Năm 23 tuổi, ông Cù Văn Thành và vợ cùng làm việc tại một xưởng chế biến dừa của nhà nước. Những năm tháng ấy, sản phẩm từ dừa vẫn còn thô sơ, giá trị thấp, nhưng trong ông đã nhen nhóm giấc mơ: phải nâng tầm trái dừa Việt.
Thời gian sau, ông tham gia vào trung tâm nghiên cứu thực nghiệm ở Đồng Gò - nơi ông dành gần 10 năm để nghiên cứu trái dừa như thể đó là sứ mệnh của đời mình.
Thế rồi biến động xảy đến. Liên Xô tan rã, nền kinh tế rối ren khiến ngành dừa lao đao. Ở tuổi 35, ông rời trung tâm, mang theo khát khao khởi nghiệp nhưng tay trắng.
Và rồi, bước ngoặt đến từ một niềm tin. Bố vợ ông không chỉ là người thân mà là điểm tựa tinh thần lớn đã đưa cho ông… sổ đỏ. Nhờ đó, ông vay được 40 triệu đồng đủ để mua chiếc máy ép dầu dừa đầu tiên.
Chỉ 1 năm sau, Công ty TNHH Chế biến Dừa Lương Quới ra đời, với sản lượng 2.000 tấn/năm. Và từ đó, hành trình dựng nghiệp không ngừng tiến bước.
Năm 2021, khi đã bước qua tuổi 60, ông Cù Văn Thành chứng kiến công ty mình đạt doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng/năm, đưa sản phẩm từ trái dừa Việt Nam ra hơn 50 quốc gia, tạo việc làm cho hàng ngàn người dân.
Nhưng thành công không kéo dài mãi. Khi thế giới suy thoái, nhu cầu sụt giảm, doanh thu công ty mất đi một nửa. Thế nhưng, ông không sa thải một ai vẫn giữ 2.000 nhân viên với mức thu nhập trung bình 9 triệu/tháng. Đó là cách ông chọn để giữ chữ “tình” và lòng “nghĩa” với quê hương.
Trong khó khăn, ông lại một lần nữa xoay trục: xây dựng thương hiệu riêng, Vietcoco giảm lệ thuộc vào gia công, tăng giá trị nội địa hóa. Và Vietcoco đã vươn ra thế giới như một “đại sứ” mới của trái dừa Việt Nam.
Theo: Vnex