Chẳng nối nghiệp mẹ bà Nguyễn Thị Sơn, không theo nghề bất động sản của anh Nguyễn Hoàng Tuấn - ông chủ tập đoàn Sơn Kim Land, chẳng theo nghề thời trang của chị Nguyễn Hồng Trang - bà chủ tập đoàn Sơn Kim Mode, Nguyễn Hoàng Anh chọn trở thành anh chàng bán cà phê chỉ vì thích.  Golden Mountain – Núi Vàng, hay chính xác hơn là Sơn Kim, là tên của chuỗi càphê của cậu út nhà Sơn Kim danh giá Nuyễn Hoàng Anh.

Gã khổng lồ Starbucks gây chiến

Cuối năm 2015, Nguyễn Hoàng Anh nhận được một bức thư từ hãng càphê danh tiếng Starbucks cáo buộc quán Golden Mountain Coffee & Tea của anh sử dụng logo gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của hãng càphê Mỹ này.

Thư ghi rõ Starbucks yêu cầu hãng của Việt Nam phải thay màu sắc khác logo, không sử dụng và nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đối với logo trên.

Chưa hết, Starbucks còn cáo buộc Hoàng Anh xây dựng website và Facebook “làm gia tăng sự ngộ nhận của người tiêu dùng về mối quan hệ không có thật giữa hai thương hiệu”.

Đang yên đang lành, tự dưng lại dính vào chuyện vi phạm sở hữu trí tuệ từ chuỗi càphê lớn nhất thế giới, vậy là rắc rối rồi.

Mà Mountain Coffee đang được xuất khẩu sang thị trường Mỹ và nhiều quốc gia khác nữa mới chết. Starbucks thì quá nổi tiếng, và rất khắt khe trong bảo hộ tài sản trí tuệ.

Năm 1992, theo cục Sở hữu trí tuệ (SHTT), hãng này đã nộp 36 đơn bảo hộ nhãn hiệu đến Việt Nam. Chính thức có mặt tại thị trường này vào đầu năm 2012, Starbucks đang…

Bất ngờ, nhưng không lúng túng, Hoàng Anh trao đổi thẳng thắn với Starbucks. Chỉ nhìn bằng mắt thường, về màu sắc, Starbucks có màu xanh lá, còn logo của Golden Mountain lại màu vàng kim.

Mà màu sắc, theo luật SHTT Việt Nam, không có điều khoản nào nói về chuyện gây nhầm lẫn. Hình tròn đồng tâm cũng không phải là sở hữu độc quyền của Starbucks.

Hơn nữa, bao bì sản phẩm của Golden Mountain đã được đăng ký bảo hộ. Đấy là chưa nói đến chuyện phải tốn rất nhiều công sức và tiền của, Golden Coffee mới xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng như hiện tại.

“Không thể chỉ vì Starbucks nói logo của chúng tôi có thể gây nhầm lẫn với thương hiệu của họ mà có thể bỏ đi được”, Hoàng Anh cho biết.

Vậy là cãi nhau. Mấu chốt của vấn đề: công ty Việt Nam không bắt chước, sao chép ý tưởng của công ty Mỹ. Sau nhiều lần, Starbucks cũng phải chịu. Hoàng Anh cũng có chút nhún: gỡ bỏ các thông tin liên quan đến Starbucks trên website và Facebook của mình, dù thừa nhận rằng “đó đơn thuần chỉ là diễn đàn trao đổi văn hoá tiêu dùng càphê của khách hàng trên toàn thế giới. Các thông tin đều được trích dẫn trung thực từ các nguồn tin khác”.

Và thế là, tưởng là đối thủ, là kẻ thù, hai bên trở thành bạn. Mùa Trung thu năm nay, Hoàng Anh còn được một hộp bánh trung thu do Starbucks Việt Nam gửi tặng.

Trả lại sự trong sạch cho vàng đen

Golden Mountain – Núi Vàng, hay chính xác hơn là Sơn Kim, là tên của chuỗi càphê của cậu út nhà Sơn Kim danh giá.

Dòng chữ Since 1993 trong logo của Golden Mountain Coffee & Tea cho biết thời gian xuất hiện của thương hiệu này. Nhưng phải đến năm 2013, Hoàng Anh mới khởi sự nhánh càphê sạch.

Đến nay, các sản phẩm của Golden Mountain đã được xuất khẩu đi nhiều thị trường, còn chuỗi cửa hàng đã đến con số 15, cùng hàng loạt các chứng nhận sản xuất càphê bền vững của các tổ chức UTZ, RainForest, FairTrade, GTZ…

Nguyễn Hoàng Anh không phải là tay mơ khi đầy kiến thức kinh doanh, tiền bạc cũng rủng rỉnh. Nhưng khởi nghiệp càphê thì mọi thứ mới toanh. Càphê sạch là từ thời thượng được nhắc đến trong thời gian gần đây.

