Không đầu hàng trước nghịch cảnh, từ vị trí cuối cùng trong tòa tháp xã hội vươn mình lên đỉnh tháp đó chính là người đàn ông mang tên Nguyễn Hữu Đường.

Con đường trở thành cái tên Đường “Bia”

Sau 4 năm giải phóng, ông Đường xuất ngũ với giấc mộng “phi thương bất phú”, năm 1979 ông bắt đầu tập tành buôn bán, trở thành tay buôn chuyên từ Bắc ra Nam, con đường lái buôn của ông đều trót lọt cho đến lần thứ 10, số lượng lớn hàng buôn lậu của ông bị tịch thu toàn bộ và ông trở thành “kẻ trắng tay” trong nháy mắt. Giấc mơ đi buôn chấm dứt.

Sự thất bại trước đó vẫn không tài nào đánh bại được ông, thua keo này bày keo khác, ông trở về học nghề lái xe, trong thời gian chờ đợi ông đã tạm trở thành “chân xích lô chở bia”. Thời điểm ấy, người ta trả cho ông 60 đồng tương đương 1 thùng bia cho một ngày chở hàng, hôm nào nắng nóng bia đắt chở nhiều ông được trả tới 80 đồng, hơn cả lương tháng một kỹ sư khi ấy. Nhận ra đây là con đường kiếm tiền tốt, ông Đường quyết định từ bỏ học lái xe và xin làm nhân viên chính thức trong Hợp tác xã Bia.

chan-dung-dai-gia-nguyen-huu-duong-nguoi-dap-xich-lo-ho-bien-thanh-doanh-nhan-bia-voi-tai-san-kech-xu-1678638218.png

Chân dung ông Nguyễn Hữu Đường. (Ảnh: danviet)

Dùng thời gian 5 năm (1981-1986) với nghề chở bia, ông Đường đã kiếm được một số tiền kha khá, ông quyết định thực hiện khởi nghiệp. Thời điểm này, nhiều người thân, bạn bè cũng khuyên ông thay vì khởi nghiệp kinh doanh mạo hiểm cao chi bằng mua nhà trên phố Hàng Đào, Hàng Ngang rồi cho thuê sẽ an toàn hơn. Ông Đường chọn kiên định với ý tưởng của mình vì ông còn những anh em đồng đội từng chiếu cố ông trước đây cần giúp đỡ.

Cuối năm 1986, với lý do trên, ông rút vốn mua mảnh đất lập nên Tổ hợp thương binh nặng Hòa Bình mời nhiều anh em đồng đội trong đó có 7 thương binh về làm việc nhằm tạo công ăn việc làm cho họ. Tổ hợp của ông giai đoạn đầu làm rất nhiều nghề từ nước đá, sản xuất nước ngọt, đóng bia cho đến làm nút chai cho nhà máy rượu…

chan-dung-dai-gia-nguyen-huu-duong-nguoi-dap-xich-lo-ho-bien-thanh-doanh-nhan-bia-voi-tai-san-kech-xu-1-1678638218.png

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường gặp gỡ đại sứ Mỹ Kritenbrink. (Ảnh: baodautu)

Đến năm 1988, cái tên Đường “Bia” đã trở thành thương hiệu của ông khi Tổ hợp của ông được chuyển thành nhà máy bia sau khi Nhà nước ra chính sách phát triển kinh tế. Nhà máy của ông thuận buồm xuôi gió mà trở nên phát đạt, một ngày nhà máy Bia kiếm được 2-3 cây vàng. Sau này, ông thử dùng hạt lúa mạch nảy mầm để làm bia và đã thành công mang về cho ông thêm một cái tên Đường “Malt”.

Sau khi Tổ hợp nhà máy bia của ông thành công ông Đường đã đổi tên thành Công ty TNHH Hòa Bình. Ông cũng bắt đầu đầu tư vào BĐS và thành “đại gia” BĐS có tiếng ở Hà Thành. Một loạt các dự án được triển khai và xây dựng thành công dưới cái tên của công ty ông như: Hòa Bình Green City (Hà Nội); Hòa Bình Green Apartment (Hà Nội); Khách sạn Hòa Bình Palace (Hà Nội); tòa tháp quốc tế Hòa Bình dự án đầu tiên tại Việt Nam có thang máy được dát vàng.

Ấp ủ dự án to lớn để đời

Dự án Trung tâm thương mại (TTTM) OUTLET V+ là dự án mà ông Đường vẫn luôn ấp ủ bấy lâu nay. Ông nhận thấy rằng những siêu thị hay TTTM của Việt Nam đa số toàn hàng nhập khẩu nước ngoài, còn sản phẩm mang tên Việt Nam lại ít đến đáng thương.

Chủ tịch Hòa Bình Group ông Nguyễn Hữu Đường đã chia sẻ rằng: “Muốn cho dân hết nghèo thì phải tạo công ăn việc làm cho họ và sản phẩm được làm ra phải là sản phẩm có giá trị và tiêu thụ được. Muốn thu hút khách hàng thì sản phẩm phải có giá rẻ hơn so với chỗ họ đang sống, chất lượng phải tốt.”

chan-dung-dai-gia-nguyen-huu-duong-nguoi-dap-xich-lo-ho-bien-thanh-doanh-nhan-bia-voi-tai-san-kech-xu-3-1678638218.png

Phối cảnh dự án TTTM ấp ủ của đại gia Nguyễn Hữu Đường. (Ảnh: Nguoiduatin)

Ông Đường còn chia sẻ thêm: “Toàn bộ hàng hóa được bán tại TTTM OUTLET V+ đều được mua bảo hiểm để khẳng định chất lượng. Ông đề ra chính sách tối ưu là: “các quầy hàng sẽ được thuê mặt bằng với giá thuê chỉ 1.000 đồng/m2 trong 10 năm, phí dịch vụ chỉ 70% mức phí mà những TTTM trong nước đang thu. Sẽ có 7 trung tâm hỗ trợ có chức năng thu hút khách du lịch, điều tiết sản xuất, quan trọng nhất là gắn kết được các nhà khoa học, các doanh nghiệp, người nông dân, ngư dân theo phương thức “Tôi mua hàng hóa của anh và anh mua hàng hóa của tôi”, góp phần thúc đẩy nền sản xuất trong nước”.

Thực hiện một dự án lớn và mang tầm cỡ quốc gia thì cần một quá trình nghiên cứu cân đo đong đếm rất dài. Chủ tịch Hòa Bình cũng không ngại đi qua các nước phát triển học hỏi kinh nghiệm, tìm mời những nhân tài từ nước ngoài, tuy nhiên ông vẫn giữ gìn quan điểm: bản thân vẫn là người cầm cán cân chủ chốt.

Để có được một cơ ngơi như ngày hôm nay ngoài những kinh nghiệm và tầm nhìn vượt trội của mình, thì cũng đi kèm với phần nhiều sự may mắn. Ông Nguyễn Hữu Đường vẫn tiếp tục tìm tòi, sáng tạo để mang những sản phẩm tốt nhất, hợp pháp luật, góp phần giúp các doanh nghiệp nâng cao thúc đẩy nền kinh tế đi lên.