Đại hội đồng cổ đông thương niên 2021 của Vietnam Airlines đã thông qua phương án phát hành thêm 800 triệu cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu trong năm nay để tăng vốn điều lệ, bổ sung thanh khoản. Với tư cách là cổ đông chiến lược sở hữu 8,77% cổ phần, hãng hàng không All Nippon Airways (ANA) của Nhật Bản được khoảng 70 triệu quyền mua cổ phần.

Tuy nhiên, ANA cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19 với mức lỗ 784 triệu USD trong năm tài khoá 2020. Với khó khăn này của đối tác, Vietnam Airlines đã trao đổi với ANA và đối tác này đồng ý sẽ chuyển nhượng lại toàn bộ quyền mua cổ phiếu cho cán bộ nhân viên Vietnam Airlines.

Công đoàn của Vietnam Airlines sẽ đại diện và thay mặt ANA thực hiện việc chuyển nhượng quyền mua.

dsc-3446-1-1627447970.jpeg
Nhân viên của Vietnam Airline

Theo đó, 70 triệu cổ phiếu thuộc quyền mua của ANA sẽ được phân phối cho hơn 15.100 người lao động của Vietnam Airlines Group bao gồm cán bộ, nhân viên tại công ty mẹ Vietnam Airlines, tại 4 công ty con (VIAGS, VAECO, SKYPEC, VACS), người lao động biệt phái tại các công ty con do Vietnam Airlines nắm giữ từ 51% đến dưới 100%, liên minh SkyTeam và tiếp viên người Việt Nam có giao kết hợp đồng lao động trực tiếp với công ty Alsimexco.

Mỗi người lao động dự kiến sẽ được mua khoảng 3.000-5.700 cổ phần (tùy đối tượng)

Cổ phiếu ưu đãi có giá 10.000 đồng, chỉ bằng 41,5% giá cổ phiếu HVN chốt phiên giao dịch ngày 26/7. Như vậy, mỗi nhân viên Vietnam Airlines Group có thể chi khoảng 30-57 triệu đồng để mua cổ phiếu ưu đãi.

"Trong bối cảnh thu nhập bị giảm sút, việc được mua cổ phiếu với giá 10.000 đồng sẽ là cơ hội để người lao động sở hữu thêm cổ phiếu HVN, qua đó tạo động lực thúc đẩy hiệu quả làm việc, tạo sự gắn kết với tổng công ty", hãng hàng không quốc gia cho hay và khẳng định đây là một cơ hội đầu tư dài hạn với khả năng sinh lời cao, ít rủi ro cho người lao động, đặc biệt với những người đã gắn bó lâu dài.

Ngay sau khi Vietnam Airlines đưa ra thông tin này, nhiều nhân viên VietNam Airlines đã lên các diễn đàn chứng khoán để tham khảo ý kiến, về việc có nên mua cổ phiếu ưu đãi này hay không?!

Theo chuyên gia chứng khoán Đặng Trần Phúc, so với thị giá thì đúng là HVN đang bán ưu đãi, thậm chí ưu đãi lớn, vì sau điều chỉnh phát hành giá HVN về khoảng 19 (mua giá 10 thấp hơn tới 45%), do đó nếu những nhân viên Vietnam Airlines có sẵn cổ phiếu trong tay mà lại rất yêu công ty thì có thể bán trước hết các cổ phiếu đó với giá 2x, sau mua lại với giá 10k như vậy là chiêu đổi hàng cũng ổn. Hoặc họ nhanh tay khi cổ phiếu về bán ngay với giá hơn 10k được thì lãi luôn.

Tuy nhiên, nếu những nhân viên này mua cổ phiếu HVN và để lâu dài thì e là ngược đãi chứ không còn ưu đãi vì thực tế dịch Covid ở Việt Nam hết sức căng thẳng để có thể bay trở lại ở mức bình thường (hòa vốn) thì ít nhất cũng phải đầu 2023, từ nay tới đó HVN sẽ lỗ thêm 15,000 tỷ là bình thường thậm chí lỗ hơn. Khi đó sau đợt thu được 8,000 tỷ trên thì HVN vẫn cần bơm thêm khoảng 9,000-10,000 tỷ để bù lỗ cho những năm sau để tránh âm vốn chủ sở hữu.

Thêm nữa, cho dù Covid qua đi, vốn điều lệ của HVN lên khoảng 23,000-35,000 tỷ đồng, mà vốn chủ hỡ hữu về 0 đồng, thì bao nhiêu năm sau lợi nhuận có thể thu lại được 30,000 tỷ đồng để về vạch xuất phát? (Giá trị sổ sách về với mệnh giá). Có lẽ không dưới 20 năm. Vì sao lại lâu vậy? Vì vốn chủ sở hữu về 0, mọi nguồn lực phải đi vay hoạt động, nếu vậy trả lãi đã đủ chết rồi thì lãi còn lại được bao nhiêu?

Như vậy, dù tình hình có ổn định trở lại thì HVN sẽ mất tối thiểu 20 năm sau mới về vạch xuất phát. Và đêm dài thì lắm mộng. Bạn có sẵn sàng đợi 20 năm để cổ phiếu về nơi xuất phát?