Nhưng để kinh doanh càphê sạch là một nỗi truân chuyên. Nguyên nhân thật đơn giản: thị trường tràn đầy càphê bẩn, càphê pha trộn. Quan trọng hơn, người tiêu dùng chẳng thèm quan tâm tới sạch hay bẩn.

Loay hoay mãi, cuối cùng cũng hình thành được quy trình khép kín từ trồng trọt đến sản xuất, rang xay. Bắt đầu từ việc chọn vùng đất phù hợp cho càphê, giống càphê, quy trình sơ chế càphê, thiết bị rang xay, quy trình quản lý chất lượng và bảo quản lưu trữ…

Mọi thứ đều phải sạch. Anh kể, một trong những điều khó chính là thuyết phục nhà nông trồng càphê sạch, càphê chất lượng cao.

“Đến nay đấy vẫn là một vấn đề nan giải, vì thói quen cũ. Họ có thể nhẫn nại mất cả năm chăm bón, nhưng lại rất cẩu thả khi đến mùa vụ thu hoạch. Muốn càphê chất lượng cao thì các khâu hái càphê chín, làm sạch, sàng lọc bằng tay, phơi sấy đúng kỹ thuật. Phải bảo quản kỹ càng mới tránh càphê nhiễm các mùi khác trong quá trình chế biến và lưu trữ”.

009

Nguyễn Hoàng Anh kiểm tra nguồn nguyên liệu cà phê sạch của mình.

Hoàng Anh cho biết, trước đây, khi thu hoạch càphê, phần đông người nông dân vẫn dùng các bao bì đựng phân bón, thuốc trừ sâu để bảo quản càphê.

Các kho bãi thì không kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, thậm chí sàn nhà ẩm ướt vẫn cứ chất càphê cả đống… Mọi việc phải bắt đầu thay đổi thói quen như thế.

“Nhưng khó khăn nhất vẫn là làm sao mình và người nông dân có thu nhập ổn định, bán được sản phẩm với giá trị cao hơn, giá trị thương hiệu của họ được biết đến”.

Thế rồi, anh đứng ra nhận bao tiêu, hỗ trợ giống giá trị cao và trả chi phí sản xuất cao hơn, đào tạo miễn phí, yêu cầu các hộ nông dân phải tuân thủ các quy định trong trồng trọt và thu hoạch. Công ty trang bị cho nông dân các công cụ cần thiết để kiểm soát chất lượng.

“Một vài lần họ không làm đúng, chất lượng không đạt, tôi cương quyết trả về, không dễ dãi nhân nhượng mặc dù nhìn họ rất tội nghiệp. Vài lần như thế khiến cho giờ đây mọi việc đã tốt hơn lên rất nhiều”.

Cái khó tiếp theo là phải thuyết phục được người tiêu dùng. Hoàng Anh bôn ba học các cách thức pha chế và gu thưởng thức càphê kiểu Ý, Mỹ, Pháp và dĩ nhiên Việt Nam… để đúc kết kinh nghiệm riêng cho mình.

“Mất rất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm tòi, vì thiếu thông tin, thiếu kiến thức chế biến, cây trồng, thiếu kiến thức rang xay… vì sách tiếng Việt thì chưa có và tiếng Anh về các chủ đề này đa phần chung chung, bí mật, thậm chí mơ hồ…”

Tất cả cứ thế mà mò mẫm, tự học… Điều quan trọng, theo anh, phải có sự kiên nhẫn và kiên định đến cùng.

Anh kể mình tham gia nhiều các hội chợ quốc tế, lớn có, nhỏ có. Những lần như vậy, khi nhìn các đoàn từ các hiệp hội của các quốc gia càphê mạnh như Panama, Colombia, hay các nước châu Phi như Rwanda, Tanzania… cũng nỗ lực tham gia phát biểu và giới thiệu càphê của quốc gia mình, lại thấy chạnh lòng khi thiếu đi đại diện hiệp hội từ Việt Nam.

Đi mới thấy, các quốc gia và thế giới làm rất bài bản, có tiêu chuẩn tiêu chí rõ ràng, không bị các công ty lớn đa quốc gia ép giá…

“Nhà nước cũng phải can thiệp các tập đoàn, đừng để họ ép giá người nông dân. Nếu cứ để nông dân nghèo khổ, không còn mưu sinh được, tệ nạn tất yếu phát sinh. Truyền thông và ngành y tế cũng cần phối hợp để nâng cao ý thức người dân, không để mập mờ, đánh lận con đen về giá trị của càphê, có như vậy mới mong bức tranh càphê thực sự bừng sáng”.

