Thắng lớn trên mọi... “mặt trận”

Dù kết quả cuối cùng phải đợi Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022, dự kiến tổ chức vào ngày 7/4 tới, quyết nghị, song thông tin FPT dự kiến chia cổ tức tới 40% trong năm 2022, trong đó 20% bằng tiền (10% đã thực hiện chi trả trong năm 2021, 10% còn lại sau khi ĐHĐCĐ phê duyệt), 20% bằng cổ phiếu (tỷ lệ 5:1), chắc chắn khiến các cổ đông mừng vui.

Năm 2020, với tăng trưởng doanh thu 16,4% và tăng trưởng lợi nhuận 18%, ĐHĐCĐ thường niên FPT 2021 đã quyết nghị trả cổ tức 35% (trong đó, 20% là bằng tiền mặt). Khi ấy, tại ĐHĐCĐ, các cổ đông đã vui mừng nói rằng, họ hài lòng với việc trong Covid-19, FPT vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 2 chữ số, điều mà không phải công ty nào cũng làm được.

Năm 2021, tình hình còn khó khăn hơn, nhưng FPT đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, với tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 19,5% và 20,4%, tương ứng đạt 35.657 tỷ đồng và 6.337 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm. Đây chính là cơ sở quan trọng để HĐQT FPT đề xuất chi trả cổ tức lên tới 40%.

“Với sự chủ động ứng phó, thích ứng linh hoạt với ‘bình thường mới’, chúng tôi không chỉ giữ vững được tốc độ tăng trưởng ổn định, mà còn vượt kế hoạch”, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT cho biết.

Điều đáng nói là, FPT đã thắng lớn trên mọi... mặt trận. Báo cáo thường niên FPT cho biết, năm 2021, Khối Công nghệ vẫn giữ vững vị thế là khối kinh doanh chủ lực của Tập đoàn, đạt hơn 20.700 tỷ đồng doanh thu và gần 2.800 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 23,4% và 24,3%, đóng góp 58% doanh thu và 44% lợi nhuận trước thuế.

Trong đó, lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin nước ngoài đạt hơn 14.500 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 21%, lợi nhuận đạt hơn 2.400 tỷ đồng và đặc biệt là, ghi nhận sự tăng trưởng ở tất cả các thị trường. Cụ thể, doanh thu tại riêng thị trường Mỹ tăng 52%, đạt 4.369 tỷ đồng. Năm 2021, FPT ghi nhận 19 dự án lớn tại các thị trường với giá trị trên 5 triệu USD mỗi dự án.

Lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin trong nước cũng có mức tăng trưởng mạnh mẽ nhờ chú trọng phát triển các giải pháp, nền tảng Made by FPT, cũng như hoàn thiện năng lực cung cấp các sản phẩm - dịch vụ chuyển đổi số, tăng tốc trong bối cảnh đại dịch. Con số gần 6.200 tỷ đồng doanh thu, tăng 29% và 377 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 34% là rất ấn tượng.

Bên cạnh đó, FPT cũng cho biết, Khối Viễn thông và Khối Giáo dục đều tăng trưởng tốt trong mùa dịch.

1-1649034971.jpg

”Át chủ bài” chuyển đổi số

Dù trước đó, câu chuyện chuyển đổi số đã được các nhà lãnh đạo FPT nhắc đến, nhưng phải tới khi Covid-19 bùng nổ, thúc đẩy nhu cầu dịch vụ chuyển đổi số tăng cao ở cả thị trường toàn cầu và trong nước, FPT mới đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong lĩnh vực này.

Theo IDC, chi tiêu trực tiếp cho chuyển đổi số, vốn đã tăng nhanh đáng kể từ khi đại dịch bùng phát, được dự báo sẽ tăng với tốc độ 15,5% /năm trong giai đoạn 2020 - 2023, đạt 6,8 nghìn tỷ USD. Quy mô thị trường rất lớn, tha hồ để FPT “canh tác” và gặt hái thành công, nếu có chiến lược và kế hoạch đúng đắn.

Nếu như năm 2020, chuyển đổi số ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 31%, từ 2.453 tỷ đồng của năm 2019 tăng lên 3.219 tỷ đồng, thì năm 2021, mức tăng trưởng đã lên tới gần 72%.

Tháng 4 năm ngoái, ĐHĐCĐ FPT chỉ “dám” đặt mục tiêu tăng trưởng của lĩnh vực này là 30-40%, mà ngay cả với con số ấy, không ít người cũng đã đặt câu hỏi liệu FPT có đạt được hay không. Vậy mà kết quả đã vượt mọi dự kiến.

Ngoài các hợp đồng chuyển đổi số với các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài, năm 2021 đã ghi nhận sự tăng trưởng vượt trội của dịch vụ chuyển đổi số trong nước. FPT đã tiếp cận và hợp tác với hơn 20 tập đoàn lớn nhất Việt Nam, với số lượng hợp đồng ký mới tăng tới 45%. Trong đó, các hợp đồng với khối khách hàng ngân hàng có sự tăng trưởng vượt trội, khối bất động sản khai phá nhiều hợp đồng chuyển đổi số quy mô lớn.

Không dừng ở các doanh nghiệp, năm 2021 FPT tiếp cận và thực hiện các hợp đồng chuyển đổi số cho các địa phương. Trong 54 tỉnh, thành phố đã ban hành Nghị quyết/Chương trình chuyển đổi số, FPT đã tiếp cận, ký kết hợp tác chiến lược và đào tạo thay đổi nhận thức chuyển đổi số với hơn 40 tỉnh thành.

2-1649034977.jpg

Tỉnh Khánh Hoà và FPT ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số toàn diện

Nhưng FPT sẽ không thể “thắng lớn” như vậy trong lĩnh vực chuyển đổi số nếu như không có một quyết định rất quan trọng, đó là mua lại Base.vn. Với thương vụ “bom tấn” này, FPT không chỉ củng cố “vị trí thống lĩnh” của mình trong dịch vụ công nghệ thông tin trong nước, mà còn giúp hoàn thiện hệ sinh thái ứng dụng phục vụ chuyển đổi số nhằm phục vụ tốt hơn phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ, với nhu cầu chuyển đổi số được dự báo sẽ rất lớn trong tương lai.

Rõ ràng, việc doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số tăng trưởng vượt bậc ở mức 72% trong năm 2021 cho thấy FPT đã bắt kịp xu hướng lớn là chuyển đổi số với nhu cầu đang gia tăng nhanh chóng.

Con đường nào cho tương lai?

Thông tin cho biết, tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2022, FPT dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 với mục tiêu doanh thu tăng trưởng 19% so với năm 2021, đạt 42.420 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 20,2%, đạt 7.618 tỷ đồng. Trong đó, khối công nghệ doanh thu tăng 21,1%, khối viễn thông tăng 14,8%, khối giáo dục và còn lại tăng 32,5%. Lợi nhuận năm nay dự kiến đạt 7.618 tỷ đồng, tăng 20,2% so với năm 2021.

Đáng chú ý, kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2022 cho thấy, FPT ghi nhận doanh thu đạt 6,1 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 1.102 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước

Ngoài một số thay đổi về thành viên HĐQT, kỳ họp này cũng dự kiến sẽ đánh dấu những thay đổi mang tính chiến lược tại doanh nghiệp. Theo tài liệu được gửi tới các cổ đông, trong giai đoạn 2022 - 2024 và tầm nhìn 2030, FPT sẽ chú trọng vào lợi nhuận, năng suất và đổi mới hướng tới mục tiêu lớn, dài hạn là trở thành doanh nghiệp số và đứng trong Top 50 công ty hàng đầu thế giới về cấp dịch vụ, giải pháp chuyển đổi số toàn diện vào năm 2030. 

Từ năm 2021, FPT đã đưa ra chiến lược Data Driven - Customer Centric (Vận hành dựa trên dữ liệu - Khách hàng làm trung tâm). Trong giai đoạn 2023-2024, FPT vẫn theo đuổi chiến lược này với trọng tâm “thúc đẩy tăng trưởng nhanh từ việc tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ mới, cũng như cung cấp dịch vụ chuyển đổi số quy mô lớn”.

Quyết tâm phát triển các sản phẩm công nghệ mới, nên FPT dự kiến dành ít nhất 5% lợi nhuận trước thuế năm liền trước để chi cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, hệ sinh thái công nghệ Made by FPT sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ dựa trên các công nghệ dẫn đầu xu hướng như AI, Cloud, Big Data, Blockchain, Hyper Automation để phát triển và cung cấp các sản phẩm, giải pháp, nền tảng có tính mở, tin cậy và linh hoạt, thông minh, bảo mật và có tính ứng dụng cao trong mọi lĩnh vực từ chính phủ điện tử, giao thông, y tế, tài chính ngân hàng, viễn thông, giáo dục đến sản xuất, tiêu dùng…

Bước sang năm 2022, bên cạnh việc bền bỉ theo đuổi định hướng công nghệ về Chuyển đổi số, FPT tiếp tục “quyết chiến” khi “start-up” các sản phẩm số phục vụ cho các giá trị cơ bản con người, gia đình, cộng đồng… như học tập, công việc, thực phẩm, sức khoẻ. Trong đó, kỳ vọng về các sáng kiến số này sẽ đáp ứng nhu cầu về ăn (sạch – rẻ), học (hứng khởi – sáng tạo), làm (kết nối giữa người lao động và nhà tuyển dụng nhanh nhất với chi phí thấp nhất), và khoẻ (chăm sóc sức khoẻ người dân chu đáo nhất, tốt nhất và thuận lợi nhất) của hàng triệu người dùng. Theo đó, trọng tâm khách hàng của FPT sẽ không chỉ là các tập đoàn lớn, mà còn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và cả nhóm khách hàng cá nhân.

Với những bước đi này, giới đầu tư có lẽ đang tiếp tục chờ đợi thành tích mới từ FPT.