* Kỷ luật nhận thức

Đòi hỏi duy trì tính khách quan tuyệt đối, nhìn nhận sự việc đúng như nó vốn có. Mọi sự vật đẹp đẽ là do tự bản thân chúng như vậy. Dù khen ngợi chúng vẫn như vậy, không tốt hơn, không xấu hơn. Thế giới vạn vật thế nào, mang lại cảm xúc tích cực hay tiêu cực là do mỗi cá nhân tự gây ra. Do vậy duy trì tính khách quan không bóp mép, không tô hồng sự vật là nhiệm vụ "kiểm soát gắt gao năng lực tri giác" của mỗi người."

bo-ba-ve-ky-luat-1744988903.webp

Đây chính là nguyên tắc tôn vinh tính khách quan. Khách quan về con người; khách quan về quy luật tự nhiên, khách quan về cảm xúc. Con người cần đối xử với nhau trên nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan, không bóp méo, không thiên vị vì yêu quá, không định kiến kỳ quặc vì ghét quá. Và anh ta cũng cần tỉnh thức để khách quan với chính bản thân anh ta. Không huyễn hoặc ảo tưởng ngu xuẩn, cũng chả cần sến sẩm tự trách móc bản thân vô lối. Cả hai đều là trạng thái của sự vô tổ chức về mất kiểm soát tâm trí. Mất kiểm soát tâm trí là hậu quả của vô kỷ luật về nhận thức, một trong những nguyên tắc thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ rất đề cao.

Trong quản lý hai chữ “ghét” và “yêu” là một cái bẫy. Vì đây là hai trạng thái cảm xúc cực kỳ mất cân bằng & thiếu kiểm soát. Khi đã mất cân bằng, thiếu kiểm soát sẽ dẫn đến lộn xộn trong đối nhân xử thế, gây bất bình mất đoàn kết. Ở các tổ chức lớn hay nhỏ, mỗi khi lãnh đạo bị cảm xúc yêu & ghét chi phối, nội bộ dễ có sóng ngầm chuyện đương nhiên. Văn hoá yêu ghét là nguyên nhân của mọi sự đi xuống. Không sớm thì muộn.

* Kỷ luật hành động

Mỗi người kiểm soát hành động của bản thân & phải chịu trách nhiệm về hành động mình gây ra. Hành động đúng mực trong mọi bối cảnh, không vị kỷ, không tuỳ thuộc vào vui buồn, phấn khích hay sầu não. Những hành động quá phụ thuộc vào cảm xúc (vốn rất đỏng đảnh) thường không được lâu và thường có ở những người sống tuỳ hứng. Về cuộc sống cá nhân, điều này không cần phải mang ra bàn vì mỗi người có khẩu vị riêng miễn là họ thấy vui là được. Với một nhà lãnh đạo, ra quyết định nhân sự dựa theo cảm xúc yêu ghét là một thói quen tệ. Yêu ghét thuộc phạm trù tự nhiên rất con người. Nhưng không để yêu ghét nhúng tay chi phối hành động là một năng lực cần phải rèn luyện để có sức mạnh tự chủ, khách quan của tâm trí.

* Kỷ luật ý chí

Hãy rèn luyện tâm trí vững vàng trước mọi điều không như mong muốn. Cảm xúc có thể bất chợt đến đi. Nhưng tâm trí cần được tĩnh tâm vững chãi. Anh không cần phải áp chế, kìm nén cảm xúc vui buồn một cách phi lý. Chúng ta là người thường chứ đâu phải thánh nhân. Nhưng anh quá dễ dãi với cảm xúc và bị nó lôi đi xềnh xệch bất cứ lúc nào chứng tỏ anh có một tâm trí yếu đuối. Nếu ở vị trí lãnh đạo, cảm xúc sáng nắng chiều mưa là một điểm yếu đáng tiếc về tinh thần ảnh hưởng khá lớn đến môi trường văn hoá tổ chức. Ở vị trí lãnh đạo, quyết định nhân sự phụ thuộc vào cảm xúc làm mất sự công tâm. Các quản lý cấp trung phía dưới họ, kể cả những người được yêu, cũng bị cảm giác lo lắng, thiếu tự tin khi làm việc với lãnh đạo thiếu kỷ luật ý chí (hình mẫu erratic leaders).

“Sức mạnh nằm trong việc giữ cho tâm trí được yên bình, vượt lên trên vui sướng và đau khổ, không làm điều tuỳ tiện hay bất lương, không phụ thuộc vào chỗ người khác làm gì hay không làm gì. Vấn đề là anh có khả năng chấp nhận thực tế đang diễn ra. Chấp nhận sự việc khách quan một cách đúng mực. Cái gì không thay đổi được không cần tốn thời gian suy nghĩ và bàn luận về nó.” (Marcus Aurelius, Mediation)

www.facebook.com/ducson71/posts/

Theo Sơn Đức Nguyễn