Giờ thì, càphê sạch đang có đất diễn. Thị trường 92 triệu dân mỗi ngày tiêu thụ khoảng 35 triệu ly càphê, mỗi năm khoảng 17 tỉ ly, quy mô rất lớn. Vậy mà, theo tính toán, vẫn mới chỉ chưa đầy một nửa trong số đó là càphê sạch.

Đó chính là cơ hội. Hàng loạt các tên tuổi lớn trên thế giới đổ đến, từ Starbucks, Coffee Beans & Tea Leaf. Ngay cả McDonald’s cũng đưa thương hiệu càphê McCafe của mình vào các chuỗi tại Việt Nam…

Trong nước, thói quen tiêu dùng cũng đang thay đổi, buộc các nhà sản xuất cũng phải thay đổi theo. Trào lưu càphê sạch đang lên ngôi.

Chỉ bởi vì yêu

Sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời về ngành thời trang, mà cụ thể là người mẹ, bà Nguyễn Thị Sơn, cùng các anh trai chị gái người làm bất động sản, người làm thời trang, cậu út Hoàng Anh lại đâm ghiền càphê và theo đuổi giấc mơ càphê sạch. Đơn giản, Hoàng Anh bảo, “vì thích”.

“Tôi thích uống càphê, thích trồng trọt, nuôi cá, nuôi chim, thích ngắm nhìn những cao nguyên núi đồi, vườn càphê nặng trĩu hạt, hoa càphê trắng xoá hút hồn tôi. Điều làm tôi ngạc nhiên là tại sao càphê Việt Nam bị đánh giá thấp, luôn kèm với kém chất lượng, không bán được giá cao?

“Tại sao nông dân càphê các nước khác được tôn vinh, càphê bán được giá cao gấp hàng chục lần hàng trăm lần. Tại sao nhiều đại gia bỏ tiền hàng trăm tỷ vào lãnh vực này mà vẫn thất bại? Điều này thôi thúc tôi và thách thức tôi đầu tư vào lãnh vực này…?

Không theo nghiệp mẹ, không nối chí anh, làm trái nghề chị, thế mà bà Sơn vẫn không những không phản đối mà còn ủng hộ.

Anh kể, mẹ mình, “là nhà kinh tế theo trường phái cổ điển”, nhưng không bảo thủ mà lại “rất lắng nghe, nếu thấy hợp lý là quyết rất nhanh”. Chính bà Sơn đã khuyến khích chàng trai út trong nhà theo đuổi đam mê, kiên nhẫn không bỏ cuộc.

“Hãy làm tốt việc mình cần làm, không bình luận chuyện của người khác, không lo chuyện của ông trời”, Hoàng Anh hồi ức về lời mẹ dặn.

Truyền thống kinh doanh nhà Sơn Kim có từ ba đời. Thời ông bà ngoại là hợp tác xã may mặc Đại Thành. Các câu chuyện kể từ bà ngoại Hoàng Anh vẫn nhớ như in, từ chuyện “bà ngoại từng tự tay thiết kế mẫu, cải tiến máy may, cắt vải… đến dậy từ rất sớm 4 – 5 giờ sáng để đi giao hàng cho các chợ đầu mối và thức đến tận khuya để hoàn thiện từng sản phẩm”.

Còn mẹ anh, bà Sơn, người dẫn dắt Legamex lên đỉnh cao, là một nhà quản lý giỏi, dù có lúc lâm vào vòng lao lý. Bố anh là một bác sĩ, “luôn chữa trị chu đáo cho bệnh nhân, bất kể đêm khuya hay những ngày nghỉ lễ”.

Gia đình Nguyễn Hoàng Anh và bà Nguyễn Thị Sơn (ảnh facebook nhân vật)

Người anh thì đang là đại gia bất động sản, nổi tiếng với Sơn Kim Land. Người chị thì nối nghiệp mẹ với chuỗi Sơn Kim bán lẻ ngành hàng thời trang.

Vậy là, thừa hưởng dòng máu kinh doanh và sự tận tuỵ, Hoàng Anh khởi nghiệp làm anh chàng bán càphê, và vượt qua các trở ngại.

“Tôi muốn truyền lại cho con cái mình, để có thể tiếp nối được nghiệp kinh doanh mà vẫn không làm mất đi những giá trị nhân văn là làm việc có đam mê, chăm chỉ, bắt đầu từ việc nhỏ, không ngừng nâng cao năng lực của mình”.

Kim Yến
Theo TGTT