay nội địa sắp mở lại và Nhà nước vừa giải ngân hơn 6.000 tỷ đồng cứu trợ.

Cục Hàng không vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về dự thảo kế hoạch phục hồi hoạt động vận tải hàng không nội địa thích ứng an toàn với tình hình kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Theo dự thảo, Cục Hàng không đề nghị hành khách cần đáp ứng những tiêu chí như tiêm đủ 2 mũi vaccine và có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ để di chuyển hàng không khi nối lại các đường bay giai đoạn đầu. Quá trình mở lại đường bay nội địa không quá ồ ạt, mà chia làm 3 giai đoạn để vừa mở cửa kinh tế vừa thăm dò hiệu quả; tuy nhiên, vậy cũng đủ để các hãng bay vui mừng.

Còn theo kế hoạch của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngành du lịch dự kiến thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)... Mặc dù, điểm đến Phú Quốc đang có chút trục trặc nên chưa thể triển khai sớm như dự kiến, song vẫn còn những cái tên sáng giá khác tại miền Trung.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải còn đang soạn dự thảo thông tư về việc nâng giá sàn vé máy bay, qua đó giúp Vietnam Airlines cạnh tranh tốt hơn với các hãng tư nhân như Vietjet Air, Bamboo Airways… Theo đó, cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT áp sàn giá vé máy bay tối thiểu 320.000 đồng/chiều/hành khách, đồng nghĩa xóa bỏ vé 0 đồng, vé khuyến mại siêu rẻ. Còn giá vé khứ hồi TP.HCM – Hà Nội rẻ nhất là 2,5 triệu đồng.

vna-1631543280.jpg
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cùng Vietnam Airlines đang thử nghiệm ứng dụng IATA Travel Pass cho các chuyến bay quốc tế.

Hãng hàng không Vietravel Airlines đã có giấy phép bay quốc tế. Khi công tác đón khách được thông qua, hãng kỳ vọng thực hiện những chuyến bay thuê bao với mức giá kích cầu.

Dù họ thông báo đã được cấp phép bay thẳng từ Việt Nam – đến Mỹ, nhưng để điều đó trở thành hiện thực còn cần nhiều thời gian. Ngày 12/9, Vietnam Airlines đã có 2 chuyến bay đưa 345 hành khách từ Mỹ với ‘hộ chiếu vaccine’ đã về đến sân bay Vân Đồn. Hai chuyến bay, một xuất phát từ sân bay Los Angeles, một từ San Francisco sau đó quá cảnh tại sân bay Incheon (Hàn Quốc).

Ngoài ra Vietnam Airlines cũng được Quốc hội đồng ý “giải cứu” với gói hỗ trợ đến 12.000 tỷ đồng, bao gồm huy động 8.000 tỷ đồng thông qua phát hành 800 triệu cổ phiếu mới và được vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng của Ngân hàng Nhà nước.

Trong phương án giải cứu Vietnam Airlines, Tổng công ty sẽ tiến hành chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng. Trong đợt tăng vốn này, cổ đông chiến lược ANA Holdings không tham gia mà chuyển nhượng lại cho cán bộ/nhân viên Vietnam Airlines với giá 0 đồng. Hãng hàng không Nhật Bản chấp nhận việc pha loãng do cũng đang trong tình trạng khó khăn.

Tháng 6/2021, 3 ngân hàng gồm SeaBank, MSB và SHB có cam kết tài trợ cho Vietnam Airlines (HoSE: HVN) vay với tổng số tiền 4.000 tỷ đồng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Hôm nay 13/9/2021, trước yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam – CTCP (VNA) do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội được các cơ quan chức năng giao, ngày, SCIC đã giải ngân số tiền 6.894,9 tỷ đồng mua cổ phiếu để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của VNA.

Việc SCIC đầu tư mua cổ phiếu tại VNA góp phần bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện khả năng thanh toán trong ngắn hạn của VNA, hạn chế các tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Trong thời gian tới, VNA sẽ sớm hoàn tất Đề án tái cơ cấu tổng thể để đảm bảo thích nghi với tình hình mới, vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững.