Thị trường ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận toàn ngành đạt +11,8%, tuy nhiên ẩn chứa bên trong là sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành mở ra cơ hội, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu lựa chọn sai cổ phiếu.

🏦 Tài chính ngân hàng vẫn "ổn" nhưng chưa đều

Lợi nhuận sau thuế nhóm tài chính tăng +14,1% so với cùng kỳ, trong đó ngân hàng tiếp tục là đầu tàu với mức tăng +15,3%. MBB gây ấn tượng với mức tăng trưởng +45%, thiết lập kỷ lục mới về lợi nhuận quý. Ngược lại, một số ngân hàng lớn như BID và TCB có phần chững lại.

Ở nhóm ngân hàng vừa và nhỏ, Nam A Bank và NCB đang dần tạo dấu ấn rõ nét nhờ cải thiện hiệu quả hoạt động, tăng trưởng tín dụng ổn định và cải thiện biên lãi thuần. Việc NCB chính thức thoát lỗ sau hai năm cho thấy hiệu quả từ quá trình tái cơ cấu đang dần phát huy tác dụng.

buc-tranh-tai-chinh-quy-i-cac-nganh-tren-san-co-chuyen-bien-gi-trien-vong-1747884494.png

🔸 Vietcombank (VCB): Lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 10.860 tỷ (+1,3% YoY).

🔸 MBBank (MBB): Bứt phá với 8.386 tỷ (+45%), cao nhất lịch sử quý I.

🔸 BIDV (BID): LNTT gần như đi ngang ở mức 7.413 tỷ.

🔸 Techcombank (TCB): Giảm -7,2%, còn 7.236 tỷ.

🔸Nam A Bank: LNTT 1.214 tỷ (+21%).

🔸NCB: Thoát lỗ, đạt 125 tỷ lãi thuần cao nhất trong 9 quý.

📈 Nhóm chứng khoán vẫn lao đao?

Khi VN-Index có lúc vượt mốc 1.340 điểm, nhiều công ty chứng khoán được hưởng lợi rõ rệt nhờ hoạt động tự doanh và cho vay ký quỹ. VCI và MBS ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trên 47%. Tuy nhiên, sự phân hóa cũng bắt đầu xuất hiện khi những cái tên như HCM hay SHS lại đi lùi do chiến lược tự doanh chưa hiệu quả, cho thấy sự khác biệt rõ nét giữa các công ty về khả năng nắm bắt xu hướng thị trường.

🏘️ Còn bất động sản?

Sau một giai đoạn dài trầm lắng, ngành bất động sản đang chứng kiến tín hiệu phục hồi tích cực, đặc biệt ở phân khúc nhà ở cao cấp và khu công nghiệp. VHM, KDH, NLG, KBC ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận cao đột biến thậm chí ba chữ số. Riêng KBC gây bất ngờ với mức tăng tới +1206%, khẳng định vị thế khi dòng vốn FDI và nhu cầu thuê đất khu công nghiệp tăng mạnh.

Tuy nhiên, mặt trái của bức tranh là không ít doanh nghiệp bất động sản vẫn đang vật lộn với khó khăn về dòng tiền, sản phẩm khó hấp thụ hoặc lãi vay cao điển hình như NVL và DIG tiếp tục ghi nhận lỗ.

Cụ thể các doanh nghiệp:

- Vinhomes (VHM): Doanh thu +91%, LNST đạt 11.252 tỷ (+193,3%).

- Nam Long (NLG): LNST đạt 474 tỷ (+269%).

- Khang Điền (KDH): LNST 346 tỷ (+85,5%).

- GVR: LNST 621 tỷ (+108,6%).

- KBC: LNST 776 tỷ (+1206,6%).

Doanh nghiệp đi ngang hoặc lỗ:

- DXG, PDR: LNST ổn định, không tăng trưởng đáng kể.

- NVL, DIG: Tiếp tục báo lỗ, chưa có tín hiệu hồi phục tài chính.

Nhóm khác thì sao?

Mức tăng trưởng +11,8% của nhóm phi tài chính thấp hơn toàn thị trường, phản ánh sự chững lại ở nhiều ngành truyền thống. Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng nổi bật như: Bán lẻ (MWG, FRT), Dệt may (TCM, STK), Thủy sản (VHC, IDI), Năng lượng (POW, GEG) và Chăn nuôi (DBC, MML). Tuy nhiên, rủi ro đang đến từ chính sách thuế của Mỹ với đề xuất áp thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa Việt Nam, có thể là "đòn giáng" mạnh vào nhóm xuất khẩu, đặc biệt là thủy sản và dệt may.

Ngược lại, một số ngành như Sữa (VNM), Bia (SAB), Viễn thông (VGI), Hàng không (HVN) đang dần quay lại trạng thái giảm tốc. Dù HVN giảm -21,5% lợi nhuận sau thuế, điểm sáng là hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn tăng trưởng mạnh, cho thấy tiềm năng phục hồi bền vững nếu các yếu tố bất thường được loại bỏ.

🛠️Còn lại là thế cực khác

Trong khi Hòa Phát (HPG) nổi bật nhờ dự án Dung Quất 2, với lợi nhuận sau thuế tăng +17%, thì các doanh nghiệp khác như Nam Kim (NKG) và Hoa Sen (HSG) đang đối mặt với sức ép kép từ giá thép giảm và các biện pháp bảo hộ thương mại từ Mỹ. HSG thậm chí báo lỗ gần 94 tỷ đồng trong quý I, một con số đáng báo động.

Mùa báo cáo quý I/2025 khẳng định xu thế phân hóa ngành đang ngày càng rõ rệt. Nhà đầu tư cần tiếp cận thị trường với tư duy lựa chọn "đúng ngành, đúng mã" thay vì kỳ vọng vào sự hồi phục đồng đều. Những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững, chiến lược rõ ràng và hưởng lợi từ xu thế vĩ mô sẽ là chìa khóa dẫn dắt danh mục trong quý II/2025.