Tui còn nhớ như in cái ngày khởi nghiệp, đầu tắt mặt tối với cái quán, không màng thế giới xung quanh chỉ tập trung vào đúng 1 thứ, là kiếm tiền.
Nên mỗi tối về rất mệt mỏi và tủi thân, khi mà giờ này bạn bè mình đứa thì đang bù khú beerclub, đứa thì đang chăn ấm nệm êm ngày mai đồ đẹp thơm tho lên công sở.
Chỉ có mình ngồi đây, dơ dáy và bẩn thỉu, quét nhanh cho sạch cái sân nhà bên cạnh (thậm chí phải sạch hơn nhà mình) để ngày mai người ta lại cho để bàn cho khách ngồi.
Hoặc đôi lúc là đối mặt với chồng chén dĩa cao ngất không tìm thấy lối để chen vào, tất nhiên là cùng với cái cống ngập do kẹt thức ăn thừa.
Lúc đó tui đã nghĩ, liệu mình có sai không. Vì sao phải cực khổ thế này?

Rồi khi có được tí thành công, báo chí nhắc đến đôi lần. Bạn bè mỗi lần gặp mặt đều xuýt xoa, buông lời ngợi khen.
Bảo phải chi tao được như mày, chứ như tao giờ ngày ngày lên công ty làm cũng chán chết. Muốn mua cái này cái kia biết đến bao giờ.
Ngồi uống bia tui khuyên nên thử bắt đầu cái gì đó, nhỏ thôi nhưng lúc nào cũng là chưa đến lúc.
Đợi tao ổn định gia đình. Đợi lúc tao dư dả hơn xíu. Đợi ông bà già tao gật đầu...
Lúc nào là lúc ổn định gia đình? Không có lúc nào hết! Khi đã có vợ, quỹ thời gian bị chia ra, làm sao mà toàn tâm toàn ý cho cái sự nghiệp nhỏ mà mình bắt đầu?
Còn chưa kể sau đó là con cái, rước con, chạy điểm cho con, chăm vợ đẻ, gia đình giận nhau,v.v... Mấy thứ đó nó vẫn tiếp diễn ngày qua ngày. Vậy nên chuyện gia đình chưa ổn định là vớ vẩn.
Tuổi trẻ trôi qua, nhiệt huyết và hoài bão cũng theo đó mà thui chột, sức khỏe thời gian cũng không còn. Khi đó, việc bắt đầu một cái gì đó mới dù là nhỏ cũng là cực kỳ khó khăn.
Còn chuyện đợi có tiền, dư dả thì lại càng xa vời. Bao nhiêu là đủ, bao nhiêu là dư dả? Nếu chưa bao giờ bước ra kinh doanh thì bao nhiêu cũng là thiếu, một khi đã sấp mặt đủ nhiều thì bao nhiêu cũng là đủ.
Không có tiền thì dùng mối quan hệ, bạn bè, giúp đỡ, vay mượn. Quan trọng là mình phải hiểu rõ và ý thức được chuyện có vay có trả, và ra sức cật lực để trả hết những món nợ đó.
Nợ tiền thì dễ trả, có nợ ân tình là trả hoài không dứt.
Nhưng có trả được hay không vẫn không quan trọng bằng chuyện dám bắt đầu, dám vay mượn.
Nên nhớ từ ông đại gia đầu ngõ đến ông giám đốc cuối hẻm. Không có ai kinh doanh lớn mà không vay mượn hết.
Còn chuyện ông bà già thì lại càng điên tiết. Gia đình có thể là điểm tựa, là nơi san sẻ, hỏi ý kiến để cuộc sống tốt hơn. Nhưng tuyệt nhiên không phải là nơi để cố vấn kinh tế quân sự.
Ông bà già ở nhà có là giáo sư kinh tế cũng sẽ cản con mình khởi sự kinh doanh, tại vì nó cực. Nó rất là cực. Mà xót con thì sẽ cản thôi. Chẳng ba mẹ nào muốn con chịu khổ, ông bà nói thế miết.
Vậy nên ổng bả chẳng cho mình ra khỏi vùng an toàn đâu. Muốn làm cứ suy nghĩ cho kỹ. Được gì và mất gì? Đầu tư bao nhiêu thời gian công sức? Kỳ vọng như thế nào? Sẽ nhờ ai cố vấn chỉ đường đi cho đúng hướng?
Xong về nhà chỉ chốt một câu thôi.
"Con sẽ làm cái này. Câu này mang tính chất thông báo chứ không phải xin ý kiến."
Xong rồi đứng dậy phủi đít thật mạnh bước ra cửa hiên ngang.
Có cản cũng không cản được.
Lúc ta thành công là mình nhận, nên những lúc đó cũng phải là mình tự quyết định, tự chịu trách nhiệm cho nó.
Đừng hỏi là giờ kinh doanh gì, buôn bán gì? Cứ trong đầu nung nấu ý tưởng phải kinh doanh thì tự nhiên con mắt, trái tim, khối óc lẫn hơi thở đi đâu cũng sẽ thấy cơ hội! Chắc chắn!
Muốn xây được lâu đài ít nhất phải chịu khó cúi xuống đặt viên gạch đầu tiên chứ!
Còn cứ chờ, cứ đợi thì đợi đến bao giờ?
Nguồn: Phan Thông