Ổ cắm điện – tiện ích nhỏ và tư duy lớn trong ngành Hospitality : Khi bạn bước vào một quán cà phê, bạn chọn ngồi lại lâu hơn – không chỉ vì ly cà phê ngon, mà còn vì những điều tưởng chừng rất nhỏ: ghế ngồi thoải mái, máy lạnh mát, wifi ổn định… và đặc biệt là một ổ cắm điện gần chỗ ngồi.
Những thứ đó không chỉ là “tiện ích”, mà là cốt lõi của ngành dịch vụ (hospitality). Bởi ngành này xoay quanh một nguyên tắc cơ bản: phục vụ nhu cầu khách hàng để họ cảm thấy được chào đón, được chăm sóc, và muốn quay lại.
Vậy nên, khi một chuỗi cà phê như The Coffee House quyết định bịt toàn bộ ổ cắm điện trên toàn hệ thống, họ không chỉ dẹp bỏ một tiện ích, mà đang tự tước đi chính yếu tố từng làm nên sức hấp dẫn của mình — một nơi làm việc, học tập, gặp gỡ lý tưởng trong lòng giới trẻ, dân văn phòng, freelancer.

Vì sao điều này nghiêm trọng?
1. Trong ngành dịch vụ, không phải “mình muốn gì”, mà là “khách cần gì”: Việc educate khách hàng là cần thiết, nhưng không phải bằng cách giới hạn quyền lợi họ từng có, nhất là khi những tiện ích ấy đã trở thành tiêu chuẩn chung trên thị trường.
2. Nếu mình không có mà người khác có, mình mất khách. Rất đơn giản: khách hàng sẽ chọn nơi tiện hơn. Highlands, Phúc Long, Starbucks, thậm chí nhiều quán cà phê độc lập đều có ổ cắm đầy đủ. Bạn muốn khách ở lại lâu, gọi thêm đồ – thì phải tạo điều kiện để họ làm việc và sạc pin.
3. Cắt giảm dịch vụ trong lúc khủng hoảng là tự cắt chính mình. TCH hiện không chỉ tụt doanh thu, đóng hàng chục cửa hàng mà còn bị thâu tóm với mức định giá rớt thê thảm. Vậy thì càng phải giữ khách, níu từng giá trị cốt lõi — chứ không nên hành xử như thể khách hàng đang “lợi dụng” mình.
Hospitality không phải là sự hào nhoáng.
Nó nằm trong từng chi tiết nhỏ: Một ổ cắm điện, một cái ghế êm, một ánh đèn đủ sáng – đó là cách bạn cho khách thấy họ được chào đón. Ngược lại, khi bạn khóa lại những thứ họ từng được dùng tự nhiên, bạn đang ngầm nói: “Ở đây không còn dành cho bạn nữa.”
Và họ sẽ đi. Im lặng. Nhưng không trở lại.
The Coffee House gặp khủng hoảng kép
Động thái này diễn ra trong bối cảnh The Coffee House đang gặp nhiều khó khăn. Năm 2023, doanh thu chuỗi cà phê giảm 11% còn khoảng 700 tỷ đồng, trong khi lỗ lũy kế đã chạm mốc 800 tỷ đồng. Từ cuối năm ngoái, thương hiệu này đã đóng hơn 60 cửa hàng, giảm từ 154 còn 93 điểm bán và rơi khỏi Top 5 chuỗi cà phê phổ biến nhất Việt Nam.
Đầu năm 2025, Golden Gate "ông trùm" ngành F&B với các chuỗi Gogi, Manwah đã thâu tóm 99,98% cổ phần The Coffee House với giá 270 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 so với mức định giá 1.000 tỷ đồng năm 2021.