FPT buôn tiền "khôn", nằm ngoài xu thế của thị trường chứng khoán
Thị trường chứng khoán mấy năm gần đây phát triển nhanh như vũ bão. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 476.455 tài khoản chứng khoán trong tháng 5, gấp đôi so với tháng trước và là con số kỷ lục trong lịch sử.

Việc mở tài khoản và đầu tư chứng khoán không chỉ là các cá nhân mà còn có các tổ chức, các doanh nghiệp. Thế nhưng, không phải phi vụ đầu tư nào cũng có lời, pha xuống tiền nào cũng bắt được đáy của thị trường.

Gần đây, nhiều công ty lớn có báo cáo tài chính cho thấy, danh mục đầu tư chứng khoán thua lỗ không hề nhẹ. Chẳng hạn như tại Báo cáo tài chính riêng quý 2/2022, Thép Tiến Lên (TLH) trong 6 tháng đầu năm đã rót vào thị trường chứng khoán 148,3 tỷ đồng. Một số mã  đáng chú ý mà công ty đầu tư như: SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, VIX của Công ty cổ phần chứng khoán VIX, LIC của Công ty cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, giá trị hợp lý của số cổ phiếu này chỉ là 86,8 tỷ đồng, điều này đồng nghĩa với việc công ty tạm lỗ lên đến hơn 61 tỷ đồng.

Hay như Công ty cổ phần Licogi 14 cũng đầu tư một lượng lớn cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng và CEO của Tập đoàn C.E.O. 2 mã cổ phiếu này đã tăng mạnh như vũ bão sau thông tin đấu giá thành công đất vàng Thủ Thiêm. Tuy nhiên, chúng đá mất đến 60 - 70% giá trị khi các doanh nghiệp trúng thầu bỏ cọc.

Việc L14 sở hữu gần 7,8 triệu cổ phiếu CEO và 2,9 triệu cổ phiếu DIG, số tiền gốc là hơn 486 tỷ đồng. Hiện, tính đến hết quý 2/2022, chứng khoán kinh doanh của công ty đang ở mức hơn 688 tỷ đồng. Công ty đang dự phòng giảm giá chứng khoán là 379,6 tỷ đồng. Đồng nghĩa là danh mục này đang lỗ số tiền như vậy, tương đương tỷ lệ lỗ 55% danh mục.

Trong khi các doanh nghiệp ồ ạt đầu tư vào thị trường chứng khoán thì FPT lại chọn hướng gửi tiền ngân hàng lấy lãi. Trong Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2022 của FPT, tập đoàn này cho hay, trong quý, kết quả kinh doanh của FPT đạt doanh thu 10.096 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 4.015 tỷ đồng. Lãi sau thuế 1.562 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với số lãi 1.260 tỷ đồng đạt được quý 2 năm ngoái.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 doanh thu thuần FPT đạt 19.826 tỷ đồng, tăng 22,2% so với cùng kỳ. 6 tháng đầu năm 2022 FPT lãi sau thuế 3.100 tỷ đồng, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, doanh thu từ hoạt động tài chính của FPT trong 6 tháng đầu năm đã tăng mạnh, đạt 922 tỷ đồng, tăng gần 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu lãi tiền gửi ngân hàng đạt hơn 688 tỷ đồng, tăng 247 tỷ đồng so với cùng kỳ. Lãi chênh lệch tỷ giá là 232 tỷ đồng.

Tổng tiền đi gửi ngân hàng theo dạng có kỳ hạn, tính đến 30/6/2022 là 21.543 tỷ đồng, tăng 790 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Bên cạnh đó FPT còn có khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng 1.268 tỷ đồng (giảm hơn 700 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm) và tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng hơn 3.900 tỷ đồng (tăng gần 500 tỷ đồng áo với đầu năm). 

FPT cũng dành gần 2.000 tỷ đồng đầu tư vào các đơn vị khác. Tổng tiền đi gửi ngân hàng các kỳ hạn khác nhau lên đến gần 23.000 tỷ đồng.

Không chỉ FPT, nhiều "ông lớn" mang "núi" tiền gửi ngân hàng 

Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco là một trong số những doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn. Hiện, doanh nghiệp của ông chủ người Thái Lan đang có khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 1 năm là 18.209 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn dài hạn là gần 21 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp này đã có nguồn thu lên đến gần 443 tỷ đồng nhờ lãi gửi ngân hàng và hơn 39 tỷ đồng nhờ chênh lệch tỷ giá.

Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng không phải ngoại lệ. Tại Báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2022, doanh nghiệp này có khoản tiền gửi ngân hàng và chứng chỉ tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm với lãi suất từ 2,9 - 6,5%/năm là 3.334 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 3.170 tỷ đồng ở đầu kỳ. Trong quý, số tiền gửi ngân hàng của Vingroup đem về số lãi là hơn 572 tỷ đồng, lãi chênh lệch tỷ giá cũng đạt gần 11 tỷ đồng.

Một cái tên vàng trong làng đem tiền gửi ngân hàng mang về lãi lớn là Tổng công ty khí Việt Nam - GAS. Tại Báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2022, GAS đã có doanh thu từ hoạt động tài chính lên đến 247 tỷ đồng. Có được kết quả này là do GAS có hơn 2.189 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và hơn 24.436 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3 tháng đến 12 tháng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, lượng tiền gửi của doanh nghiệp tăng cao sẽ tạo điều kiện hạ mặt bằng lãi suất cho vay và tăng khả năng cạnh tranh. Tuy nhiên, do các khoản tiền gửi không kỳ hạn của các doanh nghiệp khá lớn nên ngân hàng cũng phải nâng cao quản trị, cân đối nguồn vốn để đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn vốn.